14 tháng 7, 2008

Các món ăn chay độc đáo ở Tây Ninh


Thông thường, người ta chỉ ăn chay vào mùng một và ngày rằm hàng tháng. Còn ở Tây Ninh, mỗi kỳ ăn chay dài đến gần chục ngày. Chính vì thế mà món chay ở vùng đất này cũng đa dạng và đầy hấp dẫn.

Có thể nói không nơi đâu trên đất nước Việt Nam, món chay lại đa dạng và số người ăn chay nhiều như ở Tây Ninh, do người dân ở đây đa phần theo đạo Cao Đài và đạo Phật. Không chỉ ăn chay theo mùa, nhiều tín đồ Cao Đài chọn ăn chay trường như là một cách để tu hành tại gia và mang lại sự tĩnh tâm, cân bằng cho cuộc sống của họ. Chính vì vậy, các món ăn chay được bày bán hầu như là quanh năm suốt tháng và các quán chay cũng rất phong phú ở Tây Ninh.

Nhiều du khách khi đến thị xã bé nhỏ này đã ngạc nhiên khi vất vả lắm mới kiếm được một quán ăn mặn trong khi tìm quán ăn chay lại rất dễ dàng. Nhiều người cho rằng người xứ này ăn chay trường nhiều, tu tại gia nhiều nên nói chung rất lành tính và thân thiện.

“Ăn mặn có món nào thì ăn chay cũng có món đó!” và giữa chúng chẳng có gì khác nhau nhiều. Cách nấu, cách chế biến làm cho các món chay cũng có hương vị như các món mặn, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho thực khách, vừa làm cho các món chay bớt đơn điệu hơn” - người phụ nữ được gọi là má Bảy, một người chuyên buôn bán món chay ở chợ Long Hoa - chợ trung tâm của thị xã Tây Ninh cho biết.

Món ăn chay ở Tây Ninh cũng có nhiều “trường phái”. Ở các tiệm ăn chay, các hàng bán đồ chay thì món ăn được chế biến nhìn thoạt qua giống hệt các món ăn mặn. Nguyên liệu chủ yếu là các loại rau quả, củ, đậu hũ, tàu hũ ky, mì căn, bột mì, bột gạo… nhưng nhờ cách chế biến khéo léo mà các món giả mặn ngon chẳng khác gì món mặn thật sự. Chẳng hạn món vịt tiềm được làm từ nấm rơm, tàu hũ ky, hành tỏi, mì căn, lại còn được bó thành con vịt với chiếc cổ cong cong, đầu có gắn hai hạt tiêu làm mắt. Con “vịt” đó được quay đến khi có màu vàng thì đem nấu tiềm với củ sen, táo tàu.

Món heo quay được làm từ… bánh mì, bên trong là mỡ được làm từ bột gạo nhồi nước cốt dừa đánh nhuyễn cho đông đặc lại, còn thịt nạc là tàu hũ ky trộn gia vị hấp chín. Gắn các phần lại với nhau, món heo quay khi ăn cũng giòn, béo, thơm ngậy như thịt heo quay thật. Trong quán ăn chay còn có cả những thức nhậu rặt đồng quê như chuột xào lăn được chế biến từ mì căn, củ sen, hành tây bằm nhỏ, đổ vào dầu xào chín, trộn thêm củ hành, sả, ớt, nấm hương, nấu xong để xúc ăn với bánh tráng.

Món tôm kho tàu được làm từ tàu hũ, nắn thành hình dạng con tôm, lấy tàu hũ ky làm đầu râu và chân tôm, phết màu đỏ thực phẩm lên mình tôm rồi chiên vàng, sau đó đem kho. Các món nem, gỏi, chả, bì… cũng chẳng thiếu.

Người dân Tây Ninh thuần chất Nam bộ nên khẩu vị cũng được giữ gần như nguyên bản đặc trưng của món ăn Nam bộ, đặc biệt là vị ngọt. Món chay ở Tây Ninh ngọt hơn hẳn các món chay ở Sài Gòn hay các vùng khác thuộc miền Đông Nam bộ, đã vậy còn khá cay. Đồ chay ở đây vẫn đáp ứng được tập quán và nhu cầu thích ăn mắm của người dân Nam bộ. Món chay ở Tây Ninh có đủ loại mắm: mắm kho, mắm thái, mắm chưng, dưa mắm…, ăn qua y chang mắm chính hiệu, chưa kể màu sắc và từng miếng thịt cá được làm rất giống cá thật.

Người dân thị xã và một phần huyện Hòa Thành mỗi tháng ăn chay mười ngày để lòng thanh tịnh. Chính vì thế, trong những ngày này, gần như cả thị xã đều bán đồ ăn chay. Ngay chợ Long Hoa - chợ lớn nhất ở Tây Ninh cũng bán rặt mỗi món chay, phần để phục vụ người dân, phần vì các tiểu thương không dám bán đồ ăn mặn hoặc thực phẩm tươi sống trong những ngày này vì sợ… ế!

Riêng món chay ở trong chùa tòa thánh thì khác hơn. Vào các ngày mùng 8 Âm lịch, 14 và 15 (ngày rằm), 30 và mùng 1, trong chùa làm lễ và hầu hết các tín đồ vào chùa để lễ Phật. Sau khi lễ xong, mọi người sẽ ở lại và dùng bữa tại chùa. Chùa nấu các món chay để phục vụ đông đảo tín đồ hoàn toàn miễn phí. Món ăn trong chùa đơn giản, chỉ là cơm, canh bí đỏ, rau muống luộc và nước tương, có khi bổ sung đậu hũ chiên, đậu phộng rang giòn, cà tím nướng mỡ hành và cơm chiên. Các món ăn dù đơn giản nhưng thực khách vẫn cảm thấy ngon miệng vì không khí ở chùa rất vui vẻ và mọi người cùng chia sẻ nhau bữa cơm như cùng hưởng món quà của chùa.

Người Tây Ninh vẫn thường kháo nhau về các món ăn khá hấp dẫn như cháo chay và lẩu chay. Lẩu chay được nấu từ nấm rơm, nấm đông cô và các loại rau củ như cải thảo, bắp bao tử, đậu hũ ky. Lẩu chua thì nấu bằng lá giang hoặc me và trái thơm. Món cháo chay được nấu từ gạo thơm, đậu xanh và nấm, vừa bổ dưỡng vừa giải nhiệt rất tốt. Ở xứ nóng như Tây Ninh, món cháo chay dường như trở thành tuyệt phẩm để giải nhiệt.

Các tiệm chay nổi tiếng ở Tây Ninh có tuổi đời cũng đã vài chục năm, như Phở Bửu Minh ở gần cửa số 2 của Tòa thánh, cơm chay Long Hoa gần cửa số 4 Tòa thánh, cơm chay Phước Huệ... Du khách gần xa đến nơi này thường tìm đến các quán đó để thưởng thức các món chay.

Đến Tây Ninh mùa Phật đản này để thưởng thức các món ăn chay độc đáo, để hiểu rõ hơn về một vùng đất hiền lành chân chất, thật thà và mến khách.

Theo MạngDuLịch