Trước thực trạng rau-củ-quả (RCQ) hiện nay, người tiêu dùng cần phải biết cách chọn lựa những sản phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Vậy làm thế nào để chọn lựa RCQ an toàn, đây là một vấn đề cần phải kết hợp nhiều yếu tố.
- Nguồn gốc RCQ:
+ Nên chọn những RCQ có nguồn gốc từ các đơn vị sản xuất theo qui trình rau an toàn (RAT), GAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hay VietGAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam)
+ Nên chọn những sản phẩm RCQ được đóng gói, dán nhãn và có các thông số kỹ thuật kèm theo Những sản phẩm này thường chỉ được bán ở các siêu thị nhưng giá cả không cao so với mặt hàng rau bên ngoài. Hạn chế chọn những sản phẩm RCQ nhập khẩu vì có nhiều nguy cơ nhiễm chất bảo quản.
- Chọn theo mùa vụ trong năm:
Mỗi loại RCQ thường có 2 vụ trong năm đó là vụ thuận và nghịch (trái vụ), người tiêu dùng nên chọn RCQ vào vụ thuận là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm (BVTV) ít.
Với vụ nghịch, cây trồng phải cần sự can thiệp của con người như tăng lượng ánh sáng vào ban đêm (cây thanh long), bứt lá (cây mãng cầu ta) Ở vụ nghịch, cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh nên phải dùng thuốc BVTV nhiều, mặt khác do thị trường hút hàng dẫn đến người trồng tăng cường phun thuốc kích thích sinh trưởng, hoặc không đảm bảo thời gian cách ly, nên RCQ có nhiều khả năng nhiễm dư lượng thuốc BVTV và thuốc tăng trưởng.
Mua rau xanh tại siêu thị có độ an toàn cao hơn mua ngoài chợ.
- Hình thức bên ngoài:
Nếu mua RCQ bên ngoài thì tuỳ theo từng loại RCQ mà có sự nhận biết khác nhau về RCQ không an toàn để tránh như:
+ Đối với rau ăn lá: Không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ hơi khằn một tí.
+ Rau ăn ngọn (rau lang, rau muống, đọt bầu bí) : không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, vì những bó rau này dùng thuốc kích thích sinh trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly, nếu mua về không dùng liền để ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5 10 cm.
+ Rau cải (cải xanh, cải trắng, cải thảo) : khi mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị dùng đạm quá nhiều, không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau rất cao, nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen, không nên mua.
+ Rau muống : không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn từ xa mặt trên của lá rau rất bóng và mướt, vì rau này dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá. Khi luộc rau, nước luộc khi nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen. Những loại rau này khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.
+ Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô): không nên mua bó rau ngọn dài và non, khoảng cách giữa các lóng xa nhau (ngọn vươn dài), tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen... là những loại rau bị bón thừa đạm, phun nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.
+ Rau cần: Khi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo, nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen... là loại rau bị phun quá nhiều phân bón qua lá và có khả năng còn dư lượng thuốc BVTV.
+ Đối với củ quả : không nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ, không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng.
+ Các loại quả đậu (gồm đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà lan, đậu ván...) : không nên mua những quả khi nhìn quả bóng nhẫy, ít lông tơ là do người trồng đậu đã bón nhiều đạm hoặc phun quá nhiều phân bón lá. Nếu quả đậu không có vết sâu bệnh là do người trồng đã phun quá nhiều thuốc trừ sâu bệnh và không đảm bảo thời gian cách ly.
Người tiêu dùng nên khắt khe khi chọn lựa thực phẩm cho gia đình, chỉ nên mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, như thế không chỉ bảo vệ gia đình mà còn tạo nên áp lực để các nhà sản xuất khác bắt buộc phải tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, nếu không sản phẩm sẽ không tiêu thụ được.
Theo NguoiLamVuon