“Tiết tháng Bảy mưa dầm sụt sùi” ...
Khi những cơn mưa ngâu phủ trắng đất trời chính là thời khắc của một mùa Tết Trung Nguyên đang đến thật gần, mùa xá tội vong nhân, mùa của ngày hội vu lan thiêng liêng, mùa ăn chay báo hiếu.
Các phật tử và khách thập phương đều nô nức đến chùa để thắp nén hương tưởng nhớ, tôn vinh công ơn sinh thành dưỡng dục, cầu nguyện sức khỏe cho cha mẹ. Trong số các món chay mang hương vị tâm linh đang cùng song hành với cuộc sống hiện đại và nhộn nhịp này, trời miền Nam bảng lảng chút hương trầm hòa vào màn mưa lất phất nhắc ta nhớ đến một loại trái cây đặc sắc dành cho mùa này...
Giữa bao la các loại cây trái có mặt ở nước ta, sakê tuy chiếm vị trí khiêm tốn trong bữa ăn nhưng lại có “sức mạnh” lưu lại những hương vị khó quên. Vốn có cái tên khá lạ “cây bánh mì” sakê xuất thân từ các đảo ở Thái Bình Dương và được trồng nhiều ở Malaysia. Vượt đại dương vào đến Việt Nam, cây sakê được khí hậu hào phóng của miền Nam chào đón, nhất là miền Tây Nam Bộ. Cây sakê với tán lá xanh mướt, xòe rộng như một tán dù lớn, dang rộng vòng tay bao dung che chở cho những “đứa con” sakê xinh xắn.
Trái sakê dạng hình như trái mít tố nữ hay quả trứng, to cỡ miệng tô nhưng gai mềm hơn, không sắc nhọn và khi trái chín, sắc xanh không sẫm mà tươi non phơi phới. Gọt bỏ lớp vỏ xanh này, sakê để lộ ra lới cơm dày, trắng mịn; mới trông, giống như xơ mít nhưng không có hạt. Vị thơm, thịt chắc và béo ngọt của sakê thường được dùng để nấu ăn - nhất là các món chay. Nếu bạn có dịp về thăm miệt vườn Nam Bộ trong mùa lễ Vu Lan, hãy ghé qua nhà những người dân hiếu khách ở lưu vực sông Mê Kông hoặc một ngôi chùa viếng Phật, món “Kiểm” nơi đây hẳn sẽ để lại trong lòng bạn nhiều dư vị.
“Kiểm” là món ăn được hầm từ khá nhiều loại củ, quả, tàu hũ ki, bột bán cùng với đường và nước dừa dão. Khi chín, “kiểm” được múc ra tô, lúc này mới chế thành nước cốt dừa, rắc ít đậu phụng rang đã giã sơ lên bề mặt. Múc một muỗng “thập cẩm” rau, củ này để thưởng thức, ta sẽ thấy vị ngọt của chuối xiêm, bí rợ, khoai lang, khoai cau, mít hầm rục; hòa trong vị ngọt rất thiên nhiên này là vị ngọt của đường và trong vị béo của nước cốt dừa là vị giòn giòn sần sật của đậu phộng rang. Nhưng nổi bật trên cái nền ngọt, béo đó lại chính là hương vị khó quên của sakê. Không ngọt, không giòn, không béo,... hương vị sakê là thứ “vị không vị”. Nhàn nhạt, dai dai, nhai một chút mới bắt đầu “dấy” lên vị ngọt, vị beo béo khó diễn tả.
Thêm một chút nữa, hương vị của món “kiểm” càng lúc càng thấm thía và hấp dẫn, ăn hoài không ngán. Có lẽ mùa chay sẽ chẳng còn trọn vẹn nếu thiếu món "kiểm" - một món ăn có thể dùng chung với các món xào, mặn khác trong mâm cơm, có thể dùng làm món ăn chơi nhàn nhã lúc nông nhàn. Thi thoảng, gia đường thêm một chút, món "kiểm" sẽ trở thành chè "kiểm" - món quà quê mà không phải nơi nào cũng có.
Ngoài tác dụng trở thành gia vị chính cho món kiểm, sakê còn phát huy thế mạnh của mình khi được chế biến thành món sakê chiên khá “độc”. Những miếng sakê xắt mỏng, khoác lớp bột giòn trộn thêm lòng đỏ trứng gà, cho vào chảo chiên vàng. Trong một tiết trưa êm ả hay buổi chiều nhàn nhã, nhai từng miếng sakê giòn giòn, lựt sựt, món ăn chơi này cũng để lại thật nhiều kỉ niệm khó phai, cho ta cảm giác thích thú về một món ăn vừa đậm chất miệt vườn vừa thích hợp cho những ngày chay tịnh.
Một mùa chay nữa lại về, những trái sakê lại mướt một màu xanh, những tán lá rộng với đường gân nổi khỏe khoắn lại lao xao trên cao, nghe như khúc hát ru của mẹ những ngày thơ ấu:
À ơi, dù ai buôn bán đâu đâu
Cứ rằm tháng Bảy mưa ngâu lại về...
Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống