7 tháng 12, 2009

Bị u, sỏi có ăn tỏi được không?

Xin cho biết tác dụng phòng và chữa bệnh của tỏi? Người bị sỏi thận, có khối u lành tính trong thận ăn tỏi thường xuyên có ảnh hưởng gì không?

- Trả lời:

Tỏi là một gia vị quý mà hàng ngàn năm trước người ta xem nó như thần dược. Thời đó người ta thấy ăn tỏi hằng ngày sẽ chữa được bệnh cúm. Sau đó người ta lại phát hiện tỏi làm tăng sự dẻo dai trong khi làm việc. Đến Chiến tranh thế giới thứ lần 1 người ta sử dụng tỏi như một kháng sinh chống lại tất cả các loại vi khuẩn.

Các nghiên cứu tìm ra một hợp chất trong tỏi là allicine có tác dụng ngăn cản tế bào ung thư, giảm cholesterol và làm giảm huyết áp.

Viện Nghiên cứu ung thư ở Mỹ nhận thấy những người ăn tỏi thường xuyên có tỉ lệ ung thư dạ dày thấp hơn những người không ăn tỏi. Nghiên cứu của Đại học Ohio (Mỹ) còn đưa ra bằng chứng cụ thể: nếu bạn ăn 300mg tỏi tươi (tương đương 2 tép tỏi) liên tục thì giảm 15% nguy cơ tắc động mạch so với người vì ngại mùi hôi mà không ăn.

Theo một nghiên cứu khác, tỏi có thể giết hoặc làm chậm sự phát triển của 60 loại nấm và 20 loại vi khuẩn. Nó cũng có ích với phụ nữ mãn kinh vì rất giàu oestrogen thực vật, giúp giảm nguy cơ ung thư và hạn chế những tác động của hội chứng mãn kinh.

Những người nhức mỏi có thể giã tỏi ngâm rượu và uống mỗi lần chừng 30ml rượu tỏi. Người bình thường pha nước chấm, ướp tỏi trong thực phẩm hằng ngày đều có lợi cho sức khỏe và tăng khả năng miễn dịch.

Người bị sỏi thận và có khối u lành tính trong thận vẫn ăn tỏi bình thường được vì tỏi giúp phòng tránh sự phát triển của tế bào ung thư. Riêng sỏi thận nếu chưa lớn thì cần tăng cường uống nhiều nước, bởi nước sẽ hòa tan cặn làm sỏi nhỏ dần và không phát sinh sỏi mới.

Theo TS. BS Lê Thúy Tươi