7 tháng 6, 2009

"Ăn" nhiều canxi vẫn bị loãng xương do ít tiếp xúc với ánh nắng thường thiếu vitamin D

Không những chăm chỉ uống sữa, ông Giàu còn đều đặn uống thuốc bổ sung canxi, nhưng chứng loãng xương vẫn không hề cải thiện.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Loãng xương thế giới, trung bình cứ ba phụ nữ ngoại ngũ tuần thì một bị loãng xương. Tỷ lệ này ở nam giới cùng độ tuổi là 1/5. Khảo sát mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho thấy, có đến 17-19% số phụ nữ bị xẹp đốt sống sau tuổi mãn kinh. Lo lắng về bệnh này, nhiều người có tuổi rất chú trọng bổ sung canxi bằng thực phẩm và cả thuốc. Nhưng không ít người đưa vào cơ thể rất nhiều canxi mà xương vẫn xốp dần.

Ông Nguyễn Văn Giàu ở khu tập thể Đại học Mỏ địa chất, Hà Nội, bắt đầu có biểu hiện thoái hóa xương cách đây ba năm, khi 59 tuổi. Trước đây ông không có biểu hiện gì đáng lo ngại về xương, ở tuổi gần 60 vẫn có thể vác được hai bao gạo đi khắp khu phố. Nhưng hai năm trở lại đây, sức khỏe của ông xuống cấp trầm trọng, xách xô nước hơi đầy cũng cảm thấy đau cột sống, "làm ngựa" cho đứa cháu 5 tuổi một vòng là không thể tiếp tục vì nhức mỏi, ê ẩm đau.

Để "củng cố" xương cho bố, con gái ông mua về các loại sữa có hàm lượng canxi cao và viên bổ sung canxi. Mỗi ngày ông Giàu uống đều đặn ba ly sữa và hai viên thuốc. Mặc dù đã kiên trì gần hai năm nhưng ông Giàu vẫn không thấy sức khỏe tiến triển gì mà ngược lại, xương vẫn ngày càng thoái hóa.

Còn bà Lâm Thị Hạnh, 51 tuổi, ở Tam Điệp, Ninh Bình có ý thức bổ sung canxi từ khi chưa hề có dấu hiệu bất ổn gì về xương, cũng bằng sữa và các thực phẩm giàu chất này... Tuy nhiên, gần đây các cơn đau lưng vẫn xuất hiện, và các bác sĩ chẩn đoán bà bị loãng xương.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, nhiều người đã bổ sung canxi mà vẫn loãng xương do việc này được nghĩ đến quá muộn. Từ tuổi 35, mật độ xương đã bắt đầu giảm, và đây quá trình này diễn ra âm thầm trong nhiều năm, và khi có những biểu hiện rõ ràng thì tình trạng xương đã khá "tệ". Vì vậy, việc bổ sung canxi phải được thực hiện ngay từ khi còn trẻ và đều đặn suốt cuộc đời. Trên thực tế, mọi người thường nóng vội, ngắt quãng nên không cho kết quả tốt.

Những người loãng xương đã dùng canxi mà vẫn không cải thiện bệnh còn có thể do dùng liều quá thấp. Liều dùng phải tùy thuộc vào lứa tuổi và tình trạng xương của mỗi người. Bên cạnh đó, cũng có những người đã cung cấp đủ nhu cầu canxi nhưng xương vẫn xốp, bởi xương không chỉ cần chất khoáng này.

Nếu không có đủ vitamin D, lượng canxi đưa vào cơ thể dù nhiều bao nhiêu vẫn không được hấp thụ tốt. Làn da hấp thu ánh nắng để tạo thành vitamin D1, sau đó chuyển hóa qua gan để tạo thành vitaminD2 rồi qua thận tạo thành vitamin D3. Những người ít tiếp xúc với ánh nắng thường thiếu vitamin D, bệnh nhân suy gan suy thận cũng vậy do không tạo ra vitamin D2 và D3 được, cần bổ sung bằng thuốc.

Cần ăn đủ chất và tập luyện đều

Để bộ xương phát triển tốt và duy trì lâu ở trạng thái hoàn hảo, tiến sĩ Thủy khuyến cáo, ngoài việc bổ sung canxi, cả người lớn lẫn trẻ con đều cần cung cấp đủ vitamin D và nhiều dưỡng chất khác bằng một chế độ ăn đa dạng, cân đối. Ngoài ra, nên tập thể dục thường xuyên vì theo nhiều nghiên cứu, với những người duy trì tập luyện ba lần mỗi tuần (mỗi lần 45 phút) có mật độ xương cao hơn rất nhiều so với người ít vận động.

Nếu đã làm như vậy mà vẫn bị loãng xương, bạn nên đi khám xem có bệnh tật nào cản trở việc hấp thu canxi hoặc gây hại cho xương hay không. Theo các chuyên gia, nhiều trường hợp loãng xương là do các tế bào sinh xương giảm hoạt động, có bệnh nội tiết, suy giảm hoóc môn sinh dục, lạm dụng thuốc kháng viêm nhóm corticoide... Nếu không biết mà vẫn ra sức uống canxi, chẳng những bệnh loãng xương càng nặng do nguyên nhân không được giải quyết mà bạn còn có thể mắc các bệnh do thừa canxi, chẳng hạn như sỏi thận.

Theo: Đất Việt