Xế trưa, thèm quà vặt, chạy vội ra đường sẽ chẳng mấy khó để tìm những xe mì. Không phải là mì củ hấp hay tô mì nóng hổi mà là một món lạ “đúc tạc” từ mì mài
Cứ vào khoảng tầm trưa, lại thấy những chiếc xe chở đầy món lỉnh kỉnh công kênh xuống phố. Nào là bánh tráng, bánh phồng lủng lẳng, cộng thêm mớ bánh bông lan hay bánh tổ ong thơm phức. Thông thường, những xe này còn “nhồi” thêm một thau mì mài mà thành phẩm từ chúng là những chiếc bánh mì nướng thơm nức mũi. Nếu không nhầm, phong trào mì mài nướng chính thức trình làng, góp vào Sài Gòn những món vặt cách đây không lâu. Chẳng biết phong trào này có ai “khởi xướng” không nhưng nghe đồn, cái nôi của nó là ở làng đại học Thủ Đức - nơi mà những chiếc bánh mì mài trở thành quà vặt chắc bụng của sinh viên.
Người đưa ra lý thuyết này hùng hổ minh chứng rằng: vốn giáp ranh Bình Dương, gần hơn với Bình Phước - một nơi mì trở thành cây công nghiệp chính, Thủ Đức là nơithuận tiện và gần nhất để “du nhập” nguyên liệu lẫn món ăn là từ tỉnh bạn. Đứng trước lời “đồn đại” đó, người viết cũng cố truy ra căn cơ nhưng thấy mình cũng thật phí công. Sài Gòn những món vặt là vô chừng, bất kể món ăn miền nào cũng có thể làm “cư dân hợp pháp” của chốn vốn ra ngõ là gặp hàng rong. Cũng ít ai ngờ món ăn lót dạ ngày mưa của người nhà quê lại ngông nghênh có mặt các ngóc ngách thị thành.
Qùa xế
Chẳng khó để có thể tìm được xe bánh khoai mì nướng mỗi khi lỡ thèm. Như một cư dân bình lặng, những chiếc xe ấy cứ nhẫn nại qua hết con đường này sang con đường nọ, mang theo cả mùi than nướng. Nói đến khoai mì, người ta nghĩ ngay đến món mì hấp dừa đơn giản chấm muối mè bán lẫn trong mớ khoai nấu chung hoặc món chè mì dẻo thơm ngọt kẹo nhưng sản phẩm từ nó cũng muôn hình vạn trạng. Nếu ai chưa từng ăn qua bánh tằm, hẳn không biết gọi những sợi mì mài có màu xanh đỏ ăn kèm muối mè, dừa xác gọi là gì. Đó chẳng qua cũng là một kiểu bánh tằm, sáng tạo từ bánh tằm truyền thống. Ăn đúng mốt phải gói vào lá chuối, nhẩn nha tóm từng cọng một như kiểu Tề Thiên ăn mì mới thú. Muốn làm món này phải có mì mài, pha trộn kỹ, hấp chín rồi cán, thái sợi tùy thích. Và muốn bắt mắt cần có tí màu xanh đỏ cho thêm phần đa sắc.
Một “sản phẩm” khác của họ hàng nhà mì còn có bánh mì nướng. Đây không phải là kiểu ổ bánh đã được đổ khuôn, pha bột, nướng thơm như bánh bông lan hay đậu xanh mà là loại bánh ép từ khoai mì luộc chín và được đồ quết, trộn với đường, mè, dừa nạo mịn, ép thành miếng tròn đều. Người nhà quê vẫn hay có thói quen ăn mì trộn như thế nhưng người thành thị vốn cầu kỳ, đem ép khuôn rồi nướng lại cho cháy vàng hai mặt rồi mới thưởng thức. Món ăn chơi này khó tìm buổi sáng vì đa phần chỉ được bán buổi trưa, khi mà phố xá oi bức hơi xe, nghĩ cũng lạ vì xét ra, đây là món nóng. Nhưng có thèm quà vặt mới biết cảm giác buồn miệng xế trưa, một hai miếng mì nướng tán gẫu cùng bạn bè lúc rỗi rãi cũng hay ra trò.
Nên hình nên khối bởi công người mài
Mì dùng trong những món chơi đa phần là mì tinh, nhiều bột, củ to. Khi mua phải biết chọn. Để có “bột” chẳng ai đem mì mà xay hay nghiền, chủ yếu là mài thủ công trên những chiếc bàn mài tua tủa lỗ gai. Công đoạn này thường chiếm nhiều thời gian. “Bột” đã có, chỉ cần chất để gột nên hồ. Cũng không có gì là bí quyết, chỉ cần pha trộn tỉ lệ đường muối đúng chuẩn là sẽ có mẻ mì ngon. Tuy nhiên, đây là món “háo béo” nên nhất thiết phải có dừa và mè hoặc đậu phộng chấm kèm.
Trong hàng mớ những món từ mì ấy có lẽ bánh mì nướng vẫn lạ và ngon hơn cả. Cầm miếng mì nóng hôi hổi, lần giở tách đôi, nghe hương thơm như quen như lạ, dễ thèm cũng dễ nhớ. Cắn một miếng, chưa cảm hết vị, ăn đến miếng thứ hai mới thấy “thấm” dần. Bánh không quá ngọt và có vị mằn mặn của muối. Bột bánh không quến dẻo, thỉnh thoảng bời rời rơi rớt nhưng chính điều này đã tạo cảm giác sừn sựt như có tí giòn trong miệng. Người bán nhanh thoăn thoắt, ép ép trở trở trên than, người mua nhẫn nại đợi chờ, cầm chiếc bánh trên tay sợ lỡ buông vì vừa dứt than nóng.
Không thể nói là món lạ Sài Gòn nhưng bánh mì nướng vẫn khiến nhiều người tẩn ngẩn. Không “tập kết” thành khu, những xe mì di tản dọc các vỉa hè, thỉnh thoảng dừng lại ở lề đường có gốc cây to. Chẳng cần tiếng rao chào hàng, mùi thơm của nó cũng đủ sức “rủ rê” những người mê món vặt giấc xế trưa.
Theo MonngonVietNam