Tàu hủ là món mà có lẽ người sang, hèn, chay tịnh hoặc người cả đời ăn mặn cũng đã nếm qua. Chị Phước chuyên nấu tàu hủ, sáng nào cũng gánh hàng ra ngồi trước cổng công viên Lưu Hữu Phước. Khách hàng của chị là người đi tập thể dục buổi sáng, trẻ già đủ cả. Có người ăn tại chỗ, người mang về nhà cho con cháu.
Nồi tàu hủ của chị Phước bao giờ cũng nóng, mềm, mịn và thật béo. Nồi nước đường thốt nốt nấu chung với gừng già luôn nóng và bốc lên mùi cay, thơm nồng. Muốn có một nồi tàu hủ ngon như vậy trước hết phải chọn cho được loại đậu nành thật tốt, không lộn hột bị sâu bệnh. Ngâm đậu, bỏ vỏ, vo sạch rồi xay thành bột, lược lấy nước và nấu cho đến khi đặc thành tàu hủ. Người làm thiếu kinh nghiệm, kết quả, tàu hủ lỏng le hoặc óc trâu, coi như thất bại.
Kinh nghiệm dân gian và nhiều tài liệu cho biết, tàu hủ có vị thuốc. Dùng thường xuyên có thể giảm nguy cơ gây ung thư và loãng xương. Chính vậy mà nhiều nước như Nhật, Trung Quốc, Việt Nam rất thích các món ăn có nguồn gốc từ đậu nành, phổ biến nhất là tàu hủ. Ở Cần Thơ, sáng sớm, đi bộ 5 - 7 vòng trong công viên gặp gánh hàng tàu hủ của chị Phước, húp một chén mà hít hà đã bụng. Gánh tàu hủ trông đơn sơ, nghèo nàn nhưng ở đó đầy dinh dưỡng. Hồi xưa, những vùng đất màu mỡ ven sông Hậu người ta trồng đậu nành để "nuôi dưỡng" món ăn này. Ngày nay, hổng chừng đậu phải nhập... từ bên Campuchia về.
Theo Sài Gòn TT