13 tháng 7, 2010

Ăn chay đúng cách


Có nhiều lý do khiến người ta chọn thực phẩm chay: tu tại gia, chữa bệnh, ăn để có được sức khỏe và vẻ đẹp tươi mát của da, ăn để giảm béo (mập)… Nhưng ăn chay như thế nào cho đúng cách, không phải người nào cũng biết


Ồ ạt quán chay

Tại TP. HCM, để tìm hiểu về quán chay, lên mạng chỉ sau hai cú “click” là chúng tôi đã có trong tay danh sách, địa chỉ cụ thể của hơn 50 quán chay trên địa bàn thành phố. Trong đó, nổi bật nhất hiện nay là nhà hàng chay sang trọng có không gian rộng rãi thoáng mát hệt như những quán cà phê cao cấp mang tên Việt Chay. Việt Chay hiện được đặt tại khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) với thực đơn phong phú lên đến 400 món và được luân chuyển món mỗi ngày. Khách hàng đến quán Việt Chay không chỉ để thưởng thức món chay mà còn được thưởng thức nhạc thiền du dương, cảm nhận được một không gian thiền giúp tịnh tâm sau những giờ lao động mệt nhọc.



“Chúng tôi mới mở thêm một Việt Chay Thăng Long ngoài Hà Nội hồi tháng 3 năm nay bởi nhu cầu của khách hàng rất lớn. Kế đến chúng tôi sẽ cho mở tiếp các nhà hàng Việt Chay tại Đà Nẵng, Nha Trang, Vinh và cả ở Q.1 ở TP. HCM sẽ có thêm một nhà hàng Việt Chay Sài Gòn hoàn toàn mới...”, chị Huỳnh Long Ngọc Diệp, chủ chuỗi nhà hàng Việt Chay cho biết. Không chỉ nhà hàng này có chiến lược mở rộng thị trường, các nhà hàng khác cũng cho biết đã có những chiến lượng mở rộng, tăng thêm chi nhánh của nhà hàng mình.

Và một thực tế là các quán chay luôn cố gắng tạo một không gian thanh tịnh. Bên cạnh việc trang trí quán, chủ nhân thường dùng câu đối, dòng chữ mang nội dung triết lý đạo phật để chuyển đến thực khách những thông điệp đẹp về cái thiện. Do vậy, khi đến với quán chay, thực khách là người tu hành hoặc bất cứ ai cũng đều cảm nhận được sự thanh thản, ngon miệng.

Nhà nhà, người người ăn chay



Hỏi lý do vì sao chọn ăn chay trường, Nguyễn Thị Văn một nữ nhân công làm việc tại khu chế xuất Linh Trung, Q. Thủ Đức cho hay: “Em mắc bệnh tiểu đường nên chọn hình thức ăn chay để tốt cho tình trạng bệnh của mình.” Và vậy là dù cường độ lao động mệt nhọc, Văn vẫn tranh thủ thời gian tự nấu hoặc tìm đến các cửa hàng bán thực phẩm chay với giá bình dân để ăn uống. “Lúc mới ăn cũng còn khó chịu và thèm mặn, nhưng được một thời gian thì quen dần. Bây giờ tự nhiên nhìn thấy món mặn lại cảm thấy sợ cái mùi thịt cá dầu mỡ…”, Văn nói.

Còn N.K.T, giảng viên trẻ của một trường ĐH cho biết, bản thân đã ăn chay từ năm học thứ hai. Nguyên nhân là vì cậu thường xuyên lên chùa thắp nhang, gặp các sư thầy, đặc biệt là gặp được sư ông giảng đạo. Vậy là về quyết tâm ăn chay trường để tránh sát sinh và để… tích đức. “Ăn chay giúp tâm hồn mình được bằng an, tĩnh, giảm bớt được những sân si. Bên cạnh đó, mình thấy ăn chay còn có lợi cho sức khỏe: da hồng hào, ít mụn mà cơ thể cũng đầy đủ chất dinh dưỡng chứ không ốm yếu chút nào.” – N.K.T vui vẻ cho biết.

Tốt cho sức khoẻ


TS. Nguyễn Thanh Danh (Trung Tâm Dinh Dưỡng TP.HCM), cho biết hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, người ăn chay không ngừng tăng nhanh về số lượng. Bởi lẽ nhiều người đã nhận ra ăn chay có thể giúp phòng chống ung thư vì trong thực phẩm chay có nhiều chất xơ, giàu vitamin, chống oxy hoá và chất chống ung thư. Thực phẩm chay có ít đạm động vật và mỡ phòng bệnh tim mạch, phòng bệnh đái tháo đường týp 2, phòng được bệnh thừa cân bép phì, cao huyết áp, loãng xương, sa sút trí tuệ, sỏi mật…do nhiều chất xơ, ít đạm động vật…

TS. Danh cũng chú ý một số sai lầm trong ăn chay là nhiều người chỉ ăn đơn điệu một vài món, hoặc ăn quá nhiều dầu và bột đường dẫn đến thừa cân. Bên cạnh nếu chỉ chế biến một vài món để ăn dần rất có thể gây ngộ độc thức ăn. Việc sử dụng dầu chiên nhiều lần cũng là một sai lầm vì sẽ làm biến chất sinh ra các chất perroxit độc hại và có thể gây ra ung thư… Và để đảm bảo sức khoẻ khi ăn chay, lời khuyên của TS. Danh là cần chế biết bữa ăn sao cho lượng chất đạm (các loại đậu, nấm, trứng, sữa…) chiếm 13-15%, chất béo (dầu, phó mát, đậu phộng, mè…) chiếm 20-25%, chất bột (gạo, bột mì, bắp, khoai…) chiếm 60-65%, ngoài ra cần bổ xung vitamin và khoáng chất (rau, quả).

Nếu ăn chay đầy đủ và đúng cách sẽ hoàn toàn đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, cơ thể sẽ khoẻ mạnh và đầu óc sáng suốt, phòng chống được nhiều bệnh tật, góp phần bảo vệ môi trường… Và cần lưu ý, dù ăn chay hay ăn mặn thì cũng đều cần tuân thủ các nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm và việc sử dụng càng đa dạng các nhóm thực phẩm sẽ càng đảm bảo sức khởe lâu dài.

Theo TimHieuDaoPhat.Com

11 tháng 7, 2010

Kết hợp thực phẩm để phòng bệnh


Theo các nhà nghiên cứu, một số loại thực phẩm khi được kết hợp với nhau sẽ mang lại hiệu quả phòng và chữa bệnh không ngờ. Cà chua và bông cải xanh giúp phòng ngừa ung thư, rau cải kết hợp với tỏi giúp xương chắc khỏe hơn...

1. Cà rốt đi kèm sốt mayonaise giúp ngăn ngừa hiện tượng giảm năng lượng

Theo chuyên gia dinh dưỡng Cynthia Sass, sự kết hợp giữa chất xơ, carbon-hydrat trong cà rốt và chất béo protein trong sốt sẽ làm gia tăng hàm lượng đường trong máu, khiến tế bào não "thức tỉnh", giúp các cơ quan khác của cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.

2. Cà chua và bông cải xanh có tác dụng phòng ngừa ung thư

Bông cải xanh rất giàu sulforaphane, chất chống oxy hóa có tác dụng đối kháng với bệnh ung thư. Bông cải xanh khi được chế biến cùng cà chua sẽ làm ngưng quá trình phát triển của các tế bào có khả năng gây bệnh ung thư. Ngoài ra, nếu mỗi tuần chị em uống một tách nước ép bông cải xanh, sẽ giảm được đến 40% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

3. Nước ép cà chua và chanh bảo vệ làn da trước nguy cơ bị lão hóa

Theo tạp chí Journal Nutrition, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 160g nước ép cà chua sẽ làm giảm 40% nguy cơ bị nám da. Loại nước ép này nếu được pha thêm một ít nước cốt chanh sẽ cung cấp cho cơ thể hợp chất hóa học d-limonene, một chất chống oxy hóa cực mạnh, có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

4. Rau cải kết hợp với tỏi giúp xương chắc khỏe hơn

Trong rau cải chứa nhiều canxi, khoáng chất thiết yếu củng cố sức mạnh của xương, trong khi tỏi lại có inulin, một loại hợp chất tự nhiên có thể khiến tỷ lệ hấp thu canxi của chúng ta tăng lên 18%.

5. Măng tây chế biến với chanh rất tốt cho não

Măng tây chứa dồi dào chất sắt. Nhưng để cơ thể có thể hấp thu hết chất sắt trong măng tây, cần có sự hiện diện của axit trong hệ tiêu hóa. Chanh là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C, có tác dụng giúp khả hăng hấp thu chất sắt của cơ thể tăng lên sáu lần.

6. Rau diếp kết hợp với quả bơ giúp bảo vệ thị lực

Chất béo có trong quả bơ là loại chất béo có lợi, có thể làm cho quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng trong cơ thể tăng lên 15 lần, đặc biệt là các loại dưỡng chất có khả năng đối kháng với bệnh tật. Người có thói quen ăn các món salad trộn quả bơ với rau diếp, cà rốt và rau spinach thì cơ thể sẽ hấp thu được lutein cao hơn gấp năm lần. Hợp chất này giúp chống lại sự xuất hiện của những đốm đen gây thoái hóa thị giác.

Theo 24h

9 tháng 7, 2010

Hương Vị Quê Hương : Đậu phụ nướng níu tình người Hà Nội

Trong mỗi buổi cơm mai hay cơm chiều, người ta thường chọn đậu phụ làm món chủ đạo cho bữa ăn gia đình. Đậu phụ trong bữa ăn thường là rán, luộc hay kho, rim tiêu... Mỗi món ăn đều có những gia vị và cách chế biến khác nhau làm nên khúc biến tấu đầy sắc màu của thức quà dân dã và bình dị này.

Dẫu vậy, người Hà Nội vẫn nặng lòng với một món cũng làm từ đậu phụ nhưng mang hương vị quen mà lạ: đậu phụ nướng. Ngay từ trong cái tên thô mộc ấy, thực khách đã cảm nhận cả cái ấm nóng, cái vồn vã và bình dân không lẫn vào bất kỳ món ăn nào.

Buổi tối, lang thang trên phố Bạch Mai hay những con hẻm sâu hun hút ở hút làng Mai Động nghe tiếng từng tốp trai thanh, nữ tú gọi từ một quán nhỏ với vài sập ghế bên vỉa hè cái tên quen “đậu phụ” nhưng đầy lạ lẫm với động từ “nướng”. Khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng: “Đậu phụ, sao mà nướng được?” Điều tưởng chừng lạ lẫm ấy tạo nên duyên để níu chân người khách lạ.

Đâu đó trên những con phố, ta sẽ bắt gặp hình ảnh thân quen của bà già gánh một bên là cái chậu sành, bên trong nóng ấm với tro bếp và phủ trên là than hoa cháy rực rỡ, còn một bên là cái thùng ngâm đậu phụ sống trong nước.

Khi có khách gọi, bà hàng “đậu phụ nướng” dừng bước chân, dỡ trên vai gánh hàng rong đặt nhẹ xuống đất, sắp sắp vài chiếc ghế con xung quanh, mâm ăn đặt trên cái thùng đựng đậu. Trên mâm là một đĩa nhỏ rau kinh giới đã rửa sạch, vài quả ớt xanh đỏ, cay nồng và không thiếu một đĩa gia vị muối chanh ...

Một bếp than hồng nho nhỏ, một bà hàng gầy gầy một bên tay cầm chiếc quạt nan nhè nhẹ làm hồng những hòn than đang ngủ, tay kia trở những bìa đậu cho đến khi vàng, khách gọi thì nhấc ra khỏi vỷ nướng, đặt nhẹ nhàng trên chiếc đĩa sứ trắng tinh. Khách ẩm thực nhìn nhau trầm trồ tán dương cái vị không dễ quên ấy, ấm nóng thấm sâu đến tận con tim.

Thú thưởng thức đậu phụ nướng phải dùng tay để bẻ từng miếng đậu, quệt ngang trên mặt bát mắm tôm xinh xinh, rồi tay kia nhón vài cọng kinh giới, cắn một miếng ớt bỏ vào miệng cay nồng, chao ơi, đấy mới là “cực điểm” của cái ngon. Đối với khách là những đấng nam nhi, sẽ thú hơn nếu trước mỗi miếng đậu không quên làm một “tợp” rượu, cái ngất ngây của men say, ấm nóng và cay nồng của ớt, cái thơm, bùi béo của đậu sẽ làm ấm lòng người trong cái lạnh của gió đêm thu hay ngày đông trở mình.

Đậu phụ ngon thường là đậu Mơ - thứ đậu lưỡi mèo đem theo cái tinh khiết của nước giếng chùa. Khu vực làng Mai Động, Hoàng Văn Thụ xưa là xứ “kẻ mơ” thường có thú đãi khách bằng “đậu phụ nướng” và “nước đậu” (đậu tương xay, lọc lấy nước, cho chút muối rồi đun sôi). Những gia đình làm đậu để bán, mỗi sáng tinh mơ đi chợ, các bà đều không quên để lại cho chồng một vài bìa đậu bắt mắt nhất, ngâm trong nước đun sôi để cho cánh đàn ông nướng nhắm rượu và cũng không quên để phần một bát nước “đậu xay” để làm giã rượu và thỏa mãn cái thú ẩm thực bình dân.

Món quà dân dã ấy gởi lại trong lòng người Hà Nội bao điều nhung nhớ mỗi tiết thu hay khoảnh khắc sang Đông. Một thứ quà dân dã làm ấm tình nhau… để rồi khi chân bước qua những con phố như Hoàng Văn Thụ, Bạch Mai, Hai Bà Trưng…, lòng lại thầm gọi tên “đậu phụ nướng”.

Theo MonNgon.Com

3 tháng 7, 2010

Cách trồng rau mầm


Rau mầm rất ngon và bổ dưỡng. Điều thú vị là bạn có thể trồng rau mầm tại nhà một cách rất đơn giản.

Bước 1:

Cho hạt giống vào ngâm với nước ấm ở nhiệt độ 30 độ C trong 2-4 giờ giúp kích thích hạt rau nảy mầm.

Bước 2:

Lót 2 đến 3 lớp giấy ăn lên một rổ vuông. Rải đều hạt giống lên trên rổ. Phun nước cho ẩm đều cả hạt và giấy.

Bước 3:

Để rổ vào chỗ tối. Khoảng 3-4 tiếng lại dùng bình xịt tưới rau 1 lần. Khoảng 1 đến 3 ngày là cây nảy mầm.

Bước 4:

Đặt rổ nơi cửa sổ hoặc chỗ có ánh sáng dịu. Tiếp tục tưới nước cho rau. Khoảng 3-4 ngày là có thể thu hoạch.

Hạt giống cho loại này rất đa dạng: đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan, rau cải, rau muống, rau dền...

(Theo SC)