15 tháng 8, 2010

Dại gì không ăn đu đủ!


Trên phương tiện truyền thông, hễ nhắc đến hoạt chất tuy không cần hàm lượng cao nhưng giữ vai trò tối cần thiết cho sức khỏe thì sinh tố và khoáng tố chen chân hàng đầu.

Nhiều người vì thế chưa biết đến tầm quan trọng không kém của các chất được gọi là men (enzymes). Đáng tiếc vì thiếu men sẽ dễ bệnh nếu chưa bệnh, khó lành bệnh nếu đã bệnh, do hệ thống phòng vệ của cơ thể chỉ nhạy bén khi đủ men.

Trên cơ sở đó, nhiều thầy thuốc đã ứng dụng men để điều trị nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Một trong số đó chính là men papain. Kết quả nghiên cứu trong thập niên vừa qua cho thấy men papain có các tác dụng: Giảm đau cũng như hỗ trợ thuốc giảm đau; tăng cường sức đề kháng của cơ thể; thu ngắn thời gian bộc phát của cảm cúm; thúc đẩy tiến trình hồi phục của mô mềm trong trường hợp bị chấn thương; bảo vệ niêm mạc đường hô hấp trước nguy cơ bội nhiễm; rút ngắn thời gian làm lành vết thương trong vùng hầu họng và nướu răng; cải thiện tuần hoàn ngoại biên bằng cách ổn định độ loãng của máu.

Nhờ các tác dụng nêu trên mà men papain đã trở thành nhân tố quan trọng trong phác đồ điều trị nhiều bệnh chứng như: Bội nhiễm trong vùng tai mũi họng (như viêm xoang, viêm nướu, viêm nha chu, viêm hạch hạnh nhân, viêm họng hạt, viêm thanh quản...) viêm tĩnh mạch, trĩ, viêm mạch tân dịch; viêm khớp, viêm gân cơ, chấn thương phần mềm trong thể dục thể thao; bệnh tự miễn, bệnh dị ứng, ung thư...

Đi xa hơn nữa, thầy thuốc ở Áo và Đức dựa trên kết quả khảo sát ở nhiều thế vận hội, đã không ngần ngại xếp men papain vào vị trí hàng đầu trên danh mục các loại cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho vận động viên. Theo họ, men papain không những hữu dụng trong các trường hợp bong gân, trật khớp nhờ tác dụng kháng viêm và giảm đau cục bộ mà còn có khả năng tăng cường sức chịu đựng trước va chạm khó tránh trong lúc thi đấu.

Dược phẩm có papain, dưới dạng dùng ngoài cũng như thuốc uống, đã từ lâu có mặt thường xuyên trong hành lý của nhiều vận động viên ở phương Tây còn nhờ có thêm lợi điểm là dễ được dung nạp và hầu như không có phản ứng phụ. Điều cần nói là dược phẩm chứa papain, tuy có lợi về mặt hàm lượng nhưng nếu so sánh với miếng đu đủ của nhà nông xứ mình thì lại kém xa trên hai khía cạnh:

- Đu đủ, bên cạnh men papain, còn chứa nhiều hoạt chất thiên nhiên khác, như tiền sinh tố A, sinh tố A, E...

- Đu đủ ngon hơn viên thuốc.

Cho nên muốn sức kháng bệnh “dư sức qua cầu”, đừng quên loại trái mang tên nghe rất khiêm tốn nhưng tác dụng thì lại chủ động vô cùng này. Đu đủ thì có bao giờ thiếu ở xứ mình, cớ sao nhiều người vẫn nay đau mai yếu?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TP.HCM


Thai phụ có nên ăn đu đủ?

Đu đủ là một loại thực phẩm bổ dưỡng “hết chỗ chê”, rất giàu vitamin A, vitamin C và khoáng chất. “Người thường” ăn đu đủ quả là một sự lựa chọn thời thượng. Tuy nhiên, ăn đu đủ hoặc sử dụng những sản phẩm từ đu đủ trong thai kỳ vẫn còn là một vấn đề đang gây tranh luận và đang được tiếp tục nghiên cứu.

Tại các nước phương Tây, nhất là Mỹ, người ta vẫn khuyên thai phụ nên dùng đu đủ chín (thật chín) vì đây là một loại thực phẩm có chứa nhiều loại chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi, với điều kiện là đu đủ phải bảo đảm là thật chín và được dùng ở mức độ thích hợp. Ăn đu đủ chín sẽ giúp thai phụ thoát khỏi tình trạng táo bón và ợ nóng (heartburn).

Trong khi đó thì một số nước như Việt Nam, Ấn Độ, Philippines... thì thai phụ luôn “lánh mặt” đu đủ, nhất là đu đủ còn xanh hoặc chưa chín tới (hường). Cũng đã có rất nhiều nghiên cứu lên tiếng rằng đu đủ xanh hoặc hường chứa rất nhiều enzymes và mủ (latex). Những chất này có thể gây nên sự co thắt tử cung với hậu quả là sẽ gây sẩy thai. Vì vậy, những nghiên cứu này khuyên thai phụ không nên ăn đu đủ hoặc sử dụng các sản phẩm bào chế từ đu đủ trong thời gian có thai.

Nên biết, phụ nữ Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka đã dùng đu đủ như là một phương cách tránh thai truyền thống. Những nghiên cứu ở loài vật cho thấy đu đủ có khả năng tránh thai (contraceptive) và phá thai (abortifacient). Những hóa chất thực vật (phytochemicals) có trong đu đủ có khả năng “đàn áp” những tác động của progesterone. Vì vậy, đã có nhiều khuyến cáo rằng nếu bạn đang có thai hoặc đang chuẩn bị để có thai, tốt nhất là không nên ăn đu đủ, nhất là đu đủ xanh.

Trước những thông tin nêu trên, theo tôi thì ngàn đời nay thai phụ người Việt mình được khuyên tránh ăn đu đủ thì giờ tránh nữa cũng không sao. Vả lại chín tháng mười ngày chẳng qua cũng chỉ là chớp mắt!

DS Nguyễn Bá Huy Cường
(ĐH Dược Murdoch - Úc)