31 tháng 12, 2009

Bí quyết làm salad ngon

Để món salad ngon miệng, điều đầu tiên nên chú ý là chọn lựa những loại rau trái tươi ngon nhất để vừa đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, vừa tạo sự ngon miệng, hấp dẫn cho món ăn.

Ngoài ra, một vài bí quyết nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn:

- Nên chọn rau trái tươi có màu sắc đa dạng để tạo hương vị thơm ngon và màu sắc hấp dẫn cho món salad.

-Trước khi trộn rau, cần rửa sạch và để thật ráo nước, nếu không sẽ làmcho gia vị không thể thấm đều vào rau vì rau vẫn còn ẩm.

-Dùng dụng cụ trộn rau đủ lớn để có thể trộn hết rau trong một lúc, nếunhỏ quá sẽ làm hạn chế thao tác trộn, lượng gia vị không đồng đều làmmón ăn mất ngon. Việc trộn đi trộn lại nhiều lần cũng làm rau trái bịnát và giảm hương vị của món ăn.

Hãy cho tất cả gia vị trộn rau vào một lọ có nắp đậy kín và lắc mạnh để gia vị hòa tan đều, sau đó hãy trộn vào món ăn, tránh không làm món ănmặn hoặc nhạt quá.

- Chỉ trộn salad khi gần đến giờ ăn để rau không bị nhàu và nát.

-Sau khi trộn, nếu chưa dùng ngay, bạn nên bọc giấy bảo quản và chosalad vào ngăn mát tủ lạnh để giữ độ tươi ngon của rau cho đến khi ăn.Cũng có thể bọc gọn salad vào giấy báo sạch, cho vào túi nylon và đểvào thùng chứa rau trái trong tủ lạnh.

Theo MeoVatNauAn

29 tháng 12, 2009

Xem Video Nấu Chay trực tuyến : Cuốn diếp chay


Nguyên liệu:-12 lá cải bẹ xanh (còn gọi là cải cay).-2 bìa đậu hủ.-100g chả chay.-200g bún tươi-3 củ khoai lang luộc.-Bông hẹ. Nước chấm: -3 muỗng canh bơ đậu phụng pha với 3 muỗng canh nước lạnh -3 muỗng tương ngọt -1 muỗng bột năng pha với 3 muỗng nước lạnh -2 muỗng mè rang -1 muỗng canh ớt đỏ băm -1 muỗng canh boa rô băm nhuyễn -Gia vị: Hạt nêm từ nấm và rong biển, đường Thực hiện: -Bắc chảo dầu nóng, cho đậu hủ đã ướp gia vị vào chiên vàng, vớt ra cho vào giấy thấm dầu, để nguội, cắt từng lát mỏng kích thước bằng miếng chả chay. -Trải lá cải ra dĩa, lần lượt cho vào giữa lá cải một chút bún, 1 miếng khoai lang, 1 ít ngò rí, 3 lá rau thơm, 1 lát chả chay, 1 miếng đậu hủ, cuốn tròn lại, dùng dây bông hẹ cột quanh cho đẹp. -Nước chấm: Dầu nóng, cho boa-rô vào phi thơm, cho tương ngọt, bơ đậu phụng vào xào khoảng 2 phút, chế từ từ nước bột năng vào khuấy sanh sánh là được, nêm hạt nêm từ nấm và rong biển cho vừa ăn. Khi dùng, cho thêm ớt băm vào, mè rang.

27 tháng 12, 2009

"Mốt" ăn chay ở Sài Gòn

Giữa cuộc sống xô bồ hối hả ở TPHCM, không ít người người trẻ muốn tìm đến những món ăn của chốn cửa Phật. Thanh tao mà vẫn đậm đà hương vị -các quán hàng chay đang thu hút không ít thực khách Sài Gòn.

Những người sành ăn chay ở TP.HCM cho rằng có khoảng 50 quán cơm chay nổi tiếng nằm rải rác ở khắp các quận, huyện, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh... Có nơi nổi tiếng đến mức được người dân gọi là khu phố chay như: khu chợ Vườn chuối (quận 3), đường Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh )…

Nhắc đến quán chay ở Sài Gòn thì không thể không kể đến quán Thuyền Viên (11-13 Nguyễn Văn Đậu, quậnPhú Nhuận) hay Phật Hữu Duyên (Nguyễn Tri Phương, quận 5). Những nơi này từ lâu đã trở thành địa chỉ nổi tiếng về hàng chay của TP.HCM với phong cách ẩm thực chay của người Hoa, được thể hiện qua các món đặc trưng như cơm Dương Châu, súp Đại Truyền Hồng Đồ, đậu hũ Tóc Tiên…

Không kém cạnh 2 quán trên là quán cơm chay Giác Đức (492 Nguyễn Đình Chiểu, thuộc khu chợ Vườn Chuối, quận 3) nằm đối diện với chùa Nguyên Hương, được nhiều người biết đến với thực đơn phong phú hơn 200 món chay các loại, từ bún, phở đến cơm, lẩu…

Khi được hỏi vì sao lại mở quán chay, chị Nguyễn Thị Hoàng, bán bún chay trên đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, chia sẻ: “Tôi ăn chay từ lâu, thấy ngon, ít khi bị đau bệnh. Từ đó, quyết định ăn chay trường gần 2 năm nay. Tôi đã phải mày mò tìm cách chế biến món ăn theo sở thích của mình, rồi nấu cho mọi người cùng ăn. Thấy mọi người khen và khuyên mở quán nên tôi mở quán bán hàng chay”. Kể từ khi bỏ ra gần 10 triệu đồng mở quán đến nay, chồng chị Hoàng đã không còn phải thức khuya dậy sớm đi phụ hồ, 2 người con gái không còn phải đi làm thuê kiếm sống vì hiện tại thu nhập hàng ngày từ quán chị Hoàng không dưới 200 ngàn đồng.

1001 lý do ăn chay

“Giới trẻ ngày nay có rất nhiều lý do để lựa chọn món chay, chẳng hạn muốn bảo vệ sức khỏe, thích ăn chay, thích cảm giác lạ miệng… Và thực tế, lượng khách của quán hàng ngày chiếm trên 70% là giới trẻ” , một đầu bếp của quán chay Thuyền Viên nhận xét.

Thùy Tiên (25 tuổi, nhân viên bán hàng ở Thương xá Tax) là khách ruột của quán chay Giác Đức. Cô cho biết: "Ăn mặn mãi cũng ngán, nên mình thường thay đổi khẩu vị bằng đồ chay, riết rồi "kết" nó luôn. Bây giờ tuần nào không ăn chay 2,3 lần thì khó chịu lắm…Thấy ngon nên mình thường xuyên “dụ” mấy bạn đồng nghiệp, mấy bạn cùng nhà trọ đi ăn cùng. Hiện nay, có không ít bạn trở thành “tín đồ” tháp tùng mình đi ăn chay…”.

Không để cho Tiên nói hết, Thu Hà (bạn trong nhóm Tiên), mới lần đầu đi ăn chay trầm trồ: “Mình không ngờ cơm chay lại có nhiều món như thế. Các món ăn được chế biến với màu sắc, mùi vị rất ngon miệng nữa. Thế mà trước đây mình cứ nghĩ rằng cơm chay vô vị và nhạt nhẽo lắm…”. Thực ra, thức ăn chay rất đa dạng với những cái tên nghe rất...mặn như tôm rang, bít tết, giò heo, gà tần, cá kho…

Thành Trung (Sinh viên ĐH Kinh Tế, TP.HCM) thì có một lý do khác để trung thành với rau đậu: năm ngoái bạn đã thề nếu đậu đại học sẽ ăn chay một tháng. Thế rồi, khi đã trở thành sinh viên, cứ mỗi dịp Trung đạt điểm cao trong học tập là... ăn chay một tuần.

Cũng giống như Tiên, Trung hiện tại là “cổ động viên” cho các quán chay vì “ăn một mình buồn nên thi thoảng mình lại rủ bạn bè đi cùng…”.

Thanh (bạn cùng lớp Trung) kể lại: “Trước kia mình chẳng bao giờ ăn đồ chay. Vậy mà từ khi chơi với Trung, nhóm tụi mình hay bị nó rủ đi ăn cùng nên giờ cũng “nghiện” luôn…”.

“Cả ngày bị cuốn theo công việc, sau đó lại cùng bạn bè tìm đến tiệc tùng, bia rượu thì chỉ làm cho mình thêm mệt mỏi và căng thẳng hơn thôi, thỉnh thoảng tìm đến quán chay để “cân bằng”. – Huỳnh (25 tuổi), nhân viên xuất nhập khẩu của một công ty liên doanh cho biết. Còn lý do đến với thức ăn chay của chị Minh (nhân viên kế toán) thì hết sức “phụ nữ’": kể từ khi ăn chay chị thấy mình cứ trẻ hoài.

Thượng tọa Thích Quảng Viên, trụ trì chùa Vạn Hạnh (TP.HCM) cho biết theo quan điểm của Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng pháp thiện, mở rộng tình thương bao la với nhân loại. Song song đó, ngày nay khoa học cũng chứng minh, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, sống lâu, nhiều chứng bệnh nan y được thuyên giảm…

Theo PTVN

25 tháng 12, 2009

Uống trà một cách khoa học - Người ăn chay và người gầy không nên thường xuyên uống trà quá liều lượng

Trà có thể giúp đầu óc tỉnh táo, nhưng trước khi uống trà chúng ta cũng nên tỉnh táo một chút. Ưu điểm của trà tất nhiên là rất nhiều, nhưng cũng như nhiều sự việc khác, trà không phải là hoàn mỹ, phải tùy theo thời gian, địa điểm và con người, đối với những vấn đề cụ thể phải giải quyết một cách cụ thể, không thể chỉ đề xướng việc uống trà thường xuyên, nhưng cũng không thể từ chối uống trà một cách đơn giản.

Cần chú ý là, uống trà không phải thích hợp với tất cả mọi người, độ đậm nhạt và lượng của trà thì mỗi người đều có sự khác biệt. Vì thế, khi thưởng thức trà hãy nhớ sáu chữ “khoa học, cẩn thận, đúng lượng”.

1. Trẻ em uống trà phải có liều lượng

Trà và nước đều có ích cho trẻ em, nhưng điều quan trọng là phải có liều lượng nhất định. Mỗi ngày không uống quá 2 – 3 ly (mỗi ly dùng khoảng 0.5 – 2 gr trà), uống vào buổi sáng, trà chỉ cần pha thanh đạm và uống khi còn ấm. Các bạn nhỏ thích hợp uống trà thanh đạm để bổ sung vitamin, đản bạch chất, đường và chất Fluoride cho cơ thể. Trà còn có thể chống chứng biếng ăn, tốt cho việc tiêu hóa; giúp các em thanh nhiệt cơ thể. Hàm lượng Fluoride trong trà khá cao, cho trẻ uống với liều lượng thích hợp, khuyến khích thói quen dùng trà súc miệng, không chỉ giúp chắc xương mà còn có thể ngừa sâu răng.

Trẻ em uống trà nhất định không thể quá lượng, những em càng nhỏ càng nên lưu ý. Uống nhiều nước trà sẽ làm cho lượng nước trong cơ thể các em tăng lên, gia tăng gánh nặng cho tim và thận. Uống trà quá đậm, sẽ làm cho trẻ hưng phấn thái quá, nhịp đập của tim tăng nhanh, dẫn đến mất ngủ. Thời gian pha trà cũng không nên quá lâu, vì trà ngâm quá lâu sẽ tan ra chất Tannic Acid, có thể kết hợp với đản bạch chất trong thức ăn để hình thành Tannic Acid đản bạch và đông cứng lại, như thế sẽ ảnh hưởng sự tiêu hóa và hấp thu, làm cho sự thèm ăn của các em bị giảm đáng kể.

Còn một điều nhất định phải nhấn mạnh là không nên cho trẻ sơ sinh uống trà, vì chất Tannic Acid trong trà có thể hợp cùng chất sắt, biến thành chất muối sắt Tannic Acid không tan trong đường ruột, cơ thể không hấp thu được. Vì sự hấp thu của sắt bị ảnh hưởng, làm cho lượng dự trữ của sắt bị giảm, lâu dần sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu.

2. Người cao tuổi chỉ nên thưởng thức trà

Thưởng thức trà từ lâu đã trở thành một thú vui của người cao tuổi, uống trà một cách thích hợp thì có lợi cho sức khỏe, đối với các bậc cao niên uống trà chỉ nên chú trọng việc thưởng thức, quá lượng sẽ có hại.


Người cao tuổi uống trà phải có sự cân nhắc kỹ càng. Những người có bệnh tim, thận, chức năng của dạ dày và đường ruột rối loạn nghiêm trọng, khi uống trà phải cẩn trọng, không thể uống một cách tùy tiện. Bệnh nhân thiếu máu và cơ tim bị tắc nghẽn nên uống trà xanh, người cao tuổi bị tháo dạ không nên uống hồng trà, ngược lại, những người cao tuổi thể chất yếu thì nên uống hồng trà.

Người cao tuổi không thích hợp uống trà pha đậm đặc, vì chất caffeine sẽ gây hưng phấn quá mức, dẫn đến mất ngủ, tim đập nhanh, nhịp tim không đều. Người cao tuổi mắc bệnh tim, phổi và cao huyết áp khi uống trà càng nên pha nhạt và chỉ nên uống ít.

Tùy theo sự chồng chất của tuổi tác, chức năng tim và phổi của người già bị thoái giảm, nếu uống nhiều trà trong một thời gian ngắn, lượng nước được đưa vào hệ tuần hoàn máu của cơ thể quá nhiều, sẽ làm cho lượng máu gia tăng, thêm gánh nặng cho tim, thậm chí xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở.

Người cao tuổi chỉ cần uống trà pha thanh đạm và dùng khi ấm thì sẽ có lợi cho sức khỏe.

3. Người ăn chay và người gầy không nên thường xuyên uống trà

Tuy rằng xuất xứ của việc uống trà có quan hệ mật thiết với các tăng lữ, nhưng những người ăn chay rất dễ mắc chứng thiếu chất sắt và đản bạch chất, có báo cáo khoa học cho rằng, người ăn chay uống trà thường xuyên càng dễ bị bệnh thiếu máu và chứng thiếu sắt.

Một trong những lợi ích của việc uống trà thường xuyên là ức chế mỡ tích tụ trong cơ thể, có hiệu quả trong việc phòng chống béo phì, nhưng hỗn hợp hóa chất trong trà sẽ ngăn cản cơ thể hấp thu đản bạch chất, vì thế uống trà lâu dài rất dễ dẫn đến trở ngại trong việc hấp thu đản bạch chất, đồng thời cũng ức chế sự hấp thu của cơ thể đối với chất calcium và vitamin B. Vì thế, người mà cơ thể quá gầy hoặc có thói quen ăn uống thiếu đản bạch chất, tốt nhất hãy tránh việc uống trà thường xuyên và quá lượng.

4. Uống trà đậm lâu ngày sẽ dẫn đến loãng xương khi về già

Vì hàm lượng caffeine trong trà có thể ngăn chặn sự hấp thụ của đường dẫn tiêu hóa đối với chất calcium và làm gia tăng lượng calcium bài tiết theo đường nước tiểu, như thế chất calcium sẽ bị mất đi trong xương mà còn không được bổ sung, dẫn đến bị loãng xương.

Theo TraNgon.Com

23 tháng 12, 2009

MÓN GÀ CHAY RÔ TI


Công thức làm gà chay rôti

1 Bịt tàu hủ ky lá
1 goi' ham nhão màu trắng
1 gói ham nhão màu hồng
4 cái trứng chay
4 cũ carot tĩa hoa
1 cũ hành tây thái nhuyển
4 tep tỏi bầm nhuyển
1/2 muổng cafe' hột tiêu sọ
1/2 muổng cafe' tiêu sọ xây nhuyển
1 cup hột dẽ khô , ngâm nước luộc chín (chesnut)
2 muổng cafe' bột nêm nấm
2 muổng cafe' đường cát vàng
2/3 cup bột gluten wheat
2 muổng cafe' baking powered


Cách làm

Trộn gia vị ,bột gluten wheat nhồi 10 phút sau cùng cho hạt dẽ vô , trải tàu hủ ky miếng trên mặt thớt múc 3 cup ham cho vào miếng tàu hủ ky ,xếp 2 cũ carot 2 bên để ở giừa trứng chay , cho 2 cup ham trên trứng xếp thêm 2 cũ carot sau cùng cho hết ham còn lại trên mặt carot, cuộn tròn ham bên ngoài bao giấy foil , lấy giây nhợ cột lại , đem đi hấp 2 hrs , để nguội 3hrs .


Nước sốt cho gà chay rôti :

1 trái dừa tươi lấy nước hay 2 lon soda nước coco
2 muổng cafe' đường cát vàng
1 muổng canh dầu ăn
2 muổng bột nêm nấm
1 trái cam tươi vắt lấy nước
2 muổng canh thơm bầm nhuyển
1 muổng cafe' cũ hành +1 muổng cafe' cũ tỏi bâm nhuyển
1/2 muổng cafe' bột ngũ vị hương
4 tai hồi năm cánh
1 muổng canh dầu hào chay.

Nấu nước sôt & cách nướng gà chay

Bắt chào phi tỏi cũ hành vàng cho tất cả gia vị vào chảo nấu sôi lừa medium khoảng 5 phút , xếp gà chay vô khay nướng , đổ nước sốt lên , lấy giấy foid(giấy bạc) phủ lên trên cho vào lò vặn lữa 300 độ nướng 1 giờ 30 phút , nhớ chế nước sốt lên trên gà chay , 10 phút sau vặn lò 400 độ lấy giấy bạc ra nướng vàng da tàu hủ ky được giòn. Đem gà chay thái lát xếp ra dĩa bàn lớn , trình bầy rau cải cho đẹp , món nầy ăn với bánh mì , khoai tây hay nhân Stuffing gà tây chay .

By Chân Thiện Mỹ
Theo THƯ VIỆN HOA SEN

21 tháng 12, 2009

Thu về gọi hương cốm


Mùa thu Hà Nội đẹp bởi màu nắng vàng dịu dàng, những cơn gió trong lành, tinh khiết. Và chỉ cần tinh ý một chút thôi cũng đủ nhận ra rằng, mùa cốm cũng theo đó mà về, lan tỏa thứ hương nếp thơm ngọt ngào, man mác...

Thật thà mà nói thì hồi bé tôi không cảm nhận được hết vị ngon của cốm như bây giờ, dù mẹ tôi vẫn dỗ dành rằng, ăn cốm với chuối tiêu vừa ngon, vừa bổ, là thú thưởng thức ẩm thực của người Hà Nội từ bao đời nay.

Có lẽ lúc đó, một đứa trẻ 5, 6 tuổi chưa đủ tinh tế để cảm nhận được hết hương cốm thơm thanh khiết mùi lúa nếp non với vị ngọt dịu nhẹ, mà càng nhâm nhi trong miệng, càng cảm nhận được rõ hơn vị ngọt ngào của lúa nếp đang trổ mùa. Tôi đã thuộc lòng những lời dặn dò của mẹ trước khi đi làm, rằng cứ ở nhà thật ngoan là chiều về, mẹ sẽ mua một gói cốm làm quà cho hai anh em.

Mùa thu Hà Nội lúc này đưa tôi trở về ký ức với khoảng không trong căn phòng nhỏ, nơi tôi có thể mở toang cánh cửa sổ, đón lấy ánh nắng dịu nhẹ và ngọn gió mát lành, say sưa đứng đó để ngắm nhìn những chiếc lá bàng rơi đầy xuống sân khu tập thể, tạo thành một lớp thảm lá màu vàng đỏ mơ màng mà trong lòng thì mong ngóng mẹ đi làm về sẽ mua một gói cốm thơm phức mùi lúa nếp, ấp ủ trong chiếc lá sen màu xanh mát.

Tôi thích nhìn bàn tay mềm mại của mẹ tháo lấy nhánh lúa nếp là dây buộc xung quanh gói cốm, giở từng lớp lá sen, lá ráy còn tươi, rồi đưa cho anh em tôi xem những hạt cốm óng màu xanh ngọc, phả ra mùi thơm của lúa nếp làm nức mũi chúng tôi. Rồi mẹ đặt lên bàn một nải chuối tiêu chín cây, vàng sậm, lốm đốm những vệt màu như quả trứng cuốc, cắt từng quả rời ra, để anh em tôi chấm vào những hạt cốm lá me ngọt mềm.

Cảm giác hạt cốm dai dai, nhuyễn quyện với vị ngọt đậm của chuối tiêu, mà thoang thoảng có thấy đôi chút vị chua chua của chuối làm cân bằng vị giác, nên không ngán, không dư thừa vị ngọt mà ấp ủ bao nỗi nhớ thương mỗi khi mùa cốm qua đi.

Cũng có những hôm mẹ mua về loại cốm có xanh màu hơn, những hạt cốm líu ríu, nép dính vào nhau chứ không mỏng mảnh, tơi ráo như cốm lá me, nhìn cũng đủ biết cốm dẻo thế nào. Mẹ nói nhỏ đó là cốm giót. Ăn cốm giót và cốm lá me mỗi loại mỗi vị. Cốm giót mềm hơn, dẻo hơn nhưng cốm lá me mảnh dẻ mà lại ngọt ngào, thơm tinh khiết. Cốm không ăn với chuối trứng cuốc thì ăn với quả hồng chín mọng, để nước chất của quả hồng quyện đều với cốm, ăn thấy thích thú, ngẫm như đang ăn một món chè cốm loại đặc biệt.

Cốm không chỉ làm nên món chè cốm ngọt mát, mà còn là cảm hứng sáng tạo cho những món xôi cốm, cốm xào, cốm rang... Nhưng có lẽ nhớ đến cốm và mùa thu Hà Nội, chỉ cần rộng lòng nhớ đến hương lúa nếp là đủ. Nhâm nhi từng hạt cốm trong miệng rồi thưởng thức tách trà sen, trà nhài là cảm nhận vẹn toàn hương cốm lắm rồi.

Cứ nhấn nhá dần từng đợt vị ngọt của cốm, từ miếng vỏ lụa nếp vương ngoài thân cốm, đến vị ngọt thơm của lúa nếp, rồi nhấm nháp chén trà sen pha vừa độ, không quá nồng, quá đắng, chỉ vừa làm dịu mát khoang miệng, làm bật lên vị ngọt thơm của cốm quyện lẫn trong hương chè sen thơm trầm, chan chát mà thú vị, và không bao giờ có thể quên.

Có một vài nơi trên mảnh đất hình chữ S cũng có những món ăn gọi là cốm. Cốm ở Huế giòn giòn, ngọt vị đường mật, ăn như bỏng. Cốm giẹp ở trong Nam màu sắc hơn với cơm dừa nạo, lạc rang giã nhỏ và nước cốt dừa rưới vào cốm rồi trộn đều. Nhưng tôi chắc rằng, không có một loại cốm nào mà lại mềm và thơm mùi lúa nếp như cốm Hà Nội. Tự hạt lúa nếp còn vương hương sữa đã khiến vị ngọt thanh khiết, thoang thoảng chút ngậy ngậy của nếp non ru dịu lòng người.

Ẩm thực Hà Nội là thế, bao giờ cũng thanh khiết, không văn hoa gói ghém cả mùi vị của phụ gia để chiều lòng thực khách, nhưng vẫn lôi cuốn. Vì thế, cốm tuy giản dị nhưng ngon tinh tế, đủ trở thành một nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội, mà càng xa Hà Nội, càng nhớ đến da diết hương cốm thơm mát, dịu ngọt mỗi khi gió Thu tràn về.

Bài: Thùy Trinh - Ảnh: Nguyễn Khôi

19 tháng 12, 2009

Tóc đẹp bằng phương pháp tự nhiên

Mùa hè, thay vì đến những salon sang trọng và dùng những loại dầu dưỡng tóc đắt tiền mà đôi khi còn gây hại choda đầu và mái tóc, bạn hãy dùng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để làm một loại dầu dưỡng đơn giản. Những loại dầu từ thiên nhiên này rất tốt và cung cấp chất dưỡng thiết yếu cho mái tóc. Điều này làm cho bạn tự tin và "toả sáng" với mái tóc trong ánh nắng chói chang của mùa hè.

Chanh tươi

Một trong những hoa quả tự nhiên tốt nhất cho mái tóc là chanh tươi

Một trong những hoa quả tự nhiên tốt nhất cho mái tóc là chanh tươi. Lấy 1/4 cốc chanh tươi ép và 3/4 cốc nước lọc, hoà vào sau đó xoa đều lên mái tóc nhưng tránh xoa nhiều quá vào da đầu, vì trong chanh có axit không tốt cho da. Ủ tóc với nước chanh khoảng 30 phút sau đó xả sạch với nước lã. Làm như vậy thường xuyên với mái tóc, bạn sẽ có được mái tóc khoẻ mạnh, óng mượt và bảo vệ tóc khi ra ánh nắng mặt trời.

Mật ong

Mật ong không những tốt cho sức khoẻ, chữa được nhiều bệnh mà còn có khả năng giúp làm đẹp cho cơ thể. Với mái tóc, bạn yên tâm khi dùng mật ong để bảo vệ, vì trong mật ong có chứa nhiều thành phần giúp mái tóc chống gãy, sơ và rụng, bảo vệ tóc dưới ánh nắng mặt trời.

Dùng mật ong không lo ảnh hưởng tới da đầu, ngược lại nó còn rất tốt, tránh làm làn da đầu khô nên không lo có gàu trong mùa hanh khô. Đặc bịêt với mùa hè, mật ong là loại "dầu tóc" hữu hiệu làm tóc khoẻ hơn và có thể "đương đầu" với tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Mật ong mang lại cho tóc óng mượt và đẹp tự nhiên.
Dầu ô liu

Dầu ôliu giúp mái tóc trở nên óng mượt hơn

Dầu ôliu được các phụ nữ tin dùng bởi khả năng cải thiện mái tóc, giúp tóc trở nên bóng mượt, sạch gàu, hiệu quả hơn hẳn các biện pháp chăm sóc tóc như hấp dầu, dùng dầu gội dưỡng ẩm, vốn chỉ có hiệu quả khắc phục tạm thời. Và với dầu ôliu vừa tốt cho tóc lại không gây ảnh hưởng hay nguy hại đến da đầu.

Bia

Bia không những có tác dụng giải khát mùa hè, mà bia còn bảo vệ tóc và da đầu khoẻ mạnh. Chỉ cần dùng một chút bia, massage lên da đầu và để bia thấm vào chân tóc, khoảng 20 phút sau gội sạch bằng nước.

Vì trong bia có chứa nhiều Vitamin B1 nên có khả năng làm phục hồi tóc gãy, tóc sơ là điều không thể phủ nhận. Bia là "liều thuốc tốt" làm cho tóc óng mượt và phát triển tốt, không bị khô và rụng.

Nên gội đầu bằng bia 2 đến 3 lần trong một tuần.

Theo Hoàng Mai

13 tháng 12, 2009

Nước bưởi cũng có thể... "sinh sự" với thuốc

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, mỗi năm người Mỹ “lai rai” khoảng 164 triệu gallon nước ép bưởi (theo đơn vị đo lường Mỹ, 1 gallon tương đương 3.785ml, Khác với 1 gallon của Anh tương đương 4.545ml). Con số của Bộ nông nghiệp Hoa kỳ đã làm giật mình các bác sĩ và dược sĩ.

Thật bất ngờ, sự tương tác giữa nước ép bưởi và các loại dược phẩm được khám phá một cách rất tình cờ cách nay gần hai thập kỷ. Vào lúc đó, một loại thuốc trị cao huyết áp là felodipine (biệt dược là Plendil) đã nổi đình nổi đám và là cứu tinh của không biết bao nhiêu bệnh nhân cao huyết áp.

50 loại thuốc bị ảnh hưởng bởi dịch ép bưởi

Trong lúc nghiên cứu xem rượu hoặc các chất cồn (alcohol) có tác động gì trên loại thuốc này hay không, nhóm nghiên cứu người Canada đã dùng một dung dịch chứa cồn, bỏ thêm một ít nước ép bưởi nhằm giảm bớt mùi vị “khó ưa” của cồn. Bỗng nhiên các nhà nghiên cứu nhận thấy nồng độ của felodipine trong máu tăng gấp nhiều lần so với những lần nghiên cứu trước đó. Sự gia tăng nồng độ của felodipine trong máu có thể làm tăng tác động và các tác dụng phụ của loại thuốc này. Những nghiên cứu sâu hơn cho thấy chính nước ép bưởi đã làm tăng nồng độ trong máu của các loại thuốc được nghiên cứu.

Gần 20 năm nay, các bác sĩ và dược sĩ đã đếm được có trên 50 loại thuốc được kê toa (prescription) và không cần kê toa (over the counter - OTC) bị ảnh hưởng bởi dịch ép bưởi. Những nghiên cứu về sự tương tác giữa nước bưởi và dược phẩm đã đặt giả thuyết rằng những hợp chất có trong nước bưởi có tên gọi furanocoumarins chịu trách nhiệm chính trong việc tương tác với dược phẩm.

200ml nước bưởi cũng đủ... “sinh sự”

Các nhà nghiên cứu cho rằng furanocoumarins cùng các chất naringin, bergamottin và dihydroxybergamottin đã làm mất tác dụng của một loại enzym có tên CYP3A4 hiện diện trong các tế bào màng ruột. Enzym này có khả năng phân giải nhiều loại thuốc. Khi enzym này bị nước bưởi “phế võ công” thì thuốc sẽ tự do đi vào hệ tuần hoàn máu, từ đó làm tăng sự hấp thu của những loại thuốc này.

Điều này nghe có vẻ như có lợi cho việc sử dụng dược phẩm, nhưng thật ra sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Nếu một loại thuốc được hấp thu nhanh hơn mong đợi, có nghĩa là thuốc ấy sẽ tăng tác động. Ví dụ một loại thuốc dùng để hạ huyết áp có thể sẽ làm huyết áp hạ quá mức. Nếu một loại thuốc tăng hấp thu, đồng nghĩa với việc tăng những tác dụng phụ có hại hoặc ngộ độc thuốc. Chăng hạn đang dùng một loại thuốc hạ cholesterol, nếu có sự hiện diện của nước ép bưởi thì nồng độ thuốc này trong máu sẽ cao hơn và có thể gây ra sự rối loạn cơ, tổn thương gan...

Chỉ cần một ly nước bưởi chừng 200ml đủ có thể “sinh sự” với thuốc. Tác động này có thể kéo dài tới 24 giờ. Không giống như những dạng tương tác thuốc khác có thể tránh được bằng cách sử dụng hai tác nhân có thể gây ra sự tương tác thuốc cách nhau vài giờ, đối với nước bưởi thì khoảng thời gian từ khi uống nước bưởi đến khi sử dụng các loại dược phẩm (vốn có sự tương tác với nước bưởi) phải trên 24 giờ.

Nếu bệnh nhân được kê những loại thuốc thuộc một số nhóm bệnh (xem box) cần phải hỏi ý kiến thầy thuốc về những tương tác có thể xảy ra với nước bưởi. Như đã nói, không phải loại thuốc nào cũng bị nước bưởi “sinh sự”, chỉ một số loại “không may mắn mà thôi”. Sự tác động của nước bưởi lên dược phẩm ở mỗi người mỗi khác và cũng biến đổi tùy theo những giống bưởi khác nhau.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu ăn bưởi cũng ít nhiều có sự tương tác với dược phẩm. Vì vậy, lời khuyên của thầy thuốc là khi sử dụng bất kỳ loại dược phẩm nào, nếu muốn chắc ăn thì tránh bưởi cũng chẳng... xấu mặt nào.

Những loại dược phẩm có thể bị tác động bởi nước bưởi

Thuốc kháng sinh: bao gồm những tên thuốc như clarithromycin, erythromycin, troleandomycin.

Thuốc chống lo âu: alprazolam, buspirone, midazolam, triazolam

Thuốc chống loạn nhịp tim: amiodarone, quinidine

Thuốc chống đông: warfarin

Thuốc chống động kinh: carbamazepine (carpatrol), tegretol

Thuốc kháng nấm: itraconazole

Thuốc trị giun sán: albendazole

Thuốc kháng histamine: fexofenadine

Các thuốc kháng ung thư: cylophosphamide, tamoxifen, vinblastine, vincristine

Thuốc trị ho: dextromethorphan

Thuốc kháng virus: amprenavir, indinavir, ritonavir, saquinavir, thuốc điều trị HIV/AIDS

Thuốc ức chế kênh calcium trong điều trị cao huyết áp: diltiazem, felodipine, nicardipine, nifedipine, nimodipine, nisoldipine

Thuốc trị rối loạn cương dương: sildenafil, tadalafil

Thuốc ức chế miễn dịch: cylosporine, sirolimus, tacrolimus

Thay thế hormon: cortisol, estradiol, methylprednisolone, progesterone, testosterone.

Thuốc trị bệnh tuyến tiền liệt: finasteride.

Thuốc giảm đau: methadone
.

Theo DS. Nguyễn Bá Huy Cường - Khoa Dược - Đại học Curtin, Úc

11 tháng 12, 2009

Hương Vị Quê Nhà : Nhớ cam Bố Hạ

Người dân Bố Hạ sống bên triền sông Thương, giáp ranh giữa hai huyện Yên Thế và Lạng Giang tỉnh Bắc Giang có trồng được giống cam quý, từng đứng số 1 đất nước. Đó là cam sành Bố Hạ nổi tiếng.

Vùng Bố Hạ do được phù sa sông Thương bồi đắp nên có đất đai màu mỡ, thích hợp cho giống cam sành sinh trưởng, nên đã cho ra một thứ cam quý, mọng và ngon. Cam Bố Hạ thường chín rộ vào dịp Tết Nguyên Đán. Đó là giống cam sành khi chín có màu vàng tươi, tròn, dẹt. Cam không chỉ đẹp mã mà còn rất thơm ngon, tép to, mọng nước, màu vàng đỏ, vị ngọt đậm đà rất thích hợp cho việc bày bàn thờ cúng và ăn tráng miệng, ăn vui ngày Tết.

Với người dân Bắc Giang, cam sành Bố Hạ là giống cam ngon, là đặc sản vùng nên thường dùng làm quà biếu, quà Tết, vừa quý lại vừa sang.

Việc trồng cam cũng lắm công phu. Để có được những trái cam vàng ngọt, quý giá như vậy, người trồng cam nơi đây đã phải lắm gian nan, một nắng hai sương, bỏ ra biết bao mồ hôi công sức chọn giống, chăm bón vun trồng cùng với những kinh nghiệm canh tác được đúc kết, lưu giữ, truyền thụ từ bao đời.

Chính vì cam Bố Hạ là loại cam ngon, nổi tiếng, việc trồng cam cũng mất nhiều công sức nên giá cam này thường đắt hơn so với các loại cam khác, đặc biệt là vào những ngày Tết.

Theo Naungon.Com

9 tháng 12, 2009

Đậu Hà Lan tốt cho thận và tim mạch

Các nhà khoa học Canada vừa phát hiện ra rằng, trong quả đậu Hà Lan có chứa các chất có ảnh hưởng rất tốt tới hoạt động của hệ tim mạch cũng như chức năng làm việc của thận.

Theo phát hiện của các nhà khoa học, trong thành phần của hạt đậu Hà Lan có chứa các chất có lợi cho sức khoẻ con người như protein và vitamin, đồng thời thành phần trong đậu Hà Lan không có cholestorol.

Đậu Hà Lan có thể trở thành liệu pháp phòng ngừa hữu hiệu chống lại các loại bệnh có liên quan đến sự suy giảm chức năng của thận

Các chất này kết hợp với nhau và có tác động tích cực tới cơ thể con người, giúp duy trì huyết áp luôn ở trạng thái ổn định, đồng thời hỗ trợ quá trình hoạt động của thận.

Một trong số các nhà khoa học Canada khẳng định, đối với những người bị huyết áp cao thì đậu Hà Lan có thể trở thành liệu pháp phòng ngừa hữu hiệu chống lại các loại bệnh có liên quan đến sự suy giảm chức năng của thận.

Và ngược lại, đối với những người bị chẩn đoán là mắc bệnh thận thì đậu Hà Lan cũng là một trong những dược liệu tốt giúp ngăn ngừa tăng huyết áp và duy trì huyết áp luôn ở trạng thái ổn định.
Các nhà khoa học đang dự tính sẽ chế tạo loại bột nêm làm từ đậu Hà Lan để bổ sung cho gia vị, cũng như tăng thêm hương vị cho món ăn. Nếu sử dụng các sản phẩm làm từ đậu Hà Lan liên tục trong thời gian từ 6-8 tháng có thể giảm nguy cơ bị huyết áp cao, bệnh thận tới 20%.

Theo Tin Tức Online

7 tháng 12, 2009

Bị u, sỏi có ăn tỏi được không?

Xin cho biết tác dụng phòng và chữa bệnh của tỏi? Người bị sỏi thận, có khối u lành tính trong thận ăn tỏi thường xuyên có ảnh hưởng gì không?

- Trả lời:

Tỏi là một gia vị quý mà hàng ngàn năm trước người ta xem nó như thần dược. Thời đó người ta thấy ăn tỏi hằng ngày sẽ chữa được bệnh cúm. Sau đó người ta lại phát hiện tỏi làm tăng sự dẻo dai trong khi làm việc. Đến Chiến tranh thế giới thứ lần 1 người ta sử dụng tỏi như một kháng sinh chống lại tất cả các loại vi khuẩn.

Các nghiên cứu tìm ra một hợp chất trong tỏi là allicine có tác dụng ngăn cản tế bào ung thư, giảm cholesterol và làm giảm huyết áp.

Viện Nghiên cứu ung thư ở Mỹ nhận thấy những người ăn tỏi thường xuyên có tỉ lệ ung thư dạ dày thấp hơn những người không ăn tỏi. Nghiên cứu của Đại học Ohio (Mỹ) còn đưa ra bằng chứng cụ thể: nếu bạn ăn 300mg tỏi tươi (tương đương 2 tép tỏi) liên tục thì giảm 15% nguy cơ tắc động mạch so với người vì ngại mùi hôi mà không ăn.

Theo một nghiên cứu khác, tỏi có thể giết hoặc làm chậm sự phát triển của 60 loại nấm và 20 loại vi khuẩn. Nó cũng có ích với phụ nữ mãn kinh vì rất giàu oestrogen thực vật, giúp giảm nguy cơ ung thư và hạn chế những tác động của hội chứng mãn kinh.

Những người nhức mỏi có thể giã tỏi ngâm rượu và uống mỗi lần chừng 30ml rượu tỏi. Người bình thường pha nước chấm, ướp tỏi trong thực phẩm hằng ngày đều có lợi cho sức khỏe và tăng khả năng miễn dịch.

Người bị sỏi thận và có khối u lành tính trong thận vẫn ăn tỏi bình thường được vì tỏi giúp phòng tránh sự phát triển của tế bào ung thư. Riêng sỏi thận nếu chưa lớn thì cần tăng cường uống nhiều nước, bởi nước sẽ hòa tan cặn làm sỏi nhỏ dần và không phát sinh sỏi mới.

Theo TS. BS Lê Thúy Tươi

5 tháng 12, 2009

Giòn tan cà muối xổi

Cà muối xổi không khác gì một thứ gia vị bên cạnh những món ăn chính trong bữa cơm hàng ngày. Nước rau muống luộc, canh cua nấu rau rút, canh rau đay... thì không thể thiếu cà muối được.

Làng Láng ngoài rau húng Láng còn rất nổi tiếng vì trồng được giống cà rất ngon. Có hai loại cà thường dùng để muối chua là cà pháo và cà dĩa. Cà pháo trái nhỏ, kích cỡ trung bình bằng đầu ngón tay cái. Còn cà dĩa người Bắc hay gọi là cá bát, cà dừa, có cỡ lớn từ cái chén ăn cơm hoặc hơn nữa. Cà dùng để muối là cà còn xanh, vỏ có sắc trắng. Nếu chưa có kinh nghiệm lựa cà thì phải cắt ngang làm hai để quan sát phần hột. Nếu cà còn non, chưa có hột thì khi muối xong sẽ bị mềm chứ không giòn; cà già thì ruột cà đặc hột, muối xong rất hăng và dai. Cà dùng để muối là loại khi cắt ra thấy phần hột trong ruột chỉ vừa tượng đủ hột nhưng có sắc trắng chứ không vàng.


Cà muối bình thường, dân dã vậy thôi nhưng chỉ một hôm quên có trong mâm cơm là cả nhà như thấy thiếu vắng, húp bát canh sao thấy nhạt nhẽo quá. Nhất là những ngày hè, chỉ cần bát canh rau muống luộc dầm sấu chua chua với vài quả cà là bữa cơm trở nên ngon miệng hơn nhiều.

Mỗi vùng miền có một kiểu muối cà riêng Trước đây, người miền Bắc thường muối nén với muối thật mặn để có thể dùng dự trữ từ tháng này qua tháng khác. Ngày nay, người miền Bắc ưa chuộng muối cà xổi hơn. Như vậy, cà lúc nào cũng mới mà không bị chua, ăn hết lại muối tiếp, chỉ chừng bữa sau là lại có bát cà mới để dùng rồi. Khi muối cà thường cho một chút muối pha lẫn nước ấm, vài ba lát giềng và mấy khoanh mía cho dậy mùi và thêm ngọt rồi nén lại bằng viên đá nhỏ để cà giòn hơn. Bây giờ ngoài chợ các bà các cô vẫn muối sẵn cà để bán, thế nên nếu ngại muối thì chỉ cần chạy ù ra chợ là có ngay nhưng những bà nội trợ khéo léo vẫn thích tự muối ở nhà hơn, vừa ngon mà hợp vệ sinh.

Trái cà sau khi muối đúng ngày sẽ phồng căng,vỏ ngoài thấy trắng trong chứ không còn trắng đục và cắn thấy dòn xốp. Có người còn rất khoái món cà xanh còn non dầm đường, ớt và giấm bởi vị giòn tan, đậm đà nhưng hơi hăng của nó.

Món ăn dân dã này chính là những món ngon không thể thiếu trong bữa cơm người Việt. Chẳng thế mà món cà dung dị kia trở thành nỗi nhớ và đi vào trong câu ca dao xưa "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương".

Theo MonngonHanoi

3 tháng 12, 2009

Người đàn bà thông minh nhất thế giới : toán học gia Shakuntala Devi là một người ăn chay trường

Shakuntala Devi, ra đời ngày 4 tháng 11 năm 1939 tại Bangalore, Ấn Ðộ, là một toán học gia người Ấn, thường được xem như là "người máy tính" và là "người đàn bà thông minh nhất thế giới". Bà được nhiều viện đại học khắp nơi trên thế giới thử trí thông minh, và cuộc khảo nổi tiêng nhất của bà là khi được hỏi đáp số của bài tính nhân với hai hàng số, mỗi hàng là 13 con số, bà đã đáp đúng trong 28 giây đồng hồ. Thành quả này đã đưa tên Devi vào sổ Guinness kỷ lục thế giới, mặc dù về sau kỷ lục này bị bỏ đi "vì người ta cho rằng thành quả của bà quá cao siêu so với những kỳ công làm toán của bất cứ những người xuất sắc phi thường khác mà người ta đã khám phá, cho nên chứng nhận này ắt không thể nào xác thực". Bài tính này diễn ra trước mặt các giáo sư toán tại một việc đại học lớn ở Hoa Kỳ, họ đã gạt bỏ những nghi ngờ của nhà xuất bản quyển Guinness, nhưng đồng ý thành quả ấy thật không thể nào tin nổi. Bà Devi cũng đã phá kỷ lục nhiều cuộc thử toán khác và người ta cho rằng bà là Srinivasa Ramanujan (1887-1920) đầu thai trở lại, một trong những thiên tài xuất chúng về toán học giỏi nhất thế giới từ trước tới nay và cũng là người ăn chay. Bà Devi đã giải thích bí quyết tài nghệ của bà như sau:

Câu trả lời nảy ra trong đầu tôi vậy thôi. Trước khi đi thử những bài toán khó với những con số lớn, tôi sửa soạn trước hai, ba ngày. Tôi nghỉ ngơi; để đầu óc mình hoàn toàn nghỉ ngơi. Bỏ những vấn đề cá nhân ra ngoài, không nghĩ tới nó, điều này cũng rất tốt cho chính tôi. Lên sân khấu, tôi chỉ nghĩ làm sao trả lời những bài toán cho đúng. Phải, tôi có tên trong sổ Guinness kỷ lục thế giới. Tất cả đều là hồng ân của Thượng Ðế, tôi hoàn toàn không nhận công lao là của mình. Tôi có thể làm suốt một tiếng rưỡi tới hai tiếng đồng hồ. Khi bắt đầu rồi là quý vị không sao cản được tôi. Nhưng nếu muốn làm nữa thì tôi phải sửa soạn hai, ba ngày.

Bà Devi đã du hành vòng quanh Ấn Ðộ và Phi Châu cổ động trẻ em học toán. Gần đây bà đang tiến hành việc thành lập các viện toán học ở Ấn Ðộ để cổ động truyền thống lẫy lừng của đất nước bà trong lãnh vực này, và đã viết nhiều sách thịnh hành nói về đề tài dạy toán và một tiểu thuyết về tội ác. Bàn về các phương pháp giáo dục hiện nay, bà nói: "Hầu hết các trường học ngày nay đều dạy về máy điện toán và nhu liệu, một điều họ hãy còn thiếu sót, đó là cho trẻ con một sự nâng đỡ củng cố về tâm linh. Tôi cũng muốn chúng ta lo về vấn đề này bởi vì có cái này mà thiếu cái kia thì không tốt."

Bà Devi cũng là một người ăn chay trường cả đời, thậm chí bà đã viết một quyển gia chánh chay cho đàn ông. Một chuyện thú vị liên quan tới sự ăn chay của bà như sau. Lần đầu tiên sang Mỹ, bà hay ăn bánh pancake với syrô vì lúc đó đồ chay rất ít. Bánh pancake của Mỹ nhắc bà tới loại bánh dosai phổ thông mà người miền nam Ấn Ðộ thường dùng để ăn sáng. Thời gian đó bà đang là đề tài cho một cuộc nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Arthur Jensen, một nghiên cứu gia đang tìm hiểu về trí thông minh của con người tại viện đại học University of California tại thành phố Berkeley. Ông Jensen nói về việc bà thường xuyên tiêu thụ bánh pancake trong một bản tham luận khoa học, cho rằng đây có thể là một bằng chứng bà bị loạn thần kinh. Sau này bản tham luận này được đem ra dùng làm tài liệu cho một cuốn phim Rainman và đã thắng giải điện ảnh Oscar (1988). Trong phim, ông Dustin Hoffman đóng vai thần đồng giỏi toán tương tự như tài của bà Devi, nhưng xã giao rất vụng về - và ghiền ăn pancake! Bà Devi bật cười trước quan niệm lầm lẫn của người không ăn chay. Thật ra, luận án của ông Jensen nói rằng Devi là một nhân vật hiếm có, giỏi giang về mọi mặt, một thiên tài về toán cũng như một tấm gương đầy cảm hứng và giàu lòng từ bi.

1 tháng 12, 2009

Tương nếp


Mỗi mùa thu hoạch đậu tương, mẹ tôi lại chọn những hạt đậu căng mẩy để dành làm tương nếp. Tương nếp được chế biến từ hạt đậu nành với nguyên liệu ủ mốc là gạo nếp. Làm tương không quá cầu kỳ nhưng cần sự khéo léo của các bà, các mẹ. Ở giai đoạn ủ mốc thì gạo nếp nấu thành cơm nếp cho mềm, dẻo, tơi xốp và ráo nước (khoảng 2,5 - 3 kg gạo nếp). Sau đó rải trên các nia, dưới lót lá chuối khô, lá sung hoặc lá khoai mì (lá sắn) để khỏi dính. Phủ lên trên một lớp vải xô sạch, và đậy một chiếc nia lên trên.

Nếu có mốc của đợt ủ trước thì trộn cho quá trình lên mốc được nhanh. Sau 3, 4 ngày mốc bắt đầu xuất hiện. Một tuần sau các sợi mốc phát triển chằng chịt, có mùi thơm của rượu. Khi mốc phát triển mạnh thì chuẩn bị làm nước đậu (còn gọi là nước chè). Rang vàng 3, 4kg hạt đậu nành rồi xay thành bột thô, cho vào nồi cùng 7, 8 lít nước, đặt trên bếp đun cho nhừ, mềm, bắc ra và để nguội. Đổ nước đậu vào một hũ sạch, đậy kín, để chỗ thoáng mát. Khi nước đậu đã được, cho tất cả lượng mốc vào khuấy đều, dùng nước đun sôi để nguội điều chỉnh cho vừa đủ thể tích từ 13 - 15 lít. Nêm muối, nếm vừa ăn. Dùng vải xô sạch bịt kín và đậy nắp hũ tương, đem phơi nắng. Thỉnh thoảng mở hũ tương, theo dõi và khuấy đều, rồi đậy lại như cũ. Sau 25 - 30 ngày là tương ngấu, ăn rất ngon, ngọt, màu vàng nâu hấp dẫn.

Hầu như những người phụ nữ quê tôi đều biết làm tương, những cô gái sắp về nhà chồng bao giờ cũng thể hiện sự khéo léo của mình bằng việc làm một mẻ tương sao cho từ vị đến màu đều hấp dẫn. Mẹ tôi làm tương rất khéo, hình như mẹ gửi gắm hết tình cảm của mình vào một món ăn truyền thống của miền quê trung du này, với hy vọng chồng con được ngon miệng trong bữa cơm sau những giờ lao động mệt mỏi. Đã có tương ắt có lọ dưa cà muối. Quê tôi hầu như vườn rau nhà ai cũng có một luống cà, mỗi mùa một giống cà nên chẳng mấy khi trong nhà lại không có món dưa cà. Khách nào đến chơi cũng được đãi món ăn dân dã quen thuộc và bình dị: cà dầm tương, từng đi vào câu ca dao mặn nồng tình yêu quê hương, đất nước.

Bây giờ đi học xa nhà, nhiều lúc thấy trời mưa to lại lo hũ tương của mẹ không được phơi đủ nắng, tương sẽ hỏng hoặc màu không vàng, không đủ ngọt. Những ngày mưa tôi lại nhớ về năm tháng tuổi thơ theo mẹ đi hái rau muống dưới ao, hai mẹ con chọn những ngọn rau mập nhất, non xanh nhất cho bữa cơm gia đình.

Mỗi lần trở về quê, tôi lại thấy mình hạnh phúc trong những điều bình dị, nhất là được quây quần trong bữa cơm gia đình để gắp từng gắp rau muống chấm ngập tương nếp vàng nâu hấp dẫn, hay bát dưa cà chua rua rúa.

Vũ Thị Huyền Trang