Trong "hệ tộc" các loại thực phẩm chay phải qua khâu chế biến có tính công nghệ đôi chút rồi mới làm thành món ăn thì bên cạnh đậu hủ, tàu hủ ky... được làm từ đậu nành thì mì căn (thường được tạo hình thành dạng cây hay khúc ngắn cho nên gọi là mì căn cây hay mì căn khúc) lại được làm bằng phần "tinh" của bột mì hay nói cách khác là của lúa mì. Không biết có phải vì vậy hay không mà hai từ mì căn là từ Hán Việt hoàn toàn với nghĩa căn: là gốc gác, căn cơ.
Sau khi chế biến, mì căn ở dạng khối mềm dẻo, nếu để nguyên mà cắt lát, cắt khúc rồi mới xào nấu thì gọi là mì căn tươi; còn như đem chiên vàng với dầu rồi mới chế biến thì gọi là mì căn chiên. Mì căn có một tính chất nổi trội hơn đậu hủ là dẻo dai và rất dễ thấm đẫm các loại gia vị, các loại rau thơm. cho nên trong một số món chay mì căn được khai thác tối đa để làm các món gỏi, xào, hầm... mà không bị nát. Đặc biệt trong các món giả mặn như gà cà ri, gà xé phay, bò thưng v.v... Rất nhiều đầu bếp khéo léo và cả một công nghệ chuyên môn có thể tạo hình cho mì căn ngay trong giai đoạn sơ chế thành dạng tôm hùm, mực ống, thịt bò v.v... Thêm nữa nhờ các loại hương liệu tạo mùi làm cho mì căn thật sự là một loại thực phẩm hàng đầu trong nghệ thuật nấu một số món chay.
Riêng tại Sài Gòn VN, nhận thấy từ người Hoa đến người Việt, mì căn đều được làm bằng phương pháp thủ công, có nghĩa là làm bằng tay kể cả mọi khâu nấu, nhồi. từng ít một năm bảy ký mỗi lần rồi lại làm đợt khác chứ không sản xuất hàng loạt năm bảy trăm ký. Lý do là mì căn ở dạng này là loại thực phẩm tươi và hình thức mua bán loại thực phẩm này ở mọi chợ đều có tính tiểu thương. Còn mì căn chế biến có hình dạng thịt cá lại sử dụng công nghệ đồ hộp để bao bì.
Chuẩn bị:
- May bao bằng vải sợi cotton dày, cỡ bao chừng 20 X 30cm hay 30 X 40cm. Dây để cột chặt miệng bao.
- Vải sạch cắt thành nhiều miếng chừng 20 x 20cm hoặc 30 x 30cm.
- Bột mì có độ tinh chất càng cao càng cao càng tốt. Mì căn ngon dở tùy vào loại bột mì mà bạn đang có.
- Nước sạch, nguồn nước bảo đàm không có phèn, trong. Thau chậu sạch, xửng hấp.
- Phân lượng bột và nước để làm thử từng ít một:
1. Nấu tan cứ 1 lít nước + 10 gram muối bọt, để nước muối còn nóng ấm. Cứ mỗi lít nước muối sử dụng cho 1 kg bột mì.
2. Chuẩn bị nước sạch, thau chứa.
3. Cho bột mì vào một cái tô hoặc thố, châm vào một ít nước muối ấm, khoát bột vào nhồi kỹ rồi lại mới châm tiếp từng nước muối nữa, rồi lại tiếp tục nhồi - không nhất thiết phải dùng hết số lượng 1 lít nước muối cho 1kg bột - cho đến khi thành một khối bột dẻo mịn.
4. Cho khối bột dẻo mịn vào trong túi vải, cột chặt miệng túi lại.
5. Cho nước sạch vào đầy thau, thả túi bột vào thau nước, lăn nhồi bóp cho bột thấm nước loang ra ngoài làm cho nước trong thau trở thành trắng đục.
6. Khi thấy nước trong thau trở thành màu trắng đục hoàn toàn thì đổ bỏ đi, thay nước mới vào rồi lại tiếp tục nhồi bóp túi bột. Làm và thay nước hai ba lần cho đến khi thấy nước trong thau gần như trong chứ không đục nữa thì khối bột trong túi trở thành dẻo mịn ở dạng mà người ta gọi là mì căn nhão. Xách túi bột lên vuốt vắt cho nước chảy ra hết, để qua mươi phút hay hơn, phần bột trong túi sẽ ở dạng chắc mịn.
7. Chuẩn bị xửng hấp nhiều nước cho sôi.
8. Tháo miệng túi bột, lấy ra từng phần bột mì căn nhão, cho vào từng miếng vải sạch, gói lại thành hình tròn dài ngắn tùy ý, dùng dây vải cột chắc lại, cho vào xửng hấp khoảng 10 - 15 phút sau khi nước sôi là mì căn chín sẽ đông đặc lại ở dạng dẻo mềm, tháo túi vải, để nguội là có mì căn cây.
9. Đây là loại thực phẩm tươi, nên dùng trong ngày, nếu muốn để qua ngày sau, cho vào bao nylon, bảo quản trong tủ lạnh nhưng khi dùng, nếu có mùi chua thì nên bỏ đi.
Theo NguoiVienXu