30 tháng 4, 2010

Vị cay trong món ăn Trung Quốc

Nhắc tới thế giới ẩm thực ta không thể không nhắc tới nền văn hoá ẩm thực Trung Hoa với hàng nghìn năm lịch sử. Bạn đã từng thưởng thức món ăn nào của Trung Quốc chưa? Chúng hấp dẫn bạn ở hương, sắc, vị hay cách bày trí nghệ thuật? Riêng tôi thật khéo có duyên với những món ăn Trung Quốc và bị cuốn hút ngay bởi vị cay độc nhất vô nhị ấy.

“Cay” là một trong năm vị chủ đạo trong các món ăn của người Trung Hoa. Vị “mặn” , “chua”, “đắng”, “ngọt” có thể cho ta một cảm giác dễ gọi tên nhưng vị “cay” thì khác hẳn, nó vốn mang trong mình tính phức tạp, chỉ mon mem ở đầu lưỡi thôi chưa đủ, chỉ khoảnh khắc thôi chưa hết, mà nó khiến ta mê mẩn, lâng lâng đến mãi về sau. Vị cay chạm vào đầu lưỡi, đi sâu vào cổ họng, rồi lan toả cực mạnh lên mũi khiến mắt cay xè. Người ta thường nói liền “chua cay” để chỉ vị “cay ” song nếu đã được nếm các món ăn Trung Quốc chắc chắn bạn sẽ thấy thực tế chua cay là hai vị hoàn toàn khác biệt, không thế nào có sự nhầm lẫn “hai trong một” ấy được

Nói tới vị cay là nói tới nét ẩm thực riêng biệt của các tỉnh phía Tây Trung Quốc như: Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Quý Châu.... Theo quan niệm truyền thống, đồ ăn cay mang tính dương có tác dụng làm giảm đi độ “hàn” trong thức ăn, bảo vệ cơ thể tốt hơn.Vị cay không tự nhiên mà có, nó chỉ xuất hiện khi trong các món ăn có ớt, hạt tiêu. Từ xa xưa món ăn Trung Hoa đã xuất hiện ớt nên nhiều người lầm tưởng nơi đây là quê hương của ớt. Trên thực tế nó có nguồn gốc từ châu Mỹ vào cuối thời nhà Minh. Giai đoạn đầu ớt chỉ được dùng làm cảnh hay làm thuốc, thời gian sau từ Quý Châu lan sang các tỉnh lân cận và ớt đã thực sự trở thành “ớt ẩm thực”

Tiêu biểu cho các món ăn cay là mảnh đất Tứ Xuyên. Món ăn Tứ Xuyên không thể tách rời với ớt, hoa tiêu và hạt tiêu. Có khá nhiều cách sử dụng ớt và rất linh hoạt, khi thì dùng làm nguyên liệu chính, khi thì chỉ dùng làm phối liệu, nhưng phần lớn là dùng làm gia vị

Cho tới ngày nay, vị cay không còn là độc chiêu của ẩm thực Tứ Xuyên nữa mà một số tỉnh phía Nam như: Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây... đều có các món ăn cay mang màu sắc phong phú. Nếu Tứ Xuyên chuộng cay tê, thì Quý Châu thích cay thơm như vị quế, Thiểm Tây thích cay mặn, còn Hồ Nam lại thích cay chua

Theo nhịp sống hiện đại mặc dù ẩm thực phương tây đang xâm nhập mạnh mẽ vào các thành phố lớn Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Quảng Châu.. nhưng hương vị độc đáo đặc sắc của món ăn cay Trung Hoa vẫn mang sức sống bất diệt.

MonngonHanoi.com