22 tháng 8, 2008

Ăn cay lợi hay hại ?


Ăn cay thường tạo cảm giác ngon miệng hơn, nhưng đôi khi bị e ngại vì gây nóng người. Nhưng thực ra ăn cay không hẳn là có hại. Khoa học đã chứng minh việc ăn cay có nhiều tác dụng tích cực bất ngờ đối với sức khỏe

Vị cay thường kích thích vị giác nên được rất nhiều người ưa chuộng. Nhưng, đôi khi vị cay cũng gây e ngại, bởi ngay khi ăn vào đã cảm thấy nóng bỏng nơi từ đầu lưỡi xuống đến cuống họng, dạ dày. Vậy thực ra, ăn cay lợi hại thế nào?

Hại trước mắt
- Dễ nổi mụn: Thức ăn cay có tính hút ẩm nên sẽ làm da trở nên thô ráp. Chất cay cũng gây kích thích lên da, làm da nóng và dễ nổi mụn. Vì thế, những người da khô nên hạn chế thức ăn mặn, nóng và cay.
- Đau dạ dày: Vị cay, đặc biệt là vị cay của ớt, có thể gây bỏng da nếu ở mức độ đậm đặc. Vì thế, vị cay chắc chắn sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt đối với những người bị loét dạ dày từ trước. Hơn nữa, ăn quá cay cũng ảnh hưởng đến men tiêu hóa của dạ dày, gây khó tiêu.
- Thai phụ nên tránh: Đối với phụ nữ có thai, việc ăn cay không ảnh hưởng trực tiếp gì mấy đến người mẹ. Nhưng theo các nhà khoa học, mẹ ăn cay khi mang thai sẽ dễ gây bệnh dị ứng cho con trẻ sau này. Còn theo kinh nghiệm dân gian, mẹ ăn quá cay, con sinh ra dễ bị rôm sảy, nóng nhiệt trong người.
- Không tốt cho sản phụ: Mẹ cho con bú nếu ăn quá cay sẽ ảnh hưởng đến trẻ qua sữa, mẹ bị bốc hỏa trong cơ thể còn con cũng nóng trong người, khó ngủ, hay quấy khóc.

Lợi lâu dài
Tuy ăn cay có khá nhiều điểm gây hại, nhưng nếu biết dùng với lượng vừa phải, bạn sẽ thấy vị cay có rất nhiều lợi ích:
- Giảm cân: Trong ớt và hạt tiêu có chứa chất capsaicin tạo khả năng sinh nhiệt rất lớn, giúp đốt cháy nhiều calo hơn ngay sau bữa ăn. Ngoài ra, chất này còn giúp làm tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể, tạo cảm giác no nê và nhờ đó giúp người dùng giảm cân hiệu quả
- Giảm đau: Chất capsaicin vốn không mùi, không vị, nhưng có khả năng kích thích rồi sau đó làm giảm đau trong cơ thể. Người ta thường dùng capsaicin như một phương thức hữu hiệu để giảm đau khi điều trị vết thương sau phẫu thuật, đau nhức khớp xương, đau miệng và một số bệnh ngoài da.
- Ngừa tai biến tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, ớt chứa các hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, ngăn ngừa nguy cơ tai biến tim mạch. Ngoài ta ớt cũng giúp hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol trong cơ thể
- Hạn chế bệnh vặt: Đối với những bệnh như cảm cúm, cảm lạnh và những bệnh liên quan đến đường hô hấp thì ớt và các thức ăn cay là “thuốc ngừa” hiệu quả.
- Kháng viêm, chống suy nhược: Tương tự, ớt cũng giúp kháng viêm, đặc biệt là viêm khớp, và có khả năng chống suy nhược cơ thể rất hiệu quả.
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Tuy ăn quá nhiều ớt sẽ dẫn đến thay đổi men tiêu hóa, nhưng nếu ăn cay vừa phải thì lại giúp tăng tiết dịch vị, giúp tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, đồng thời tránh bị đầy hơi.

Như vậy, ta có thể thấy, tuy ăn cay có một số tác hại nhất định, nhưng nếu biết điều chỉnh lượng dùng vừa đủ thì ớt cũng có những lợi ích về lâu về dài cho sức khỏe.

Bài: Khánh Tùng