13 tháng 10, 2007

Cơm chay Hà Nội


Tìm về các món ăn chay tịnh, dân dã đang trở thành một xu thế của con người trong xã hội hiện đại khi mà nhiều dịch bệnh trên người và động vật vẫn vô phương cứu chữa đồng thời với các vấn đề bảo vệ môi trường và động vật đang ở cấp độ báo động.

Có một người phụ nữ đã mang đến cho thực khách một địa chỉ ăn chay thực sự thanh tịnh và đầy ắp không khí văn hóa giữa lòng thủ đô bằng tất cả tâm huyết của mình đó là cô Đặng Thị Hồng Diễm, chủ nhà hàng cơm chay Nàng Tấm, một nhà hàng có tiếng trên phố Trần Hưng Đạo.

“Năm 1994, từ gợi ý của một người bạn là nhà báo nước ngoài sống tại Việt Nam, tôi quyết định mở nhà hàng cơm chay. Thế nhưng, khi nghe tin tôi mở hàng cơm, nhiều người họ hàng của tôi từ tận miền Nam cũng lặn lội tìm ra để xem. Ai cũng nghĩ rằng, tôi mở quán cơm bụi vỉa hè nên tỏ ra không mấy tán thành. Nhưng ra đến nơi, thấy tôi mở nhà hàng chuyên món chay thì mọi người mới thôi ý định ngăn cản”. - Cô Diễm mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng một câu chuyện vui như thế. Lúc đầu, nhiều người trong gia đình không tán thành là bởi cô Diễm được sinh ra trong một gia đình trí thức. Trong môi trường như thế, việc cô mở một nhà hàng buôn bán được xem là đi ngược lại với truyền thống của một gia đình vốn rất coi trọng việc tiến thân bằng con đường học hành. Nhưng, cách làm việc khá bài bản và đặc biệt là luôn theo một gu văn hóa rất Hà Nội đã giúp cô thuyết phục gia đình ủng hộ mình.

Có nhiều lý do khiến người ta tìm đến với chế độ ăn chay, đó có thể là vấn đề sức khỏe, vấn đề bảo vệ động vật, hoặc đó là các vấn đề về đạo đức, môi trường, tôn giáo và tâm linh... Tuy nhiên, dù xuất phát từ lý do gì thì ăn chay luôn được nhìn nhận là một hành động thể hiện quan điểm sống nhân văn. Cái đích của những người tìm đến món chay đều nhằm hướng tới điều chân thiện, lành mạnh. Hiểu rõ điều này, cô Đặng Thị Hồng Diễm đã cân nhắc rất kỹ để khi nhà hàng đi vào hoạt động sẽ trở thành một địa chỉ thỏa mãn những nhu cầu hết sức nhân bản. Việc đầu tiên là cô đi nhiều nơi để tìm hiểu thật kỹ phong cách ăn chay của mỗi vùng. Sau những chuyến đi ấy, cô nhận thấy món chay của Sài Gòn luôn nhiều vị dầu ăn và đường ngọt, món chay Huế lại mang đặc trưng của người miền Trung với vị cay, nóng. Còn món ăn miền Bắc, cụ thể là món chay Hà Nội sẽ mang hương vị gì khi mà thời điểm năm 1994 Hà Nội chưa có một nhà hàng ăn chay nào? Câu hỏi ấy luôn thường trực trong đầu cô. Nhận thấy, rau quả của miền Bắc đặc biệt ngon, ngọt hơn rau quả các miền khác, cô đã dựa vào ưu điểm này để chế biến các món chay Hà Nội mang hương vị thanh và mát, nhưng vẫn đầy đủ ca-lo. “Đó là gu của riêng nhà hàng chay Nàng Tấm”- cô Diễm khẳng định. Vậy là cái cốt lõi đã được định hình, vấn đề bài trí, sắp xếp nhà hàng chỉ còn là phần phụ. Tuy vậy, là một phụ nữ, cô đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này. Không phải ngẫu nhiên mà cô chọn màu vàng và xanh lá để trang trí cho nhà hàng của mình. Theo cô Diễm, hai màu sắc chủ đạo này tượng trưng cho Phật giáo và thiên nhiên, khiến thực khách khi đến với nhà hàng luôn cảm thấy như được sống trong không gian phảng phất vẻ linh thiêng của cõi Phật cũng như được hoà mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Vì thế không gian của Nàng Tấm là không gian tĩnh, lắng nhưng không quá trầm. Cô Diễm quan niệm, hành động ăn không đơn thuần chỉ là việc đưa các món ăn vào dạ dày, mà còn là khoảng thời gian để cả cơ thể cảm thấy thư thái, thưởng thức những hương vị thanh khiết của thiên nhiên và hướng lòng mình đạt tới sự vị tha, nhân ái; đó mới thực sự là cái gốc của sự ăn chay. Gần một năm chuẩn bị công phu, tháng 10-1995, nhà hàng Nàng Tấm mới chính thức hoạt động. Một nhà hàng chuyên cơm chay, nhỏ, ấm cúng nhưng thật bất ngờ những khách hàng đầu tiên lại là người nước ngoài. "Hữu xạ tự nhiên hương", nhiều người Việt cũng tìm đến nhà hàng để được thưởng thức một không gian đầy chất thiền cùng những món chay mà họ yêu thích. Vậy nhưng, giá cả các món ăn không có sự phân biệt giữa thực khách là người nước ngoài hay Việt Nam. Những ngày mùng 1, ngày rằm, nhà hàng luôn tấp nập khách vào ra với hàng trăm suất ăn. Tuy đến một địa chỉ ăn uống, nhưng khách hàng của Nàng Tấm chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nhậu nhẹt, xô bồ, ồn ã. Có lẽ đó là đặc điểm rất riêng mà chỉ ở Nàng Tấm mới có được. Cô Diễm tâm sự: “Tuy Nàng Tấm là một nhà hàng nhỏ, nằm sâu trong ngõ, nhưng chúng tôi luôn xác định cần hình thành một văn hóa phục vụ, không lấy lợi nhuận lên làm đầu mà trước tiên là đem đến nghệ thuật ẩm thực mang đầy đủ bản sắc văn hóa dân tộc mà rất phù hợp với cuộc sống hiện đại”.

Anh Tuấn Nghĩa ở quận Hai Bà Trưng cho biết, anh đã ăn chay nhiều năm nay, cùng với tập luyện thể thao, anh cảm thấy sức khỏe tốt hơn. Đến với những địa điểm ăn chay, anh được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người bạn có cùng quan điểm sống như mình. Các nhà khoa học cũng khẳng định những người ăn chay ít mắc các bệnh về ung thư, tim mạch, tiểu đường, béo phì, sỏi thận... Cũng nhờ ăn chay, con người được trường thọ, sinh lực bền bỉ, cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, kiểm soát được trọng lượng, làm tăng sự trầm tĩnh, tinh anh của trí óc và tâm tính con người. Chính vì thế mà gần đây nhiều công ty bảo hiểm đã thừa nhận điều này bằng cách giảm phí bảo hiểm cho người ăn chay. Với bản thân cô Đặng Thị Hồng Diễm, điều mà cô nhận thấy rất rõ kể từ khi mở nhà hàng cơm chay là cô như tìm được một cuộc sống mới, công việc luôn hanh thông, tâm nguyện luôn thanh thản. Với sự động viên của người thân, bạn bè và khách hàng, cô vừa mở thêm hai nhà hàng cơm chay có cùng tên gọi Nàng Tấm tại Yên Tử (Quảng Ninh) và Tp.Hồ Chí Minh.

Hơn 10 năm hoạt động, Nàng Tấm đã trở thành địa chỉ ăn chay đầy chất văn hóa của nhiều người Hà Nội. Với Nàng Tấm, cô Đặng Thị Hồng Diễm đã sáng tạo nên một phong cách ăn chay, phong cách ẩm thực mới, rất riêng của người Hà Nội, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa của người dân thủ đô.