29 tháng 6, 2010

Giá hẹ muối xổi


Giá sống trộn chung với hẹ cắt khúc, hoặc cà rốt cắt sợi... làm chua nhanh với ít dấm, đường vẫn được gọi là "muối xổi". Cách làm đơn giản, qua 1 giờ muối là có thể vớt ra chấm kèm các món kho.

- Chuẩn bị tùy ý số lượng ít nhiều với : 3 phần giá + 1 phần cà rốt gọt vỏ cắt sợi + 1 phần lá hẹ rửa sạch cắt khúc ngắn chừng 3 - 4cm tùy thích chỉ dùng giá hẹ hoặc giá với cà rốt.

- Pha hỗn hợp dấm đường: tùy độ chua của dấm mà bạn đang có để gia giãm nước và đường theo khẩu vị riêng. Lượng dấm đường phải đủ ngập số giá hẹ chứa trong thố, tô... Pha khoảng 1 phần dấm với 4 đến 5 phần nước lọc hoặc có thể hơn nữa cho hỗn hợp có vị chua nhẹ, sau đó cho vào từng ít đường một, khuấy tan, nếm lại để hỗn hợp có thêm vị ngọt cũng rất nhẹ là được. Đây là khâu không thể hướng dẫn chính xác "như thế nào cho ngon" mà tùy thích khẩu vị nêm nếm của chính ngừơi pha.

- Cho giá hẹ vào tô, thố... châm hỗn hợp dấm đường và ngập mặt giá hẹ, để qua một giờ nhấm thử thấy cọng giá không có vị chua ngọt vừa ý thì cứ châm thêm vào ít dấm hoặc đường tùy ý. Mỗi khi làm món giá hẹ muối xổi này, những bà nội trợ VN sau khi đi chợ về, buông cái giỏ xuống là làm món này trước để sau đó qua chừng một tiếng đồng hồ rồi nên nếm lại cho đến trưa là có món ăn vừa ý dọn lên bàn.

- Món gía hẹ muối xổi này chỉ nên làm và ăn trong ngày.

CẨM TUYẾT / NVX

27 tháng 6, 2010

Nhút mít - Món ăn dân dã Miền Trung


Nếu là người miền Trung, không ai lạ gì món nhút mít. Nhút theo tiếng miền Trung nghĩa là dưa muối. Nhút mít là quả mít muối mặn để làm thức ăn.

Chỉ là món ăn dân dã thôi, vậy mà đi khỏi miền Trung mỗi khi nhắc đến món ăn ai cũng nhớ đến món nhút mít."Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn" là câu cửa miệng nếu như để so sánh nhút mít ở thì đâu ngon nhất miền Trung, tuy rằng hầu như cả miền Trung đều ăn nhút mít. Huyện Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An là nơi trồng được giống mít ngon, do vậy cũng nổi tiếng là nơi làm ra nhút mít ngon. Cứ vào độ tháng 3 âm lịch, khi quả mít non đã to bằng cái bát tô, thì người ta bắt đầu làm nhút mít. Quả mít non ấy sau khi được gọt vỏ, toàn bộ phần múi, xơ, hạt mít đều được xắt nhỏ thành sợi rồi ngâm kỹ với nước vo gạo cho sạch nhựa. Sau một đêm, mít được vớt ra để ráo rồi cho vào muối.

Thường mỗi năm chỉ có một mùa mít nên món nhút mít thường được muối để ăn quanh năm. Ngoài ăn sống, nhút mít còn để nấu canh, chỉ cần giã thêm vài hạt lạc (đậu phộng) nấu cùng, sẽ có một món ăn bùi bùi, chua chua, rất lạ miệng. Còn có thêm một loại nhút mít khác. Đó là khi đến mùa mít chín, xơ của quả mít mật ngon sẽ được để riêng ra, cho thêm một nhúm muối tinh vào rồi trộn kỹ. Sau đó, xơ mít ấy sẽ được gói chặt trong mo cau, để 2 ngày sau là ăn được. khi ăn, chỉ cần cắt thành từng khoanh một, ăn kèm với lá kinh giới.

Món nhút mít này có vị ngọt của mít, có mùi thơm thoang thoảng của hương cau nên rất hấp dẫn với những người lần đầu tiên ăn nhút mít. Tuy nhiên món nhút mít không để được lâu nên ăn đến đâu thì làm đến đó. Nhút mít không phải là món ăn đặc sản nhưng nó đã gắn bó cùng với người dân miền Trung qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Trong mỗi góc bếp, còn có vại nhút mít để thêm hương vị cho bữa ăn.

Theo TCDL

25 tháng 6, 2010

Mì quê phố thị

Xế trưa, thèm quà vặt, chạy vội ra đường sẽ chẳng mấy khó để tìm những xe mì. Không phải là mì củ hấp hay tô mì nóng hổi mà là một món lạ “đúc tạc” từ mì mài

Cứ vào khoảng tầm trưa, lại thấy những chiếc xe chở đầy món lỉnh kỉnh công kênh xuống phố. Nào là bánh tráng, bánh phồng lủng lẳng, cộng thêm mớ bánh bông lan hay bánh tổ ong thơm phức. Thông thường, những xe này còn “nhồi” thêm một thau mì mài mà thành phẩm từ chúng là những chiếc bánh mì nướng thơm nức mũi. Nếu không nhầm, phong trào mì mài nướng chính thức trình làng, góp vào Sài Gòn những món vặt cách đây không lâu. Chẳng biết phong trào này có ai “khởi xướng” không nhưng nghe đồn, cái nôi của nó là ở làng đại học Thủ Đức - nơi mà những chiếc bánh mì mài trở thành quà vặt chắc bụng của sinh viên.

Người đưa ra lý thuyết này hùng hổ minh chứng rằng: vốn giáp ranh Bình Dương, gần hơn với Bình Phước - một nơi mì trở thành cây công nghiệp chính, Thủ Đức là nơithuận tiện và gần nhất để “du nhập” nguyên liệu lẫn món ăn là từ tỉnh bạn. Đứng trước lời “đồn đại” đó, người viết cũng cố truy ra căn cơ nhưng thấy mình cũng thật phí công. Sài Gòn những món vặt là vô chừng, bất kể món ăn miền nào cũng có thể làm “cư dân hợp pháp” của chốn vốn ra ngõ là gặp hàng rong. Cũng ít ai ngờ món ăn lót dạ ngày mưa của người nhà quê lại ngông nghênh có mặt các ngóc ngách thị thành.

Qùa xế

Chẳng khó để có thể tìm được xe bánh khoai mì nướng mỗi khi lỡ thèm. Như một cư dân bình lặng, những chiếc xe ấy cứ nhẫn nại qua hết con đường này sang con đường nọ, mang theo cả mùi than nướng. Nói đến khoai mì, người ta nghĩ ngay đến món mì hấp dừa đơn giản chấm muối mè bán lẫn trong mớ khoai nấu chung hoặc món chè mì dẻo thơm ngọt kẹo nhưng sản phẩm từ nó cũng muôn hình vạn trạng. Nếu ai chưa từng ăn qua bánh tằm, hẳn không biết gọi những sợi mì mài có màu xanh đỏ ăn kèm muối mè, dừa xác gọi là gì. Đó chẳng qua cũng là một kiểu bánh tằm, sáng tạo từ bánh tằm truyền thống. Ăn đúng mốt phải gói vào lá chuối, nhẩn nha tóm từng cọng một như kiểu Tề Thiên ăn mì mới thú. Muốn làm món này phải có mì mài, pha trộn kỹ, hấp chín rồi cán, thái sợi tùy thích. Và muốn bắt mắt cần có tí màu xanh đỏ cho thêm phần đa sắc.

Một “sản phẩm” khác của họ hàng nhà mì còn có bánh mì nướng. Đây không phải là kiểu ổ bánh đã được đổ khuôn, pha bột, nướng thơm như bánh bông lan hay đậu xanh mà là loại bánh ép từ khoai mì luộc chín và được đồ quết, trộn với đường, mè, dừa nạo mịn, ép thành miếng tròn đều. Người nhà quê vẫn hay có thói quen ăn mì trộn như thế nhưng người thành thị vốn cầu kỳ, đem ép khuôn rồi nướng lại cho cháy vàng hai mặt rồi mới thưởng thức. Món ăn chơi này khó tìm buổi sáng vì đa phần chỉ được bán buổi trưa, khi mà phố xá oi bức hơi xe, nghĩ cũng lạ vì xét ra, đây là món nóng. Nhưng có thèm quà vặt mới biết cảm giác buồn miệng xế trưa, một hai miếng mì nướng tán gẫu cùng bạn bè lúc rỗi rãi cũng hay ra trò.

Nên hình nên khối bởi công người mài

Mì dùng trong những món chơi đa phần là mì tinh, nhiều bột, củ to. Khi mua phải biết chọn. Để có “bột” chẳng ai đem mì mà xay hay nghiền, chủ yếu là mài thủ công trên những chiếc bàn mài tua tủa lỗ gai. Công đoạn này thường chiếm nhiều thời gian. “Bột” đã có, chỉ cần chất để gột nên hồ. Cũng không có gì là bí quyết, chỉ cần pha trộn tỉ lệ đường muối đúng chuẩn là sẽ có mẻ mì ngon. Tuy nhiên, đây là món “háo béo” nên nhất thiết phải có dừa và mè hoặc đậu phộng chấm kèm.

Trong hàng mớ những món từ mì ấy có lẽ bánh mì nướng vẫn lạ và ngon hơn cả. Cầm miếng mì nóng hôi hổi, lần giở tách đôi, nghe hương thơm như quen như lạ, dễ thèm cũng dễ nhớ. Cắn một miếng, chưa cảm hết vị, ăn đến miếng thứ hai mới thấy “thấm” dần. Bánh không quá ngọt và có vị mằn mặn của muối. Bột bánh không quến dẻo, thỉnh thoảng bời rời rơi rớt nhưng chính điều này đã tạo cảm giác sừn sựt như có tí giòn trong miệng. Người bán nhanh thoăn thoắt, ép ép trở trở trên than, người mua nhẫn nại đợi chờ, cầm chiếc bánh trên tay sợ lỡ buông vì vừa dứt than nóng.

Không thể nói là món lạ Sài Gòn nhưng bánh mì nướng vẫn khiến nhiều người tẩn ngẩn. Không “tập kết” thành khu, những xe mì di tản dọc các vỉa hè, thỉnh thoảng dừng lại ở lề đường có gốc cây to. Chẳng cần tiếng rao chào hàng, mùi thơm của nó cũng đủ sức “rủ rê” những người mê món vặt giấc xế trưa.

Theo MonngonVietNam

13 tháng 6, 2010

Nộm su hào


Nguyên liệu:
Su hào 2 củ
cà rốt 2 củ
dưa chuột 1 quả
củ đậu 1 củ
lạc, vừng rang 50g
rau thơm
mùi
kinh giới 3 mớ
chanh 3 quả
muối
đường giấm vừa đủ
tỏi 1 củ
ớt tươi tỉa hoa
1 quả cà chua gọt vỏ xếp cánh hoa hồng.


Cách chế biến:

Su hào, cà rốt, củ đậu gọt vỏ thái chỉ. Dưa chuột bỏ hạt thái mỏng vừa. Lạc, vừng rang giã dập. Các loại rau rửa sạch, cắt khúc 1cm.

Hòa 1 bát hỗn hợp theo tỉ lệ thìa súp: 5 nước cốt chanh + 4 đường + 1 muối. Tỏi, ớt băm nhỏ, trộn đều để riêng.

Trộn su hào, cà rốt, củ đậu, dưa chuột với 2 thìa cà phê canh dấm và 1 thìa cà phê muối. Ngâm khoảng 2 phút, gạn bỏ nước và trộn thêm 1 thìa súp đường. Sau 5 phút, trộn chung với bát nước gia vị vừa pha cùng ớt, tỏi, rau gia vị và lạc, vừng rang.

Trang trí:

Đặt thêm hoa cà chua và ớt tỉa vào điểm thích hợp tùy dáng đĩa.

5 tháng 6, 2010

Nước mắt cá sấu Malaysia tỏ lòng thương nhớ


Ngư dân Ho Su Hung, 62 tuổi, ở bang Sabah, Malaysia nuôi một con cá sấu từ nhỏ

Nhân dịp năm mới 2010, ông Ho đã tổ chức sinh nhật thứ 50 của con cá. Ông kể cha ông chăm sóc con cá từ nhỏ cho đến khi ông cụ qua đời vào năm 2000.

Ngày cụ mất, con cá khóc cả ngày và nhịn ăn để tỏ lòng thương nhớ. Báo The Star nhận xét: Người đời chớ nên chê “nước mắt cá sấu” theo thói quen lâu nay