16 tháng 3, 2009

Món ăn dân dã : Bánh ít hồn quê

Chị Thủy ở Mỹ Tho gởi con lên nhà tôi đi học. Mỗi lần thăm con, chị mang lên một giỏ quà, lần nào cũng có trái cây và vài ba chục bánh ít. Trái cây tôi không quan tâm nhưng bánh ít thì lần nào cũng vậy, tôi chọn ngay một cái nhưn đậu, một cái nhưn dừa, lột ra ăn ngấu nghiến như trẻ con mặc cho bột dính miệng, dính tay. Bánh ngon là một chuyện, nhưng khó tả nổi cái cảm giác nao nao, nhớ thương về cánh đồng thời tuổi nhỏ.

Hồi ấy, mỗi mùa ruộng mẹ tôi thường dành một công đất (1000 m2 ) để cấy nếp, bởi nếp làm ra được nhiều thứ bánh cho ngày tết, ngày rằm, ngày giỗ ông bà và cả ngày đầy tháng, ngày thôi nôi con trẻ. Cuối năm, khi gió bấc vùn vụt thổi về, cả cánh đồng lúa vàng rờn rợn sóng, tôi lội ra thăm đám nếp và báo với mẹ tôi rằng nếp đã đỏ đuôi, giống như thứ trái cây vừa mới hườm hườm. Mẹ tôi hiểu tôi muốn gì, bà xách chiếc vòng gặt ra đồng, chị tôi chuẩn bị lột dừa khô, tôi bơi xuồng đi mượn cái cối bồng, lòng nôn nao, mường tượng đến mẻ cốm dẹp đầu tiên.

Vẫn không tìm được câu trả lời rằng ai là người nghĩ ra cách làm cốm dẹp? Những hạt nếp đỏ đuôi cho vào chảo, rang đều cho nóng lên, vừa chín tới rồi đổ vào cái cối bồng – cối làm bằng một khúc cây to, khoét một lỗ tròn, sâu chính giữa – dùng cây chày vồ quết mạnh, quết một hồi, vỏ nếp rang nóng giòn nát ra thành bụi cám, ruột nếp nóng dẻo dẹp lại từng hạt mỏng tanh thành cốm dẹp. Cốm dẹp trộn với đường mía, dừa nạo trở thành một món ăn độc đáo của đồng quê, thơm lừng mùi nếp mới, ngòn ngọt vị mía đường cộng với cái béo béo của dừa khô.

Cánh đồng quê tôi, cánh đồng Chó Ngáp, mẹ tôi hay gọi là cái xứ đồng khô cỏ cháy. Mùa hạn, nhìn mút tầm mắt chỉ thấy rạ khô, cỏ khô và nắng, nắng chập chờn như nhảy múa, xa xa ẩn hiện một khu vườn. Sau nhiều trận giao tranh, bom đạn, pháo bầy đã biến những khu vườn ấy thành vườn hoang, xơ xác.

Gần tết, bọn trẻ chúng tôi hay băng đồng, hướng về những khu vườn ấy, mót từng tàu lá chuối để gói bánh ít, có khi phải giành nhau: “Bụi chuối này tao thấy trước, của tao!” Về nhà, thấy mẹ tôi đang còng lưng ngồi xay bột. Nếp phải ngâm nước trước một đêm, vút sạch, ngâm lại lần nữa, tay trái cầm cây muỗng, múc từng muỗng nếp đổ vào cối đá, tay phải cầm cán cối quay đều. Bột nếp được hứng trong cái bao vải ú trắng đặt trong một cái thau, cái bao ấy được gọi thành danh là cái bao bồng bột. Sau khi xay xong, cái bao bồng bột được dằn giữa hai thớt cối, để qua đêm cho nước rỏ khô mới đem bột ra nhồi làm bánh. Bánh ít luôn được làm hai loại, bánh nhưn đậu và bánh nhưn dừa. Nhưn dừa làm bằng dừa nạo, xào với đường mía cho thật dẻo, thật khô. Nhưn đậu làm bằng đậu xanh ngâm nước một đêm, đãi sạch vỏ, nấu cho khô nước, trộn với một ít dừa nạo. Cả hai được vắt thành từng viên nhỏ, làm nhưn cho lớp bột nếp bên ngoài. Bánh nhưn đậu thì bột pha đường, màu nâu, nhưn lạt. Bánh nhưn dừa thì bột lạt, màu trắng, nhưn ngọt.



Tôi vẫn không quên hình ảnh mẹ tôi ngồi gói từng chiếc bánh ít, bốc một cục bột, bóp cho nó dẹp lại, bỏ cái nhưn vào, vo tròn, cho vào chiếc lá chuối xếp thành hình chóp nón, túm lại rồi xếp thêm hai lớp lá chuối bên ngoài, thoáng chốc đã thành chiếc bánh. Khi những chiếc bánh được sắp xếp một cách trật tự vào nồi hấp, lửa cháy bừng lên là anh em tôi kéo nhau đến ngồi bó gối, co ro, há hốc quanh bếp lửa, hồi hộp đợi chờ. Thời gian chầm chậm trôi qua, mẹ tôi giở nắp nồi ra cho hơi khói bốc lên rồi đậy lại, gọi là lấy hơi, chúng tôi nhìn thấy từng chiếc bánh ngả màu nâu mà bụng dạ cồn cào, thèm khát. Khi mẹ tôi giở nắp nồi lần thứ hai thì chúng tôi nhốn nháo lên, mừng reo bánh chín. Đứa thì đòi bánh nhưn đậu, đứa thì đòi bánh nhưn dừa. Bốc ra, vừa thổi vừa ăn, bột dính đầy tay đầy miệng, vậy mà sung sướng, mà đã cơn thèm.

Phần bột thừa do thiếu nhưn được mẹ tôi nhồi với đường rồi ém vài cái dĩa nhôm đem phơi trên mái nhà cho khô cứng, gọi là bánh tổ. Sau tết khoảng mười ngày, nửa tháng, mẹ tôi đem những cái bánh tổ ấy ra, cắt từng lát mỏng, chiên mỡ, nó mềm ra, phồng lên, ăn vừa ngọt vừa thơm. Mẹ tôi cười chua xót: “Tội nghiệp con nhà nghèo, giữa đồng khô cỏ cháy, ăn cái gì cũng thấy ngon !”

Giữa đồng khô cỏ cháy, nghèo khó, chiến tranh, nhưng ngày giỗ của mỗi nhà là ngày hội tụ của dòng họ, của xóm làng. Trước đám giỗ ba bốn ngày là mẹ tôi phải thức khuya dậy sớm, ngâm nếp, ngâm đậu, xay bột, nạo dừa làm bánh ít. Khách đến, mỗi người mang theo một chai rượu nho, đặt lên bàn thờ. Khi về, chủ nhà hồi lại một bọc bánh ít làm quà, ít hay nhiều tuỳ theo số lượng trẻ con ở nhà của khách. Bởi vậy, mỗi lần đám giỗ, mẹ tôi phải gói ít nhất hai ba thúng táo bánh ít mới đủ để vừa đãi khách, vừa làm quà cho khách mang về. Ngược lại, mỗi lần mẹ tôi đi đám giỗ, tôi ở nhà nơm nớp đợi chờ. Khi thấy bóng dáng bà luộm thuộm từ xa, tôi băng đồng chạy, bất chấp đất nẻ hay lỗ chân trâu để đón lấy gói quà toòng teng trên tay mẹ. Đám giỗ ở những gia đình khá giả hoặc trúng mùa, ngoài bánh ít, có khi còn thêm mấy cái bánh bò, bánh da lợn, bánh kẹp cuốn, bánh bông lan. Nhưng bánh ít vẫn là món quà không bao giờ thiếu. Hồi ấy chúng tôi có một nhóm bạn cùng lứa, cùng nghề đi thả rập cua. Hừng đông, mỗi thằng một chiếc xuồng bơi đi, thả rập xong là gom lại, kể chuyện tiếu lâm hoặc chơi tú lơ khơ. Hễ nhà thằng nào có đám giỗ là biết chắc ngày hôm sau, dưới khoang xuồng thằng đó cũng có một bọc vài ba chục cái bánh ít để chia nhau. Chỉ có vậy thôi mà lấy làm oai, mà hãnh diện, mà được coi trọng suốt cả ngày.

Mấy mươi năm xa quê, cứ tưởng gió bụi thị thành đã xoá nhoà ký ức. Rồi bất chợt, giỏ quà của chị Thuỷ gợi lại trong tôi một nỗi nhớ cồn cào. Một hôm về Mỹ Tho, chị Thuỷ đưa tôi đến thăm lò bánh ít của bà Bảy Kim ở xóm đình Mỹ Phong nằm giữa khu vườn ngoại ô thành phố. Gọi là lò bánh, nhưng trước mắt tôi là một không khí đầm ấm như cảnh gói bánh chuẩn bị cho ngày giỗ của một gia đình khá giả ngày xưa. Năm ba người gói, hai người hấp, ba người xếp bánh. Bà Bảy năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn ngồi xếp từng chiếc bánh vào bao, không có vẻ gì là một bà chủ. Bà nói hồi xưa, bà là một người khéo tay, chuyên đi gói bánh cho bà con trong xóm. Về sau, nhiều gia đình không đủ điều kiện để gói bánh tại nhà nên gởi tiền cho bà làm như một dịch vụ, rồi cái dịch vụ ấy phát triển dần, bà làm bánh theo đơn đặt hàng, có ngày phải làm hàng ngàn cái bánh ít. Bánh cho đám giỗ, bánh cho cúng rằm, bánh làm quà cho người thân, bánh cho thương lái mang lên Sài Gòn bỏ mối, bánh cho mấy chị hàng rong khắp các phố phường. Thì ra bánh ít vẫn còn tồn tại giữa nghìn trùng những nhãn hàng bánh tây, bánh ta nổi tiếng. Phải chăng vì nó chứa đựng cái hồn quê trong ký ức con người.

Mấy mươi năm làm kẻ thị thành, tôi đã biết nhận quà từ người khác và tặng quà cho người khác, những chai rượu ngoại, những hộp bánh ngoại gói trong giấy kính thắt nơ lịch sự, sang trọng và đầy trân trọng. Nhưng những cái bánh ít sần sùi bỏ trong cái giỏ đệm bàng của chị Thuỷ nó vẫn làm cho tôi nao dạ nao lòng.

Theo SGTT