Một nơi “tập kết” sữa đậu nành trước khi chuyển đi bán khắp nơi bằng xe đẩy.
Thông tin từ các bệnh viện cho hay, đã tiếp nhận một số ca ngộ độc do uống sữa đậu nành bán rong. Thông tin từ các cơ quan chức năng cho hay, đã phát hiện một số vụ buôn bán sữa đậu nành không rõ nguồn gốc…
Tuy nhiên, mùa nắng hay mưa, các xe sữa đậu nành vẫn nối đuôi nhau dọc các hàng quán ven đường, các bến xe, nhà ga, trường học, bệnh viện, công viên… người bán kẻ mua vẫn tấp nập.
Chúng tôi đã có cuộc điều tra về công nghệ sản xuất làm sữa đậu nành bỏ mối cho các chợ ở quận Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 5… và rùng mình vì sự mất vệ sinh của những nơi sản xuất này.
Nhưng càng kinh hoàng hơn khi biết sự thật của công thức: Ngon-bổ-rẻ của sữa đậu nành bán rong.
Nấu sữa bên... nhà vệ sinh
Trong vai một người đi học nghề nấu sữa đậu nành để kiếm sống, tôi đến một lò nấu đậu ở phường 16, quận Gò Vấp để xin học nghề. Sau nhiều lần năn nỉ, ông chủ lò đồng ý cho tôi học nghề với thời gian thật khắc nghiệt.
Ông chủ lò nói: “Công việc đơn giản thôi, bắt đầu từ 17 giờ chiều ngâm đậu, sau đó thì xay đậu, rồi nhóm lò để nấu sữa cho đến sáng sớm hôm sau…”.
Tôi hăm hở bắt tay vào việc vì nghe quy trình… chế biến có vẻ đơn giản. Do mới “nhập môn” nên ông chủ giao tôi cho anh Ngọc-một nhân công của lò để anh hướng dẫn việc… chẻ củi.
Vừa thao tác chẻ những thanh củi nhỏ, anh Ngọc vừa giảng giải: “Vì lò nấu bằng than đá nên phải có củi, dầu hôi và túi ni lông để “mồi””.
Chiếc lò lớn được nhóm lên, màn khói đen dày đặc và mùi hôi của túi ni lông cháy bốc lên nồng nặc. Màn khói đen vừa tan ra, tôi nhìn kỹ khu vực sản xuất. Đó là một căn phòng chừng 30m2, từ lò nấu đậu, máy xay đậu, kệ để ép đậu, đến thùng để chứa sữa và nhà vệ sinh đều… ở chung một chỗ.
Cũng chừng đấy diện tích, 4 bức tường của căn phòng này gói ghém các loại mùi. Từ mùi chua của đậu ngâm, mùi khói của than đá, mùi hôi của các vật dụng không rửa, mùi khét của dầu chiên đậu hũ, loại dầu chiên được xài hoài cả tháng đến mùi khai của nhà vệ sinh... Các nhân công của lò đều mang ủng và… mặc quần đùi vì lò luôn ngập nước và nóng bức.
Đến khoảng 2-3 giờ sáng, các đại lý bán ở các chợ đã đến lò í ới gọi lấy hàng đem đi bỏ mối. Những nhân công vẫn tiếp tục nấu mẻ kế tiếp cho đến sáng hẳn.
Ngồi canh lửa cho lò, anh Ngọc khuyên tôi: “Nghề này vất vả lắm em học làm gì? Công nhân ở đây cứ làm vài ba ngày là bỏ vì chịu không thấu. Nhưng bám trụ được thì cũng có tiền lắm!”.
Tôi hỏi “Sao có tiền anh không ra làm riêng mà làm công chi cho cực?”. Anh Ngọc nói: “Vì các ông chủ có mối lái, phân chợ, khu vực hết rồi, mình ra sao được”.
Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh Ngọc cười không nói. Nhưng khi nghe tôi tấm tắc: “mình nấu sữa dơ vậy mà bán cũng ngon quá hén”. Anh ra vẻ bí mật, nói: “thấy dzậy chứ hỏng phải dzậy đâu nghen…”.
Sữa ngon nhờ... hóa chất
Anh Ngọc kể, chế biến một lít sữa đậu nành ngon, bổ dưỡng và đủ chất dinh dưỡng thì tự nấu ở nhà và phải mất nhiều thời gian, nên các chị các mợ đều ra chợ mua về uống.
Anh nói: “Đọc báo thấy bác sĩ nói sữa đậu nành chỉ thật sự ngon, bổ dưỡng nếu chế biến đúng cách. Để có 1 lít sữa đậu nành thì phải có 200 gram đậu nành + 20 gram đậu phộng (lạc) + 20 gram đường cát + 1 lít nước. Nhưng chỉ với 2.000-3.000đồng cũng mua được 1 lít sữa đậu nành bán ở bên ngoài. Hỏi chú mày sao giá rẻ vậy mà chủ vẫn lời?”.
Thấy ông chủ bỏ một gói bột màu trắng vào trong nồi sữa đang sôi, tôi hỏi anh Ngọc thì anh thì thầm bảo, đó là bí quyết của ông chủ. Rồi anh cười hì hì, nói: “Em làm lâu khắc biết chứ hỏi chi nhiều chủ la cho”.
Sau vài lần cà kê và chiêu đãi anh Ngọc vài chai bia Sài Gòn, tôi nỉ non với anh: “Em muốn học nghề đặng ra riêng”.
Anh Ngọc tiết lộ: “Muốn cho sữa uống có mùi thơm và béo thì em chỉ việc ra chợ Kim Biên hỏi mua bột béo nấu sữa đậu nành, mà muốn thơm ngậy mùi sữa đậu nành làm mê lòng khách nữa thì hỏi mua thêm viên hương đậu nành. Giá chỉ vài ngàn đồng thôi, nhưng em lời nhiều lắm”.
Để làm yên lòng tôi, anh nói như trút hết tâm can: “Em cứ tính thử mà xem, vật giá leo thang, cái gì cũng tăng giá nhưng những món bình dân tăng lên thì ai mua, bởi vậy em làm lò nấu sữa đậu nành bán thì phải ngon-bổ-rẻ người ta mới mua chớ.
Mà, nghe nói là ngon bổ rẻ nhưng có ai biết là ở lò người ta nấu làm sao đâu. Em biết ông chủ bỏ bột vào nồi đang sôi sùng sục trước khi múc ra các thùng chứa sữa cho các đại lý đến lấy để làm gì không? Nếu nấu đúng như công thức thì ngon nhưng bị lỗ, nên ổng phải đổ nhiều nước (pha loãng) mà đổ nhiều nước thì đâu còn là sữa, ổng phải bỏ bột béo vô để có mùi đậu nành.
Còn nếu bữa nào trời nóng, hoặc bán cho mấy quán ăn, ổng bỏ thêm ít phụ gia làm cho sữa lâu hư. Tôi gặng hỏi thêm về loại chất mà ông chủ bỏ vào sữa để lâu hư. Anh Ngọc lắc đầu nói: “Mấy chất này thì chỉ có ông chủ biết thôi vì ổng tự đi mua và gia giảm chứ anh có biết nó là cái giống gì đâu…”.
Theo lời anh Ngọc và các nhân công của lò mà tôi đang theo học, do nấu sữa bằng những phương pháp “sáng tạo” đó nên ông chủ của chúng tôi nhanh giàu lắm.
Một chị chuyên rửa đậu kể: “Ổng mua được mấy cái nhà cho thuê rồi đó nhưng không chịu xây xưởng lớn đâu. Một tạ đậu, trừ hết chi phí mỗi ngày ông chủ kiếm được cả triệu đồng đó”.
Một điều đặc biệt là tại lò sữa, tôi không hề thấy ai uống sữa. Nhìn những tấm thân còm nhom của nhân công lò, tôi hỏi họ: “Sao mình làm đậu nấu sữa ngon bổ vậy mà không ai uống cho mập”, thì anh Ngọc kêu lên: “Trời! Có gì mà bổ béo hả, toàn nước với phụ gia… “chất béo””.
Anh Ngọc cho biết, không chỉ lò anh đang làm, những lò chung quanh đây cũng vậy, khi nào muốn uống sữa thì mọi người nấu riêng ra chứ nấu như vậy mà uống thì có ngày... vào bệnh viện.
Để minh chứng cho lời mình nói, những nhân công ở đây chỉ cho tôi nhân chứng là bà hàng xóm của lò, mua mấy bịch sữa đậu nành ở chợ về cho con uống nhưng đến tối phải đưa con vô bệnh viện vì… bị tiêu chảy.
Tai họa từ chất phụ gia
Bất ngờ trước công thức cho lời giải ngon-bổ-rẻ từ sữa đậu nành, tôi lần ngược về các bệnh viện để tìm hiểu.
Chị Cao Thị Hoa (23 tuổi, công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM) mẹ của bệnh nhi Trần Văn T. (18 tháng tuổi) đang điều trị tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM kể lại:
“Lương công nhân thấp nên chị thường mua sữa đậu nành bịch ở gần nhà cho bé uống và mua thêm gửi ở nhà người giữ trẻ để cho bé uống buổi trưa và chiều. Bé uống thường xuyên nhưng đợt này thì bị tiêu chảy phải nhập viện”.
Theo lời của một bác sĩ ở Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết: “Sữa đậu nành được bán lít, bịch bên ngoài và nấu theo kiểu thủ công, không đúng cách và không được kiểm tra về độ đậm đặc thì sữa đậu nành này không phải là nước uống dinh dưỡng mà chỉ là một loại nước giải khát thông thường. Nhưng nếu nấu bằng các chất phụ gia thì quả là tai họa…”.
Trước đây, tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm từng khuyến cáo, người tiêu dùng nên sử dụng sữa đậu nành được sản xuất theo quy trình công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt phải lưu ý đến thời hạn sử dụng.
Sữa đậu nành đóng túi ni lông chỉ nên dùng trong ngày, và chỉ nên dùng loại màu trắng đục và thơm mùi đậu tương; nếu có mùi chua và xuất hiện váng thì phải bỏ.
Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan chức năng, trên 70% số sữa đậu nành đang tiêu thụ trên địa bàn TPHCM có xuất xứ từ các cơ sở tư nhân, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các sản phẩm sữa đậu nành được bày bán tràn lan ở các bến xe, nhà ga, quán nước vỉa hè, các cổng trường học, bệnh viện…, tất cả đều có màu trắng đục và thơm mùi đậu tương, nhưng không ai có thể biết được màu trắng đục và mùi đậu tương đó được chế biến từ đậu nành hay chất phụ gia.
Theo Trung tâm chống độc, phần lớn các trường hợp ngộ độc vì sữa đậu nành kém chất lượng điều trị tại đây đều do tụ cầu vàng gây nên. Khuẩn tụ cầu vàng thường có ở da tay người khỏe mạnh, gần 5% số người được điều tra có khuẩn này.
Khi tiếp xúc với nguyên liệu hoặc sản phẩm thực phẩm như sữa đậu nành, thịt, nếu người bán hàng không rửa tay hoặc bị sổ mũi, ho, viêm họng... thì nguy cơ thức ăn nhiễm tụ cầu vàng từ họ rất cao.
Bên cạnh đó, tình trạng vệ sinh chung không bảo đảm cũng dễ làm tăng nguy cơ nhiễm tụ cầu vàng từ nguyên liệu, dụng cụ và tay công nhân chế biến.
Thức ăn chế biến ở những nơi này có lượng tụ cầu khuẩn nhiều gấp 4 lần so với nơi vệ sinh tốt.
Theo Tiền Phong
Phụ chú : Sữa đậu nành ngon, bổ dưỡng và đủ chất dinh dưỡng thì tự nấu ở nhà. Có mất thời gian nhưng an toàn cho người thân. Mời quý bạn xem link Video học nấu sữa đậu nành