28 tháng 2, 2009

Món ăn chơi : Bánh Đúc đậu phộng, Bánh Bông Lan ,Bánh Choux Crème


Vật Liệu

6 bát nước (bát ăn cơm)
1/4 muỗng hàn the
½ muỗng muối
1 muỗng canh dầu ăn
1 gói bột gạo

Cách Làm

Lấy một chút nước ở 6 bát đã đong, cho vào chén bóp cho kỹ với vôi, chắt nước bỏ cấn lại. Đổ tất cả chung với nhau trộn đều, bắc lên bếp vặn lửa lớn cho đặc keo lại đậy vung khoảng 15 phút (vặn nhỏ lửa) rồi lật ở đáy lên để 15 phút nữa là được, không cần phải quậy luôn tay.
Đâu phộng ngâm một đêm sáng luộc mềm trộn vào bột.

Sau khi đã nấu chín các bạn đổ ra khay, cắt miếng ăn với tương Cư Đà hoặc nước dùng chanh ớt cũng ...... ngon lắm.

Bánh Bông Lan

Vật Liệu:
1 một chén trứng
1 chén đường
1 chén bột mì (All purpose flour)
1 trái cam tươi (vắt lấy nước)
1 thìa Vanille
1/3 thỏi bơ.

Cách Làm:

Đánh trứng với đường cho nổi, cho bột vào từ từ đánh bằng máy cho tan , cho nước cam vào, sau cùng cho bơ (nhớ để bơ cho mềm) đánh nhiễn đổ vào khuôn, nhớ vặn lò nóng trước 5 phút lò vặn 350 độ F nướng khỏang 30 phút là được.

Bánh Choux Crème

Vật Liệu:

3 trứng gà lớn
1 cup bột Unbleached
1/2thỏi bơ (Butter có muối)
1 cup nước lạnh
Cách Làm:

Đổ một cup nước vào trong song, bỏ bơ vào đun cho tan bơ xong tắt bếp, rây bột vào quậy đều xong bắt đầu cho từng quả trứng vào đánh bằng máy cho tan đều xong nướng. khuôn phải bôi ít bơ vào cho khỏi dính, lấy douille tròn thứ to số 1 A để bắt bánh,quấn tròn chồng lên trên cao một chút, nhớ quấn cho sát vào nhau, đừng để khoảng trống ở giữa, lấy 2 lòng đỏ trứng gà và 2 muỗng càphê nước lạnh quấy cho tan, nhúng chổi vào trứng quét nhẹ lên bánh cho đều, đem bỏ vào lò nướng cho vàng đều là được, đem ra để lên vỉ cho nguội. Lò phải vặn sẵn trước khi nướng bánh 5 phút, vặn lò 350 độ F. Nướng khoảng 25 phút là được.

Nhân Bánh:

Sữa tươi 400gr
Đường 100gr
Bột mì (Unbleached) 60gr
Bơ Landolake lightly salted 40 gr
trứng gà 2 cái
Vanille một chút
rượu rhum 2 thìa nhỏ.

Cách Làm:

Sữa tươi, đường, vanille, đem đun âm ấm để nhỏ lửa, bỏ bột mì vào chén múc chút sữa vào quậy cho tan bột mì, đập trứng vào chén khác đánh trứng cho tan, cũng múc chút sữa vào quậy cho đều, đổ chén bột mì và chén trứng vào nồi sữa khuấy luôn tay bao giờ thấy đặc là được, cho bơ vào khuấy đều, nhắc xuống để nguội cho rượu rhum vào.

Lấy dao cắt nhẹ nhẹ trên đầu bánh 1/3 đừng cắt đứt lấy douille 5 cánh mà bắt kem vào bánh cho đẹp. Mỗi recette nay được 22 cái bánh.

Kim Thoa

27 tháng 2, 2009

3 món dưa chua : Dưa cải cay , Dưa giá , Dưa cần - bắp cải


Món dưa muối thực ra rất dễ làm. Chỉ cần mươi phút siêng năng, bạn đã có hũ dưa chua để ăn kèm với các món khác, hoặc nấu món canh theo món Bắc thật là hấp dẫn. Mời bạn cùng trổ tài "khéo tay hay làm" cùng chúng tôi.

Cách làm nước muối dưa

Công thức chung là 3 muối - 1 đường (1 lít nước cho ba thìa súp muối bột và 1 thìa súp đường). Nấu hỗn hợp muối đường cho sôi và tan hết, sau đó để thật nguội và đổ vào hũ sao cho ngập nguyên liệu. Để từ 1 đến 3 ngày (tùy loại dưa), khi dưa có màu xanh ngả vàng là dùng được.

- Muối là nguyên liệu chính để muối dưa. Nếu nhiều muối, dưa sẽ mặn và lâu chua. Ít muối, dưa sẽ bị ủng và hỏng. Trong trường hợp này, bạn nên thêm muối và ít hành lá, nếu sớm, có thể chữa được.

- Đường giúp dưa vàng đẹp và mau chua, nhưng đừng cho nhiều quá.

- Mọi món dưa đều không thể thiếu hành. Hành nhiều, dưa sẽ thơm và không úng.

- Nước dưa phải ngập mặt dưa. Nên gài bằng miếng nhựa cho dưa chìm dưới nước, nếu không, lớp dưa trên mặt sẽ bị thâm đen.

- Hũ đựng dưa phải sạch. Đồng thời, khi gắp dưa ra ăn, bạn cũng phải dùng đũa sạch, không dính thức ăn. Như vậy, phần dưa còn lại mới không bị hư kháng, nổi váng trắng trên mặt. Nếu dưa bị kháng, hãy vớt bỏ lớp váng trắng và thêm hành lá vào.

Bạn có thể gạn lấy riêng nước trong để làm dưa mới. Khi ấy, bạn chỉ cần nêm thêm muối cho vừa mặn, không cần thêm đường. Nêm nước dưa vừa chua mặn là được. Nhớ thêm hành cho dưa mới. Bạn có thể muối dưa rau muống, rưa củ cải... theo cách làm tương tự.

Dưa cần - bắp cải

Nguyên liệu

Cần nước (chọn loại màu xanh), bắp cải trắng, rau răm, ớt quả, hành lá, hành tím, nước muối dưa.

Thực hiện

Cần nhặt bỏ lá và rễ, rửa sạch, cắt khúc khoảng 5cm. Bắp cải xắt sợi hơi dày. Rau răm xắt nhuyễn. Hành lá cắt khúc. Ớt xắt khoanh. Cho tất cả vào hũ, đổ nước muối vào ngập mặt dưa.

Dưa giá

Nguyên liệu

Giá, hẹ, cà rốt, hành lá, nước muối dưa.

Thực hiện

Giá bỏ gốc. Hẹ rửa sạch, cắt khúc dài cỡ cọng giá. Cà rốt, gọt võ, thái mỏng rồi xắt sợi. Hành lá cắt khúc. Cho tất cả vào hũ, đổ nước muối vào ngập mặt dưa.

Dưa cải cay

Nguyên liệu

Cải cay, hành lá, hành tím, ớt sừng đỏ, nước muối dưa.

Thực hiện

Cải nhặt lá sâu, rửa sạch, cắt khúc khoảng 5cm. Hành lá xắt khúc. Ớt xắt khoanh. Cho tất cả các nguyên liệu gồm cải cay, hành lá, hành tím, ớt vào hũ, đổ nước muối vào ngập mặt dưa.

Theo Món Ngon

26 tháng 2, 2009

Canh lá sakê & Súp nấm linh chi

Nguyên liệu:

- ½ lá sakê
- 2 trái đậu bắp
- 5 đọt ổi
- 1 miếng đậu hủ non
- Muối

Cách làm:

- Lá sa kê, đậu bắp, đọt ổi non rửa sạch. Lá sa kê thái sợi, đậu bắp xắt khúc.

- Đậu phụ bóp nát hoặc cắt miếng vuông vừa ăn

- Bắt nồi nước lên bếp, đợi nước sôi già cho đậu phụ và đậu bắp vào, khoảng 2 phút sau cho tiếp lá sa kê, đọt ổi vào, nêm muối, hạt nêm cho vừa ăn, nhắc xuống ngay

- Dùng nóng với cơm.

Vật liệu
- 200g nấm linh chi tươi.
- 1 củ cà rốt, tỉa hoa, xắt lát mỏng.
- 3 chén nước dùng (nấu từ rau củ).
- Hạt nêm chay, dầu mè trắng.
- Tiêu, ngò.

Thực hiện
- Nấm cắt gốc, ngâm nước muối loãng, rửa sạch để ráo.
- Nấu sôi nước dùng, cho cà rốt vào, nêm gia vị, thả nấm vào.
- Bột bắp pha loãng với nước, đổ từ từ vào nồi súp để sền sệt. Tắt bếp.
- Múc ra chén, cho dầu mè, tiêu, ngò vào.

25 tháng 2, 2009

Nghệ Thuật Ăn Uống : 6 điều cơ bản dành cho người ăn chay


Ăn uống còn là một nghệ thuật của sự thưởng thức. Ăn uống đúng cách sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh. Dưới đây là 6 điều cơ bản dành cho người ăn chay để có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.

1. Thay đổi thực phẩm thường xuyên:

Không một món ăn nào cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, do đó, chúng ta nên dựa vào tỷ lệ dinh dưỡng chay để có một ý niệm khi chọn mua thực phẩm. Đồng thời chú ý cả cách nấu ăn cũng là một vấn đề quan trọng. Nên đơn giản hóa việc nấu ăn mà vẫn đảm bảo thức ăn ngon và đầy đủ năng lượng.

2. Cần Quân bình giữa ăn uống và tập luyện thể dục

Một trong những điều cần thiết chúng ta phải làm là tạo thói quen ăn uống tốt. Nhưng tập luyện thể dục để tiêu năng lượng dư thừa là chuyện quan trọng không kém vì nếu không, cơ thể chúng ta sẽ dễ dẫn đến tình trạng béo phì, từ đó xuất hiện một số bệnh: cao áp huyết, tai biến mạch máu não và tiểu đường. Nên tập thể dục mỗi ngày từ 30 phút đến 1 giờ, 5 lần mỗi tuần sẽ giúp cơ thể tránh được tứ độc, hay ít nhất làm giảm đi sự nguy hại của tứ độc. Thể dục còn làm cho xương cốt được cứng cáp, tim mạch được khỏe mạnh, bắp thịt dẻo dai; giúp cho tinh thần sảng khoái, bớt lo âu hồi hộp, bớt bị trầm cảm; tăng sự tự tin và cảm thấy khỏe mạnh yêu đời, giúp dễ ngủ.

3. Bớt ăn muối

Sodium là loại muối dùng hàng ngày để nêm vào thức ăn, nếu dùng nhiều có thể đưa đến bệnh cao áp huyết. Thức ăn có nồng độ muối cao là các món kho, các món phơi khô, các loại mắm, đồ hộp... Khi nấu thức ăn trong nhà nên tránh nêm nhiều muối.

4. Tránh thức ăn chứa chất béo bão hòa (saturated fat) và cholesterol

Có thể bạn chưa biết

Những chất béo dư thừa, nhất là choleste-rol ứ đọng ở thành mạch máu làm mạch máu nhỏ hẹp dần, đưa đến bệnh tai biến mạch máu não.

Nên hạn chế bớt chất béo thế nào cho tỷ lệ chất béo trong thức ăn chiếm khoảng 15% năng lượng hàng ngày. Chất béo cung cấp năng lượng và cũng là chất trung gian khiến sinh tố A, D, E, và K được hấp thụ qua vách ruột. Những chất béo dư thừa, nhất là cholesterol ứ đọng ở thành mạch máu làm mạch máu nhỏ hẹp dần, đưa đến bệnh tai biến mạch máu não. Nên dùng dầu thực vật để nấu nướng, nhất là dầu olive hay Canola. Nên giảm ăn trứng. Một lòng đỏ trứng cho khoảng 200mg cholesterol.

5. Bớt ăn chất ngọt

Ðường là tiếng gọi thông thường của glucose hay carbohydrate, là một trong ba thành phần dinh dưỡng của cơ thể. Người Việt Nam cũng như các dân tộc Á Châu khác ăn nhiều đường hơn người Tây phương qua dạng tinh bột như: cơm, bún, mì sợi hoặc bánh mì. Những thức ăn khác cho chất đường là: sữa, trái cây, rau và hạt. Khoa học đã chứng minh rằng ăn nhiều đường không liên quan gì đến bệnh tiểu đường mà chỉ liên quan đến bệnh mập phì. Vì vậy, nên giảm bớt ăn ngọt, nếu thích thì phải tăng cường vận động thể dục thể thao để tiêu hao năng lượng dư thừa.

Tuy nhiên, đường, muối và cholesterol đều cần thiết cho cơ thể, không có đường thì không có năng lượng, không có muối thì không có hoạt động, không có cholesterol thì không có kích thích tố (hormone). Hãy nhớ chúng là "bạn" nhưng nếu dùng quá nhiều thì sẽ trở thành "kẻ thù" gây cho ta nhiều bệnh nguy hiểm.

6. Giảm ăn Junk food

"Junk food" là tiếng lóng để chỉ những đồ ăn có mức dinh dưỡng thấp nhưng lại có quá nhiều chất không tốt như: đường, mỡ, và muối có hại cho cơ thể. Những món "junk food" thông thường phải kể là: khoai tây chiên (French fries), pizza, bánh kẹo, các loại chip, các loại snack food... Những món này không nên dùng thường xuyên dễ bị mập và cao mỡ, cao máu. Các thức uống ngọt như: Coca, Pepsi,... cũng được xem là Junk Food. Các món chè có quá nhiều đường, có lẽ cũng nên xếp vào loại Junk Food.

Điều quan trọng là làm thế nào điều hòa thức ăn và tập luyện thể dục cho cân bằng mức cung - cầu của cơ thể. Nói thế không có nghĩa là áp dụng một cách máy móc, nên làm thế nào để ăn uống một cách thoải mái, không quá gò bó mà vẫn cung cấp cho mình lượng dinh dưỡng vừa đủ, đó cả là một nghệ thuật và có tính chất cá nhân.

Theo thuvienhoasen

24 tháng 2, 2009

Phụ nữ và sắc đẹp : để có làn tóc óng mượt và da dẻ mịn màng

Khi ăn chay đầy đủ và đúng cách, con người sẽ có làn tóc óng mượt và da dẻ mịn màng. Tiến trình lão hóa cũng sẽ chậm lại và các bệnh tật ở lớp tuổi về chiều như: thấp khớp, đục thủy tinh thể, da nhăn và tóc bạc cũng giảm thiểu...

Vai trò của làn da

Thực ra da của con người được cấu tạo bởi hàng triệu triệu các tế bào nhỏ li ti giống như các bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên, các tế bào này không thể chỉ được coi như các viên gạch để tạo thành những bức tường trong một ngôi nhà đồ sộ, mà chúng luôn luôn bận rộn với nhiều chức năng khác nhau như: hàn gắn các vết thương và những trầy xước, cũng như sẵn sàng đối phó với sự tấn công của môi trường chung quanh, ánh nắng mặt trời, các chất hóa học, rượu và thuốc lá...

Các tế bào da tuy mỏng manh nhưng chúng có sức sinh sản rất nhanh chóng bằng cách tự trực phân và tăng trưởng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, sự phát triển đó đến một mức độ giới hạn cũng phải dừng lại. Trung bình một tế bào có thể tự trực phân như vậy tối đa là 50 lần. Nhưng khoảng cách thời gian giữa hai lần trực phân mau hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà phần lớn tùy vào sự ăn uống và sức khỏe.

Sự quan trọng của việc ăn uống đối với da

Có thể bạn chưa biết?

Nếu chúng ta không tự săn sóc da của mình, để cho chúng luôn chạm trán với những tác hại từ môi trường và từ sự ăn uống bừa bãi thì tế bào da phải tăng trưởng nhanh chóng để thay thế các tế bào bị hủy hoại. Cho nên thời gian cạn kiệt các tế bào mới sẽ nhanh hơn, và tiến trình già nua cũng sẽ đến sớm hơn.

Mặc dù nhiều người cho là da đen hay xấu, nhăn nheo hay mịn màng là bản chất tự nhiên của cơ thể, không làm sao sửa đổi được, nên mới dùng mỹ phẩm để trang điểm. Tuy nhiên sự trang điểm chỉ có tính cách che giấu tạm thời. Điều cần thiết là làm sao biến đổi bản chất của da được đẹp đẽ một cách tự nhiên mới quan trọng.

Da cũng được cấu trúc bởi nhiều tuyến mồ hôi. Chúng có tác dụng làm thay mới lớp da. Trong mồ hôi có chứa 1,5% các tế bào hư hoại phần lớn là muối urê và acid. Những chất cặn bã đó mắt trần không thể thấy được. Nếu chúng tích tụ lâu ở trong da sẽ làm cho da bị nhăn nheo và đen sậm lại. Những người ăn thịt nhiều sẽ làm tăng chất urê trong máu, và theo mồ hôi ra ngoài da. Nhưng vì không thoát ra được, càng làm cho da không đủ sức bài tiết nên có nguy cơ gây cho da bị viêm, sinh ra mụn nhọt làm mất vẻ thẩm mỹ.

Ăn chay có làm da trông có vẻ mịn màng và trẻ đẹp một cách tự nhiên ?

Để ngăn ngừa và làm giảm bớt các chất acid tổn hại cho da, chúng ta phải thanh lọc máu. Ăn chay cũng là một phương pháp thanh lọc. Vì máu sẽ được kiềm hóa nhờ chất kiềm trong rau cải làm trung hòa acid. Lúc đó độ acid sẽ giảm thiểu, không làm hại sự bài tiết của da, nên da trông có vẻ mịn màng và trẻ đẹp một cách tự nhiên. Chất calcium cũng có tác dụng loại trừ các chất bẩn trong huyết dịch. Sau khi máu huyết đã được thanh lọc, các mao huyết quản toàn thân sẽ hoạt động một cách điều hòa. Lúc đó da sẽ được tươi nhuận hồng hào, duy trì được sức khỏe và trẻ đẹp lâu dài.

Theo thuvienhoasen

23 tháng 2, 2009

Đám cưới chay trong chùa đầu tiên tại Sài Gòn ( tại nhà hàng Việt Chay, chùa Vĩnh Nghiêm )

Khung cảnh trang trí toàn hoa sen; rượu thịt được thay bằng bia chay và các món nhà Phật... Tiệc cưới lạ tại nhà hàng Việt Chay, chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM, tối 14/7 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thực khách.

Theo những người đến dự tiệc, đây cũng là lần đầu tiên họ được mừng đám cưới chay ngay trong khuôn viên nhà chùa. Còn cô dâu có pháp danh Diệu Tịnh và chú rể Tịnh Tâm thì cho biết, họ quyết định tổ chức đám cưới chay vì gia đình cô dâu có truyền thống ăn chay trường và là những người theo đạo Phật.


Cô dâu chú rể đón khách đến dự đám cưới chay. Ảnh: H.L.

Cô dâu cho biết, ban đầu gia đình rất lo lắng vì trong số khách mời có cả những người không theo đạo Phật, chưa từng ăn chay nhưng không ngờ, khách đến đông ngoài dự kiến.

"Gia đình mời khoảng 20 bàn khách nhưng có lẽ do hiếu kỳ, rất nhiều người dù không có trong danh sách mời cũng theo người thân đến nhà hàng chúc mừng khiến hai họ phải tăng cường thêm 4 bàn mới đủ chỗ ngồi", chú rể hồ hởi nói.

Thức ăn đãi khách trong đám cưới chay cũng cầu kỳ tinh tế và đẹp mắt không thua những mâm cỗ của các tiệc cưới bình thường. Song tên gọi món ăn lại mang tính hướng Phật như: súp Kiến tâm kiến Phật; nấm linh chi xào cải xanh Dược sư hải hội; lẩu Từ phục triệu tâm; cơm chiên Bạch ngọc Long Bửu...

Tiệc cưới cũng có bia để khách mời chúc mừng cô dâu chú rể nhưng đây là loại bia chay không nồng độ được nấu từ lúa mạch.

Trên các lối đi, bàn tiệc và cả hoa cầm tay của cô dâu cũng không có hoa hồng, hoa lan như thường lệ mà thay vào đó là những đóa sen hồng rực rỡ.

Thay vì nhạc cưới rộn rã tiết tấu sôi động như vẫn thường thấy ở các đám cưới tại Sài Gòn, nhạc của đám cưới chay là những ca khúc ca ngợi công đức đấng sinh thành và những bài hát Phật. Tuy nhiên không vì thế mà không khí tiệc cưới mất vui.

"Vui nhất là tránh được mùi dầu mỡ từ thức ăn mặn vốn đã quá quen thuộc đối với những người đi dự cưới. Vui hơn nữa là vẫn có bia để "dzô dzô" cùng bạn bè nhưng lại không say", một nhóm khách trung niên cho biết.

Còn theo một số người lớn tuổi, thường xuyên ăn chay thì điều khiến họ thích thú nhất chính là sự yên tịnh và những món chay ngon miệng của lễ cưới này. Họ bộc bạch: "Ở những đám khác, chúng tôi phải ngồi riêng bàn, thức ăn chay cũng phải được nhà hàng nấu tăng cường chứ không chính thống như ở đây".

Cô dâu Diệu Tâm cho biết, giá mỗi bàn tiệc trọn gói bao gồm thức ăn, uống, mặt bằng ở nhà hàng Việt Chay khoảng 1.300.000 đồng.

Thiên Chương

22 tháng 2, 2009

Chè long nhãn - Nét duyên ngầm của trời đất


Chè long nhãn cũng vì thế mang bàn tay thơm thảo của con gái Hà Thành đi làm dâu bốn phương chẳng thể nào lẫn được. Nó cứ ý nhị, thấm dần, thấm dần làm lòng người lưu luyến chẳng bao giờ muốn rời xa. Nét giao cảm tình tứ giữa đất và trời, giữa người với người ấy lại chỉ đến có một chút xíu trong năm ở vào đúng khoảnh khắc giao mùa đầy lưu luyến.

Dường như tất cả tinh túy đất trời được lắng lại trong hương vị chén chè lúc giao mùa.

Cũng phải đợi đến tháng 7 âm lịch, những rặng nhãn đỏng đảnh bên kia sông Hồng mới vào vụ chín rộ. Khi ấy, các bà nội trợ khảnh ăn đủng đỉnh ời ời gọi gánh nhãn kẽo kẹt trên phố, rồi sà vào để mua thứ nhãn lồng Hưng Yên ngon tuyệt. Chẳng mấy chốc, cả gánh nhãn quý đã hết veo từ lúc nào không hay.

Nhãn Hưng Yên kén đất, kén người sành ăn cũng vì lẽ muộn mằn, nhưng chắt chiu được vị ngọt của đất và trời. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ lâu thức quả ngọt này vẫn được mệnh danh là vua của loài nhãn và sánh ngang với bậc "Vương giả chi quả". Chính nhà khoa học Lê Quý Đôn đã từng mô tả mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho...

Người Phố Hiến từ xa xưa vẫn nâng niu cây nhãn của báu trời cho, coi đó như thứ tạo vật làm nên đất và người tài hoa thanh lịch chẳng kém chốn kinh kỳ. Ngay từ lúc nhãn đơm hoa, bói quả đã cặm cụi đan lồng ôm chùm quả lúc lỉu lại cho khỏi vương vãi bởi lũ chim trời ngày đêm rình nhón trộm. Nhãn vì thế lớn phổng phao trong sự trông mong đến mỏi mắt của bà con khắp bốn phương. Nhãn lồng thành tên đã thấm vào lòng người cứ như nét duyên ngầm đến ý nhị và đằm thắm từ bao đời.

Nếu nhãn lồng được tôn vinh là "Vương giả chi quả", thì sự sánh đôi với "Vương hậu chi hoa" - tức hoa sen trong đầm không còn gì hợp lẽ hơn. Hai tạo vật của đất trời ấy lại luôn chọn đúng thời điểm, khoảnh khắc giao thời trong năm để bừng bừng tỏa hương, tỏa sắc thơm ngan ngát dâng đời. Cũng dễ hiểu khi nhãn lồng ngon ngọt, thấm vào lòng người bởi khi hương vị đồng quê đằm thắm đã ẩn trong lớp cùi trắng trong ngào ngạt, còn sen được tôn lên hàng tứ quý của loài hoa là tại sen không chỉ thanh tao, cao quý mà còn là vị thuốc đặc biệt chữa nhiều bệnh hiểm nghèo. Hạt sen chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ; tâm sen có vị đắng chữa tim hồi hộp, an thần; gương sen phơi khô sắc uống có tác dụng cầm máu trong đại tiểu tiện băng huyết..., hạt gạo trong hoa sen dùng ướp chè; hạt sen dùng làm mứt sen. Xưa kia, trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, những cô gái con nhà nề nếp thường làm ít mứt sen để những khi nhà có khách quý đem ra mời với ngụ ý kén người quân tử làm đấng lang quân.

Phải chọn ngày nực nhất tháng bảy, những bà nội trợ mới khéo léo chiều lòng cả gia đình bằng thứ chè long nhãn tuyệt diệu. Thứ nhãn cùi mọng, dày được tách khéo ra khỏi hạt. Hạt sen bỏ vào nồi ninh đúng độ, không quá nhừ rồi bỏ vào trong cùi nhãn. Chỉ vậy thôi mà dường như tất cả tinh túy đất trời được lắng lại trong hương vị chén chè lúc giao mùa. Nhãn và sen cứ quyện lấy nhau, ôm lấy nhau trong cái nét giao hòa tình tứ đến là bâng khuâng. Vị ngọt thanh của quả quí, vị bùi ngan ngát của hương sen cứ mãi thơm ngây nơi đầu lưỡi chẳng muốn rời. Chè long nhãn cũng vì thế mang bàn tay thơm thảo của con gái Hà Thành đi làm dâu bốn phương chẳng thể nào lẫn được. Nó cứ ý nhị, thấm dần, thấm dần làm lòng người lưu luyến chẳng bao giờ muốn rời xa. Nét giao cảm tình tứ giữa đất và trời, giữa người với người ấy lại chỉ đến có một chút xíu trong năm ở vào đúng khoảnh khắc giao mùa đầy lưu luyến.

Theo Hanoimoi

21 tháng 2, 2009

LÀM GIẤM NUÔI BẰNG CHUỐI

Khi làm giấm, trong hũ chứa có một lớp men vi sinh, lớp men này càng ngày sẽ càng dày lên và chính lớp men này làm cho hỗn hợp nước trong hũ trở chua thành giấm. Hầu hết các bà nội trợ VN đều gọi lớp men vi sinh này là "con giấm". Vì có thể làm con giấm "mập ra" là nhờ " nuôi " bằng nước đường, con giấm càng lớn sẽ làm cho nước đường càng mau thành giấm. Như vậy càng "nuôi", con giấm sẽ làm cho thu lợi càng nhiều. Vậy thì sao mà không gọi là giấm nuôi cho được. Chữ nghĩa dân gian VN mà. Một số bà nội trợ tin rằng khi làm giấm nuôi, "con giấm" càng dày thì sẽ làm ăn phát đạt cho nên họ không cho ai con giấm bao giờ. Còn để cho "con giấm" mà chết thì chỉ có trừơng hợp là đã đem nó ra phơi nắng hoặc sau khi lấy hết nứơc giấm chua ra mà không cho thêm nước đường vào thì "con giấm" chẳng có gì để ăn là phải chết thôi. Điều này chứng tỏ tinh thần của người làm giấm đang "có vấn đề ". Có thể là đang phải đối đầu với một công việc gì đó mà nắm chắc thất bại chẳng hạn. Đây chỉ là chuyện ngoài lề kiểu "mê tín dị đoan" dân gian.

Bếp VN sử dụng nhiều loại hột quả như chuối chín, thơm ( khóm, bứa), gạo, bã rượu sấu, me để làm giấm. Tùy vật liệu sử dụng sẽ cho ra giấm có mùi thơm và vị chua khác nhau. Xin trao đổi với các bạn một trong những cách làm đơn giản, hiệu quả nhất bằng chuối và nước đường. Cho ra thành phẩm có thể để lâu mà chất lượng không thay đổi.


VẬT LIỆU:

- Lọ thủy tinh có nắp đậy, thể tích khoảng 10 lít
- 1 lít nước dừa tươi
- Nước lọc nấu sôi để nguội.
- 100 cc. rượu trắng trên 30 độ. Có thể dùng saké Nhật, Vodka Nga, Gin Mỹ chỉ cần rượu trắng không mùi là được.
- 5 hay 6 trái chuối sứ, chuối xiêm chín - khoảng 500 - 700 gram. Lột vỏ, tước chỉ bao quanh thân trái chuối. Hoặc các loại chuối trái lớn thông thường.

THỰC HÀNH:

- Cho nước dừa tươi + chuối + rượu vào hũ thủy tinh, châm nước lọc vào khoảng 8/10 thể tích hũ, đậy nắp, để chỗ thoáng mát, không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp và không xê dịch. Để trong khoảng 45 - 60 ngày, tùy thời tiết, trên mặt hỗn hợp sẽ kết một lớp men vi sinh nhìn như một lớp váng trắng đục, đó là "con giấm". Càng để lâu, con giấm càng dày lên và trở thành trong đục như một con sứa lớn. Khi có con giấm là nước trong hũ bắt đầu trở thành giấm chua, để càng lâu càng chua, canh chừng thời gian, nếm thử thấy độ chua vừa ý, nhẹ tay chiết giấm ra, đừng để con giấm trôi theo bể ra.

- Sau khi chiết giấm ra, vẫn để xác chuối và con giấm trong hũ, pha nước đường với công thức: 1 chén đường cát trắng + 6 chén nước lọc, khuấy cho tan đường, châm vào hũ giấm và cũng chỉ châm 8/10 hũ. Thời gian nước đường thành giấm sẽ nhanh hơn lần đầu tiên và sẽ kết thành một lớp con giấm khác. Khi giấm đã chua, lại chiết ra rồi thêm nước đường vào theo công thức trên.

- Cứ mỗi lần lấy giấm ra và châm nứơc đường vào, sẽ có thêm một lớp con giấm mới, mỏng hơn và lớp con giấm đầu tiên sẽ rất dày.

- Phải gây hũ giấm khác khi trong hũ đã phải có kết vài lớp "con giấm" vì những lớp con giấm sẽ dày lên làm choáng hết thể tích hũ. Dùng một hũ thủy tinh khác, nhẹ tay sớt một lớp con giấm sang hũ mới rồi châm nước đường theo công thức trên, thời gian sau nước đường trong hũ mới sẽ trở chua thành giấm.

- Giấm sau khi chiết ra lọc lược cho trong bằng túi vải thưa, có thể dùng được ngay, muốn để dành, nấu sôi giấm lại, để nguội, cho vào chai đậy kín. Nếu để lâu mà chưa dùng đến, giấm trong chai sẽ tiếp tục kết màng thành con giấm, hiện tượng này bình thường, giấm sẽ chua hơn và vẫn dùng được.

- Sau khi gây được hũ giấm thứ ba, vớt bỏ xác chuối ở hũ làm lần đầu.

- Lưu ý trong khi làm giấm cũng như giấm đã làm xong, luôn để hũ, chai giấm chỗ thoáng mát, bóng râm không để ra nắng.

- Giấm làm bằng chuối có màu trắng trong, hơi đục. Có thể thay chuối chín bằng thơm thật chín, cắt lát nhưng giấm làm bằng thơm thường có màu vàng.

@ Đối với những bà nội trợ VN biết dùng giấm nuôi, đem tặng một hũ giấm nuôi có cả con giấm là cả một món quà rất thơm thảo, chân tình

CHUYÊN VIÊN GIA CHÁNH CẨM TUYẾT

20 tháng 2, 2009

MÓN ĂN DÂN DÃ : Ngọt ngào bánh thốt nốt An Giang

Cây thốt nốt Bảy Núi, An Giang cho ra những sản phẩm có tiếng, từ nước thốt nốt, đường thốt nốt, cho đến món ăn tráng miệng đặc sắc: bánh thốt nốt. Bánh thốt nốt đúng như tên gọi, thành phần vẫn là nước thốt nốt, trái thốt nốt và gạo Nàng Nhen.

Bánh ngon vì bột được chế biến từ gạo đặc chủng Nàng Nhen chỉ canh tác được ở vùng Bảy Núi, còn trái thốt nốt làm bánh phải có cơm dày, không mỏng cùi. Muốn làm ra ổ bánh thốt nốt ngon khá là kỳ công. Gạo Nàng Nhen vừa xay xong phải đem phơi khô và dự trữ trong 1 năm ròng, nếu không bột gạo làm ra sẽ mềm nhão, bánh không giòn.

Bánh ngon hay không vẫn hơn thua ở khâu ủ gạo. Đầu tiên người ta chà gạo lấy bột rồi ủ cho lên men trong 1 đêm. Thời tiết xấu làm bột gạo khó lên men ngon, nên bánh thốt nốt thường chỉ được làm trong các mùa khô. Khi gạo ủ xong mới pha trộn cơm thốt nốt, nước thốt nốt, lúc này các chị các cô sẽ nêm thêm tạo cho bánh có mùi vị riêng. Hấp vài tiếng, giở nắp xửng ra, khói bốc lên ngào ngạt ẩn hiện lờ mờ những chiếc bánh thốt nốt màu vàng đậm thơm ngon gọi mời.

Trong các kỳ hội chợ ở Đồng bằng sông Cửu Long hay Sài Gòn, món bánh thốt nốt An Giang thường được bày bán như một thứ đặc sản và mỗi ngày như vậy bán được hàng ngàn cái. Người ăn rồi thường quay lại mua thêm vài cái nữa ăn cho đã thèm.

18 tháng 2, 2009

Thơm ngon bánh tráng Đại Lộc, Quảng Nam

Có thể nói, địa phương nào của Việt Nam cũng có bánh tráng. Bình Định nổi tiếng với bánh tráng dừa, Bến Tre là bánh tráng sữa, Tây Ninh có bánh tráng phơi sương..., nhưng bánh tráng cuốn thì không đâu bằng Đại Lộc xứ Quảng.

Bánh tráng Đại Lộc đã có "thương hiệu" và chỗ đứng trên thị trường. Người Đại Lộc thường dùng bánh tráng để làm quà. Trước khi đưa bánh đi xa, phải dùng vật nặng ép bánh xẹp xuống, tiện mang vác. Cồng kềnh là thế, nhưng khi về quê, nhiều Việt kiều vẫn thường mua bánh tráng mang đi. Ngay như trong Hội chợ Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội 10 năm của Quảng Nam vừa rồi, bánh tráng Đại Lộc bày ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, người Quảng Nam tự dưng cảm thấy vui vui và dậy lên một niềm tự hào...

Điều đặc biệt của bánh tráng cuốn Đại Lộc là nếu biết cách nhúng nước thì các miếng bánh không dính vào nhau, nhưng khi ăn lại dẻo "dính răng". Về hình thức, chiếc bánh tròn vành vạnh, trắng mịn màng, đều ri rí. Sau khi xay bột, người thợ tráng bánh dùng một cái rây có lỗ nhỏ li ti, lượt qua một bận, loại bỏ vỏ trấu lấm tấm, để bột bánh trắng mịn. Khi tráng phải nhanh tay quây cho đều, chậm một tí sẽ chỗ dày chỗ mỏng. Chiếc bánh mỏng mảnh nên khi phơi phải nhẹ nhàng, kẻo bánh rách bươm.

Trước đây, ở Đại Lộc, hầu như nhà nào cũng có dụng cụ tráng bánh và có thể tự tráng được theo kiểu "tay ngang". Chỉ cần có chiếc cối xay, vài tấm liếp tre, một cái nồi to có bịt khung vải, những lúc nông nhàn có thể tráng bánh để ăn lai rai quanh năm. Bây giờ đồ nghề vẫn còn đấy, nhưng ít ai tự tráng bánh mà chỉ còn những thợ chuyên nghiệp. Tất nhiên trước khi trở thành thợ, những người này đã phải "hy sinh" mấy chục cân gạo để tập cho tay nhuần nhuyễn. Cối xay tay bây giờ được thay thế bằng máy. Thay vào những tấm liếp tre là cả mấy chục chiếc vỉ bằng lưới nhựa căng cứng.

Giáp Tết là thời gian làm bánh tráng cao điểm, đây cũng là dịp bánh tráng được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, trong những tháng này thời tiết lại không thuận lợi cho việc phơi bánh. Không lẽ cứ đứng nhìn trời mưa mà đành chịu một cái Tết vô vị vì thiếu bánh tráng? Bánh tráng phải phơi được nắng mới dẻo, gặp trời tù mù là bánh sượng sượng, dở không chi bằng. Vậy là người thợ nghĩ ngay đến chuyện làm lò sấy bánh. Bánh tráng sấy bằng than, bán đắt hơn bánh tráng phơi nắng một chút, nhưng khách hàng vẫn chuộng.

Bánh tráng Đại Lộc nổi tiếng và người Đại Lộc ăn bánh tráng cuốn cũng... có tiếng. Trước đây, bánh tráng cuốn thường chỉ có mặt vào những ngày giỗ chạp, lễ Tết. Bây giờ thì quanh năm suốt tháng, nhà nào cũng có bánh tráng để sẵn trong nhà. Ăn điểm tâm, ăn nửa buổi, ăn bữa chính. Ăn mọi lúc, mọi nơi. Khách đến, chiêu đãi bánh tráng cuốn; xa quê lâu ngày, khi về làm ngay bữa bánh tráng cho đỡ nhớ, đỡ thèm.

17 tháng 2, 2009

Hạt đậu - thuốc của mùa hè


Làm thế nào để bữa ăn mùa hè vừa ngon lại vừa mát và bổ, đó là thử thách với các bà nội trợ. Ưu tiên các loại đậu là một giải pháp hay.

Đậu xanh

Theo Đông y, hạt đậu xanh vị ngọt mát, hơi tanh có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, lợi tiểu, chữa lở loét...

Giá đỗ: Thường ăn giá sống, xào và muối chua. Giá tính mát, tác dụng vào hai kinh bàng quang và tỳ, giúp thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát. Ngoài ra, giá đậu còn cung cấp vitamin C và E.

Cháo đậu xanh: Đậu xanh xay nấu cả vỏ cùng gạo. Đây là món ăn rất tốt cho mùa hè, có thể ăn cháo đậu xanh với đường hay muối (nước mắm). Cháo đậu xanh trị tiêu khát, uống nhiều nước, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí.

Kết hợp đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 300 g nấu chung với cam thảo, ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày, dùng phòng các chứng bệnh mùa hè.

Đậu nành (đậu tương)

Đậu nành chứa 40% protit, 20% lipit. Người ta cho rằng đậu nành là “thịt chay”, vì thế nên chỉ dùng ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, trong đậu nành có rất nhiều muối khoáng và các vitamin B1, B2, E...

Đậu phụ: Vị ngọt, tính mát, nhuận tràng, bổ trong, giải độc. Đậu phụ thích hợp với mọi lứa tuổi, là món ăn chủ đạo trong ăn chay.

Giá đậu nành: Đối với phụ nữ, ăn giá đậu nành xào tái thêm một chút gừng có thể cải thiện được mái tóc, làm cho mái tóc óng mượt và còn có thể làm giảm béo vì trong giá đậu nành có rất nhiều vitamin C, caroten, chất khoáng.

Cháo đậu nành: Đậu nành ngâm nước, đãi vỏ sạch, cùng với một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Cháo đậu nành giúp nhuận phế, tiêu đầy trướng hơi, lợi tiểu.

Đậu nành là thức ăn rất cần thiết cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chậm phát triển, người bệnh đái tháo đường, bệnh gout.

Đậu đen

Theo “Nam dược thần hiệu”, đậu đen vị ngọt, tính hàn, bổ thận, gan, máu. Đậu đen trị được nhiều bệnh như trừ phong nhiệt, giải độc, giải nhiệt và dùng làm thuốc bổ dưỡng. Đậu đen rất thích hợp với người thận yếu hư, suy nhược khi cảm nặng, là món ăn giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.

Cháo đậu đen: Đậu đen ngâm nước 2 giờ, cho thêm một ít gạo nấu nhừ thành cháo. Ăn nóng hay ăn nguội tùy thích. Khi ăn kết hợp với đậu phụ rán. Đây là món ăn giúp lợi tiểu, giải nhiệt rất tốt, thích hợp với mọi lứa tuổi.

Đậu đỏ

Theo y học cổ truyền, đậu đỏ có vị ngọt chua, tính bình, không độc. Đậu đỏ trị được các chứng mụn lở, thủy thũng, đi tả, đau buốt cơ thể, nôn mửa...

Cháo đậu đỏ: Giúp tiêu phù nước tiểu, lợi tiểu tiện, tránh độc. Cách nấu như cháo đậu xanh, đậu đen.

(Theo SK & ĐS)

16 tháng 2, 2009

MÓN ĂN THÔN DÃ : Canh rau tập tàng, muối sả


Cái vị muối sả mằn mặn, the the cay nhẹ khi lua với từng miếng cơm gạo quê, nghe cứ ngọt lừ trong miệng, nhai càng kỹ thì càng có cơ hội để thưởng thức hương vị ngạt ngào thấm vào tận chân răng, đầu lưỡi...

Có một buổi nào đó, với cái vốn “văn hóa ẩm thực”, ta bỗng chợt hồi tưởng một món nồng nàn, bản sắc mà không kém hiện đại, ấy là một bữa cơm “rằng chay thì hẳn là chay”: Chả cần đến vị nước mắm thường ngày mà lại cảm thấy ngon hơn hẳn thịt thà mỹ vị. Bữa ăn chỉ đơn giản thế này: cơm - muối sả hoặc muối é - canh tập tàng, không thêm không bớt. Vườn nhà quê, vài bụi sả và các loại rau tập tàng linh tinh thì lúc nào cũng sẵn, chỉ cần làm siêng xách rổ vơ túi bụi một lát là có thể nấu một bung canh ngút khói và đâm được một tô muối sả nức mũi.

Nói về cơm, nếu là gạo lúa rẫy, lúa mới thì càng tuyệt. Nấu bếp ga, nồi điện cũng chả sao nhưng nếu nấu bằng nồi đất hoặc gang chụm bằng củi, vần than có một lớp cháy ở đáy nồi thì đúng là... thơm phức. Riêng cơm vừa chín tới mà ăn với muối sả thì cũng đủ thấy đời... lên hương. Người nhà quê ăn uống ít tưởng chừng qua quýt nhưng không kém ý vị, lắm khi làm nhiều kẻ giàu sang thị thành phải phát thèm. Có người hẳn sẽ cho tôi là hoài cổ nhưng quả thật, chuyện ăn uống mà càng thủ công theo truyền thống ông bà và nguyên vật liệu càng sinh thái thì ăn càng ngon miệng.

Nói về muối sả, muối é thì lại càng dễ. Chỉ việc dùng muối hột hoặc muối hầm giã nhuyễn chung với củ sả, lá é trắng thế là xong! Sả phải chọn củ tươi, vừa ra vườn nhổ vào, lá é cũng vậy, lột lấy phần củ sả rồi cắt lát mỏng theo chiều ngang để giã chung mau quyện với muối, ai ăn cay thì thêm trái ớt xanh (loại ớt sim, ớt rừng thì càng nồng đượm). Dù còn đang giã nhưng bụng nghe đã cồn cào. Chén muối sả giã xong có màu tím nhạt, thoảng một mùi hương của đất vườn, có thể làm tứa nước bọt bất cứ ai đã quá quen với thức ăn nhà hàng... có “sao”!

Nói về canh tập tàng thì lại quá đơn sơ. Bởi đây chỉ là canh rau suông nấu với muối hay có thể cho thêm chút bột ngọt. Rau tập tàng tức là rau lộn xộn các thứ như: rau má, muống, dền, bát, sam, mồng tơi, cải xanh, cải rổ, đọt khổ qua... Tất tần tật thứ rau gì ăn được và tùy mùa, tùy vùng, chẳng câu nệ phải đầy phải đủ. Nhưng phải là rau tươi, rau sạch (không phun thuốc trừ sâu). Rau tập tàng đã lặt bằng tay nguyên từng khúc thân, chiếc lá rửa sạch, sau đó chỉ việc bắc nồi nước đun sôi rồi bỏ vào nêm nếm vừa ăn là nhắc nồi bày ra mâm. Cái ngon của canh rau tập tàng thì chắc nhiều người cũng đã ghiền, đây lại là rau nấu mộc với muối nên cái thơm ngon của hương vị trời đất rau vườn lại càng được tôn triệt để, “canh tập tàng ngon, con tập tàng khôn” mà lị!

Đôi khi, cơm nóng gạo lúa mới mà ăn với muối sả, canh tập tàng bốc khói thì cảm thấy như... tiên ở trên trời! Cái vị muối sả mằn mặn, the the cay nhẹ lùa với từng miếng cơm gạo quê, nghe cứ ngọt lừ trong miệng, nhai càng kỹ thì càng có cơ hội để thưởng thức hương vị ngạt ngào thấm vào tận chân răng, đầu lưỡi, lâng lâng đến từng lỗ chân lông, thớ thịt... Chưa kịp lịm đi vì muối sả, ta “chơi” tiếp một bát canh tập tàng đầy mập, húp xì soạt cho mồ hôi chảy lòng ròng thì mới tan nổi cái nóng giữa hạ, bớt đi cái lạnh mùa đông... Phải nói, lâu lâu mà ăn thứ cơm muối-canh suông kiểu thế này, nếu… “quá chén” thì có thể kềnh bụng đến tức thở đấy!

(Theo VOV)

15 tháng 2, 2009

Trẻ Hóa Thân Thể Của Bạn Bằng Ăn Chay Theo Khoa Học


Ăn chay như thế nào?

Để tăng cường máu và các acid amin thiết yếu chúng ta nên ăn nhiều nhữnh món thuộc họ đậu. Nhiều chương trình nghiên cứu đã chứng minh rằng đậu nành chẳng thua gì sữa và trứng và còn nhiều chất dinh dưỡng hơn cả thịt bò. Ngoài ra, một số các món ăn chay cũng rất giàu chất đạm, muối khoáng và sinh tố.

Nấu các món ăn chay không khó làm, chúng ta có thể mua về tự chế biến lấy theo sở thích của mình với những đồ mua ở ngoài chợ. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng nước dừa, nước cốt dừa, lạc làm thành những món ăn chay độc đáo.Tuỳ vào sở thích của từng người mà ta có thể hấp, luộc, chưng, xào, rang, rán các món ăn chay của mình.

Ăn chay cần chú ý

- Khi nấu các món chay không nên cho nhiều muối và bột ngọt vì cho nhiều vẫn có thể bị huyết áp cao như những người ăn mặn bình thường.
- Kết hợp ăn chay với ăn các loại trái cây giàu chất xơ để không bị táo bón.
- Khi ăn chay chúng ta không được uống rượu, nó sẽ tránh cho bạn nhữnh bệnh do rượu gây ra như bệnh gan, mật, máu… Và làm cho đầu óc chúng ta luôn thanh thản, không bị stress.
- Chúng ta vẫn có thể chơi thể thao như bình thường khi ăn chay nhưng cần phải nạp đủ năng lượng cho nhu cầu hoạt động của mình.
- Nên ăn chậm rãi tránh hấp tấp vội vàng.
- Hãy lên thực đơn món ăn chay cho cả tuần để có đủ các dưỡng chất cần thiết và đảm bảo không nhàm chán.

Nhiều người nghĩ rằng chất đạm chỉ có nhiều trong thịt cá, còn các thức ăn có nguồn gốc từ thực vật thì không có, hay nếu có thì lượng đạm là rất ít. Nhưng thật ra, một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật lại cung cấp lượng đạm rất lớn, thậm chí lượng đạm trong một số thực phẩm loại này còn nhiều hơn cả đạm có trong thịt cá. Hơn nữa các loại đạm thực vật này lại không làm nồng độ cholesterol trong máu tăng cao như đạm động vật.

1. Đậu nành

Đứng đầu trong danh sách các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc từ thực vật là đậu nành. Đậu nành có thể chế biến ra nhiều loại thức ăn thức uống rất tốt cho sức khỏe như sữa đậu nành hay tàu hủ, một loại thực phẩm rất quen thuộc với người Việt chúng ta. Ngoài tác dụng bổ sung đạm cho cơ thể, các chế phẩm từ đậu nành còn giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu. Cần lưu ý: nên mua các chế phẩm từ đậu nành trong siêu thị, nơi chúng được bảo quản lạnh thay vì mua ở chợ vì chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn trong môi trường không khí bình thường. Có nhiều cách để chế biến các thức ăn từ tàu hủ: đánh nhừ tàu hủ rồi hầm với nước sốt cà và rau; hay ướp gia vị và hành xả vào tàu hủ tươi rồi chiên giòn.

2. .Các loại đậu khác

Các loại đậu không những là nguồn cung cấp đạm cho cơ thể mà còn có tác dụng giảm nồng độ cholesterol trong máu rất hiệu quả. Để minh chứng cho khả năng của đậu trong việc kiểm soát nồng độ cholesterol ở người, các nhà khoa học làm một cuộc nghiên cứu trên trên 20 người đàn ông có nồng độ cholesterol cao. Họ được cho ăn 1 – 2 tách đậu ngự mỗi ngày. Sau một tháng, chỉ số cholesterol trong máu họ giảm tới 56 điểm. Có nhiều cách để đưa các món đậu vào mâm cơm mỗi nhà: như canh đậu hầm ; chè đậu nấu đường phèn; …
3. Các loại nấm

Nấm đứng thứ ba trong danh sách các thực phẩm giàu đạm thực vật. Các loại nấm, đặc biệt là nấm rơm, chiếm một tỷ lệ lớn trong các món ăn chay. Nấm hoàn toàn thay thế được nguồn cung cấp đạm từ thịt cá cho những người ăn chay trường. Chế biến các món ăn từ nấm cũng không mấy phức tạp. Bạn có thể thử món nấm phết bơ và giấm, nướng trên lửa than. Có thể ăn cùng với nước sốt hay nước tương, tùy khẩu vị. Nấm được ưa chuộng trong chế biến thức ăn vì ngoài việc cung cấp đủ chất đạm cho cơ thể, nấm còn có tác dụng giảm nồng độ cholesterol trong máu.

4. Cà tím

Nhiều người nghĩ rằng lượng đạm trong trái cà tím không nhiều là mấy, nhưng thật ra cà tím lại đứng thứ tư trong danh sách các loại đạm thực vật. Kết cấu của trái cà tím dạng xơ, xốp như một cái bông hút. Cà tím “ăn” rất nhiều gia vị khi chế biến, đồng thời nó cũng hút rất nhiều dầu mỡ trong khi chiên rán. Vì vậy không nên chế biến cà tím với món chiên và rán. Món ăn chế biến từ cà tím rất hợp khẩu vị là cà tím phết phô mai nướng lửa hồng, ăn với nước sốt cà chua hành.

14 tháng 2, 2009

Cách dể làm các món ăn Chay : Bì Chay, Bún Bì - Chả Giò, Bì Cuốn, Bánh mì hấp, Cơm Tấm Bì Chả, Cách Làm Chã hấp Chay

Ngày cuối tuần thì bếp ăn chay củng phải làm món gì đó để thay đổi khẩu vị chứ , phải hông nè ! cho nên hôm nay NMN muốn giới thiệu mọi người cách làm món bì Chay và từ đó sẽ có nhiều món ăn rất ngon từ món bì trộn này . Chúng ta bắt đầu nhé :

Bì Chay

Nguyên Liệu :
- 1 miếng đậu hũ
- 1 củ sắn nhõ
- 2 củ khoai tây loại vừa ( hoặc khoai lang )
- 1 gói miến nhỏ
- 50g thính gạo rang
- chút bột ngọt
- 1 muỗng cà phê bột nêm chay hoặc muối
- 1/2 muỗng cà phê đường
- chút tiêu
- bơ rô chiên vàng với dầu cho thơm hoặc nếu ai không kiêng thì dùng tõi giã nhuyễn phi thơm với dầu ăn .

Chuẩn bị :
- Đậu hũ để ráo nước, cắt lát mỏng, chiên vàng, cắt thành sợi nhỏ
- Củ sắn: gọt vỏ, rửa sạch, cắt mõng chiên vàng rồi cắt thành sợi nhỏ
- Khoai tây: gọt vỏ, cắt sợi nhỏ, rửa sạch để thật ráo nước, chiên vàng
- Miến: nhúng nước sôi khoảng 45 giây, vớt ra cắt ngắn

Cách làm :
-Trộn chung các thứ đậu hũ, củ sắn, khoai tây, miến.
- Nêm gia vị cho vừa ăn.
- Sau cùng trộn bột thính cho đều + vài muỗng soup dầu tõi hoặc bơ rô phi thơm .

Bì chay này nhà NMN không có sẵn cũ đậu nên tui sữ dụng hai loại khoai lang + khoai tây cũng rất ngon .

* nếu làm món Bì trộn chỉ là khoai tây và củ sắn thì sẽ giống như hình trên cùng đó ! ăn cũng ngon nhưng không có vị ngọt như có thêm khoai lang bên trong .


Thế là chúng ta đã làm xong món bì trộn đơn giãn và thơm ngon !

* Bây giờ chúng ta bắt đầu các món ăn với bì Chay nhé , hấp dẫn và ngon vô cùng :

Bún Bì - Chả Giò


Đây là món bún tươi ăn kèm với bì trộn + chã giò + rau thơm đũ loại xắt nhỏ + giá sống + dưa chuột băm nhõ + đồ chua và nước mắm chay chua ngọt .Món này rất ngon nhé !


Bì Cuốn

Món này ăn vừa ngon lại không sợ mập , cho người ăn kiêng được đấy !

Bánh mì hấp


Món này thì ngon tuyệt , bánh mì xắt lát mõng khoãng 3cm đem hấp trong xững vẫy chút nước lã cho bánh mì mau mềm , khoãng 15' thì xắp bánh mì ra dĩa , cho dầu đã phi thơm với bơ rô lên mặt bánh mì ( nhớ trét dầu ăn lên bánh mì kha khá bánh mới thơm ngon ) , xong cho bì trộn lên bánh mì , cuộn với rau thơm và salad ăn kèm chấm nước mắm chay , ăn ngon như bánh Xèo í , món này là phãi chuẫn bị thật nhiều rau và nước chấm phãi làm thật ngon , nước mắm Chay chua ngọt nhé làm cho đậm đà một tí là tuyệt vời !

- bánh mì hấp chỉ cần vưà mềm và hơi dai mới ngon , không nên cho nhiều nước vào bánh mì sẽ làm bánh mì bị bở không ngon .

Cơm Tấm Bì Chả
Món này ăn vào buỗi sáng là phỗ thông nhất , nhưng nếu thích ăn vào Trưa,chiều, tối gì cũng ngon cã . Món cơm này có thêm chã hấp cho nên chúng ta cần học làm món chã hấp chay này

Cách Làm Chã hấp Chay


- 1 miếng đậu hủ trắng lớn
- 100g nấm rơm
- 1 lọn bún tàu nhõ
- 1 muỗng canh bột mì
- bơ rô lấy phần cũ trắng một phần băm nhuyễn, một phần phi vàng với dầu ăn cho thơm
- 1 ít bột màu gạch tôm
- Tiêu xay
- Ngò.
- bột ngọt ,muối , 1 muỗng canh bột năng, 1/2 muỗng canh đường cát trắng , 5 muỗng canh dầu ăn- Gia vị
Cách làm :
Ðậu hủ trắng rửa sạch, xắt mỏng, bóp nhuyễn, vắt bớt nước chua.
· Bún tàu ngâm nước cho mềm, cắt khúc độ 1 phân.
· Nấm rơm ngâm nước, cạo rửa sạch, xắt hột lựụ
· Ðem trộn cho đều đậu hủ trắng, nấm rơm, bún tàu, bột mì + bơ rô giã nhuyễn + đã phi dầu, muối, bột ngọt, tiêu, đường nêm nếm cho vừa ăn ,không quá mặn .
- Cho hỗn hợp vào khuôn, nhớ thoa dầu ăn lên mặt cho đừng dính, chả dầy 5 cm là vừa, dùng muỗng dằn cho chả bằng mặt, đặt lên xửng nước sôi hấp độ 10 phút. Chả chín, vẫn để xửng trên bếp, dỡ nắp cho bay hơi, lấy 1 chút bột năng quậy nước hơi lỏng như bột bánh xèo, để 1 ít bột màu gạch tôm vô quậy tiếp cho tan đều, rồi lấy muỗng múc bột màu phết lên trên mặt chả cho đều , cho lá ngò lên mặt chã ,đậy nắp lại, hấp thêm độ 5 phút cho bột màu chín, lấy chả ra, để thật nguội và xắn chả thành từng miếng.

Trình bày :
- Cho cơm tấm ra dĩa , trêm mặt cho 1 muỗng canh dầu phi thơm với boa rô , xong cho bì trộn + chã hấp + đồ chua và dưa leo xắt mõng + ớt băm nhuyễn ăn kèm nước mắm chay .

13 tháng 2, 2009

Ăn uống dưỡng sinh

Nói về cách ăn uống dưỡng sinh, nhiều người nghĩ ngay đến phương pháp thực dưỡng (macrobiotis) của người Nhật, còn có tên khác là phương pháp Oshawa. Một trong những điểm quan trọng nhất của cách thức ăn uống này là lời khuyên nên dùng ngũ cốc hạt toàn phần (ngũ cốc thô, chỉ bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài), thay vì được xay giã quá trắng như gạo trắng, bánh mì trắng, sợi bún, phở, các loại ngũ cốc đóng hộp...

Hàng ngày, cơ thể cần bổ sung hai, ba loại ngũ cốc thô và ít nhất bảy loại rau có màu sắc khác nhau. Nhiều loại rau củ nếu trồng sạch và rửa sạch vẫn có thể ăn cả phần vỏ như lê, táo, ổi hoặc cả củ cả lá như củ cải, cà rốt… để “tận thu” dinh dưỡng. Cách quay về gần gũi này vừa là biện pháp hữu hiệu để tránh những hóa chất tẩm ướp, chất tẩy trắng và những phụ gia thường xuất hiện trong chế biến thực phẩm, vừa là để xà tối đa những dưỡng chất từ thiên nhiên như vitamin, khoáng chất, axít amin, chất xơ chứa trong phần vỏ bọc.

Đơn cử như món cơm dưỡng sinh gạo lứt muối mè, tưởng chẳng có gì đặc biệt, nhưng đã được giới y học xem như liều thuốc thần cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư từ năm 1982. Hóa ra, đâu phải chỉ cao lương mỹ vị mới là nguồn dinh dưỡng?

Ngoài người bệnh, những người có tuổi nếu thay một bữa cơm thường bằng gạo lứt muối mè sẽ rất tốt cho sức khỏe, còn những người trẻ tuổi vẫn có thể dùng gạo lứt kết hợp những loại rau củ, để dưỡng sinh. Tuy nhiên, thực dưỡng không chỉ là ăn gì mà còn là ăn đúng cách. Chẳng hạn món gạo lứt muối mè đơn giản là thế, nhưng để ăn cho phải đạo lại không hề đơn giản.

Vẫn có những yêu cầu chặt chẽ để miếng ngon trở thành miếng bổ, như khi ăn phải tập trung vào việc nhai thật kỹ, một muỗng cơm phải đạt 60-70 lần nhai để đạt độ nhuyễn như cháo mới phát huy tối đa công dụng. Vì vậy, đôi lúc ăn một bữa cơm gạo lứt chỉ đôi ba chén mà mất đến cả tiếng đồng hồ! Đây cũng là món không cốt phải ăn thật no (bởi nhai kỹ thì no lâu).

Một món ăn dưỡng sinh khác đang được ưa chuộng khắp nơi là canh nấm. Nấm được mệnh danh là thịt thực vật và khoảng hai năm trở lại đây, những món ăn chế biến từ nấm được xem là món ăn đầy tinh tế và khoa học không chỉ cho người ăn chay. Canh nấm là một món ăn hầm tiềm đậm chất Trung Hoa, cốt chỉ để lấy được phần nước dùng ngọt thanh tinh túy hơn là dùng chính cây nấm. Cách ăn này khi du nhập vào Việt Nam lại được ưa chuộng nhất ở dạng lẩu, có lẽ do phù hợp chất địa phương nóng ẩm.

Lẩu nấm ít béo, thanh, ngọt và mát, dùng mùa nào cũng hợp, lại dễ ăn và dễ tiêu so với cách xào nấu thông thường. Món “thịt thực vật” này là thực đơn thích hợp cho người cao huyết áp, tiểu đường, béo phì không phải ăn kiêng mà vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bây giờ, canh nấm, lẩu nấm đã trở thành “mốt” ẩm thực mới đã nằm trong thực đơn nhiều nhà hàng, khách sạn, thậm chí có cả chuỗi nhà hàng như Ashima còn chuyên về lẩu nấm.

Theo_24h

12 tháng 2, 2009

Đậu hũ chiên với bưởi và trái bơ


Nguyên liệu

2 bìa đậu hũ, 1 trái bưởi, 4 muỗng cà phê dầu ô liu, ¾ muỗng cà phê tiêu, ¼ muỗng cà phê muối, ½ trái ớt chuông đỏ thái miếng nhỏ, ¼ củ hành tây băm nhuyễn, ½ trái bơ thái hạt lựu.

Thực hiện

Đậu hũ để ráo nước, cắt miếng vừa ăn. Lấy nửa trái bưởi ép nước, để riêng.

Cho một muỗng canh dầu ô liu vào chảo cho nóng. Cho đậu hũ chiên vàng. Để ráo dầu. Bầy đậu hũ lên 1 cái chảo, rắc 1/8 muỗng cà phê muối và tiêu lên. Đổ nước bưởi lên và ướp trong một giờ.

Phần bưởi còn lại tách múi, bóc vỏ, trộn chung với ớt chuông, bơ, hành tây và chỗ muối còn lại.

Cho 1 thìa canh dầu vào chảo không dính cho dầu nóng. Cho đậu hũ đã ướp vào chiên khoảng 3 phút nữa mỗi mặt.

Bày đậu hũ ra đĩa, cho hỗn hợp bưởi, bơ, hành tây đã trộn đều lên trên.

(Theo Món ngon)

11 tháng 2, 2009

Ăn mít


Bổ quả mít, bóc ra từng múi đặt lên đĩa, khi ăn lấy chiếc tăm hoặc chiếc dĩa nhỏ xiên nó lên mà ăn. Lịch sự, thanh tao, nhưng chắc rằng đã mất ngon đi một nửa. Có lẽ ăn mít muốn ngon, phải ăn theo cách khác.

Ngồi xổm bên hàng mít, với mấy bà, mấy chị. Tự tay cầm lấy “chiếc thuyền mít” cong cong đã cắt bỏ lõi, cắt rời vỏ gai rồi bóc lấy từng múi vàng ươm, thơm nức, ngọt lịm mà ăn. Cái thứ quả xù xì xấu xí này hình như không ưa thanh cảnh. Phải tự bóc lấy múi mít, ăn kèm cả xơ cái, không phải vì nghèo, vì thiếu, mà ăn cái xơ chính là sự chuẩn bị, sự chờ đợi miếng ngon nhất khi chạm đến chiếc cùi múi căng phồng thơm lịm. Ăn chiếc xơ chính là sự tìm kiếm, sự chuẩn bị, cái mong chờ đó (thực ra thì cũng đỡ phí của, một thứ quả ngon).

Ăn mít xong, chưa hết ngon đâu. Mùi hương như còn quấn quít với mình ở hai bàn tay còn dính nhựa mít. Thục hai bàn tay ấy vào thúng cám gạo hoặc thúng gạo mà xoa. Thơm thơm, ngầy ngậy. Mùi gạo mùi mít quyện lấy nhau, nó ram ráp, thô thô càng thích, nó có mùi riêng không giống một thứ mùi nào khác.

Nếu ăn mít xong rửa tay bằng dầu hoả thì sẽ sạch nhựa mít, nhưng mùi thơm của mít cũng sẽ mất đi ngay. Chất nhờn của dầu hoả còn đọng lại rất lâu, rửa xà phòng mấy lần mới hết và mùi mít bị đánh bạt đi, làm như ta chưa hề được thưởng thức một mùi hương ngọt ngào quyến rũ như thế.

Ấy là chưa kể đến tối, cả nhà quây quần bên rá hạt mít luộc hoặc hạt mít rang, những viên hạt mít bở tơi, vừa ăn vừa nói chuyện đã xảy ra quanh ta suốt một ngày qua.

Việt Báo

10 tháng 2, 2009

Sài gòn .. ăn chay !


Ăn chay đang ngày càng được quan tâm như một cách sống, một cách ăn uống để bảo vệ sức khỏe. Số người ăn chay trên thế giới đang có xu hướng gia tăng.

Hơn một năm trở lại đây, trên địa bàn Sài gòn xuất hiện ngày càng nhiều các quán cơm chay. Người Sài Gòn ăn chay ngày càng đông, không chỉ vào mùng một, ngày rằm mà quanh năm suốt tháng. Chính vì vậy, thị trường "chay tịnh" ở thành phố này có phần phong phú và sôi động hơn các địa phương khác trong cả nước.

Liên tục phát triển

Cách đây gần 20 năm, Sài gòn đã có những quán chuyên bán thức ăn chay quanh năm như Tịnh Tâm Trai (đường Võ Thị Sáu), Thuyền Viên (đường Nguyễn Văn Đậu), Giác Đức (đường Nguyễn Đình Chiểu). Thông thường các quán này chỉ đông khách vào những ngày rằm hoặc mùng một, đặc biệt là rằm tháng 7 âm lịch vì đây là mùa Vu Lan báo hiếu . Còn bây giờ, theo chị Võ Thanh Kiều, quản lý quán Giác Đức, thì ngày nào cũng đông khách. Trung bình mỗi ngày quán phục vụ khoảng 100 khách . Riêng mùa này , lượng khách tăng lên gấp đôi.

Là một người ăn chay trường nên cha chị, ông Võ Văn Phúc, với pháp danh là Giác Đức đã mở quán ăn này nhằm phục vụ những người chọn chay tịnh như ông. Thực đơn tại đây cũng rất phong phú, gồm hơn 100 món, giống như món mặn, chẳng hạn như món xào, chiên, bún , lẩu, gỏi, súp... các loại. Ngày trước, quán thường lấy hàng của Đài Loan để chế biến, nhưng giờ đây để bảo đảm hoàn toàn độ tinh khiết của thức ăn chay nên quán phải tự xây dựng nhà xưởng tại Bình Chánh để sản xuất thực phẩm chay mang thương hiệu Việt Nam. Nguyên tắc nấu món chay là chỉ sử dụng chất ngọt từ rau củ chứ không được dùng bột ngọt, xương, rượu, hàn the... Thật ra ăn chay giá đắt hơn thức ăn mặn. Thông thường giá một dĩa cơm chay là 6.000 đồng, hủ tiếu cũng 6.000 đồng/tô, nhưng tô đặc biệt thì có giá gấp đôi.

Món chay cao cấp

Vài năm gần đây, thị trường chay phát triển liên tục đã khiến cho nhiều nhà hàng cao cấp của Saigontourist nhảy vào lĩnh vực này. Tiên phong và thành công phải kể đến nhà hàng Vân Cảnh thuộc cụm khách sạn Quê Hương. Ý tưởng đầu tiên được ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc cụm, khai phá từ mùa Vu Lan năm 2000 khi ông muốn tạo một sự kiện ẩm thực ấn tượng trong tháng 7 âm lịch là mùa ế khách của ngành du lịch VN . Với chủ đề “Sài Gòn - những món chay”, ông muốn gợi cho khách hàng biết đến nghệ thuật ẩm thực chay của người Sài Gòn, còn “Lời cám ơn đấng sinh thành” là dựa vào truyền thống của một số đông người Việt cứ đến tháng 7 âm lịch là ăn chay để bày tỏ lòng hiếu thảo kính ơn đấng sinh thành nhằm thắt chặt sợi dây thân ái giữa các thế hệ trong gia đình. Số lượng khách gia tăng đáng kể, khoảng 30% / năm, từ 3.000 lượt khách năm 2000, đến năm 2003 gần như tăng gấp 3 lần với số khách tính được là 8.500 lượt , trong đó có những người đến ăn gần như mỗi ngày. Thực đơn tại nhà hàng Vân Cảnh rất phong phú, gồm trên 60 món được thay đổi mỗi ngày.

Cũng như Quê Hương, đây là năm đầu tiên cụm khách sạn Bông Sen tổ chức chương trình buffet chay được chế biến đa dạng theo phong cách Việt Nam, Trung Hoa và Tây Ban Nha với thực đơn hơn 50 món . Bà Nguyễn Thị Anh Thư, phụ trách bộ phận tiếp thị khách sạn, cho biết : Nhằm thay đổi khẩu vị cho khách cũng như thông qua ăn chay để cảm thấy mình sống chậm lại trước cuộc sống hối hả thường ngày, để lòng thanh tịnh hơn lên, chương trình ẩm thực chay tại đây cũng được kéo dài cả tháng.

Riêng khách sạn Đồng Khánh nằm ở khu vực quận 5 thì lại chọn ẩm thực chay mang phong cách Trung Hoa và chỉ tổ chức trong vòng 1 tuần. Giá cả từng nơi cũng rất đa dạng, có nơi 48.000 đồng, có nơi đến 72.000 đồng/người tùy số lượng món và thương hiệu.

1.001 lý do để ăn chay

Qua một cuộc phỏng vấn bỏ túi với một số khách ăn chay tại vài điểm, chúng tôi rất thú vị với cách lý giải của những người ăn chay. Không chỉ người già, những người ăn chay trường mà khách ăn chay bây giờ đa số là giới trẻ. Không chỉ khách Việt Nam mà người nước ngoài cũng tìm đến để thưởng thức hương vị Việt. Bà Đỗ Thị Ngọc Hải, 52 tuổi, nhà ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận cho biết ăn chay vì lý do tín ngưỡng.

Không chỉ những người theo đạo Phật mà những người theo Thiên Chúa giáo và Cơ Đốc phục lâm cũng có tục ăn chay 1 ngày/tuần. Chị Hoài Trang, đại diện nhóm bạn ở Công ty Bảo hiểm Prudential, cho biết: Nhóm chúng tôi ăn chay hơn 1 năm nay vì lý do... bảo vệ sức khỏe, muốn giảm các bệnh tật liên quan đến việc sử dụng thức ăn động vật và để tránh các vụ ngộ độc thịt như bò điên hay cúm gia cầm. Một số bạn trẻ là học sinh Trường Nguyễn Thị Minh Khai thì thật thà cho biết: Chúng em ăn chay vì đây là mốt trong giới trẻ ! Ăn cho biết với người ta...

Mỗi người có một cách lý giải cho mình về lý do tìm đến ẩm thực chay. Lý do nào cũng có... lý và đặt ra cho người kinh doanh một cơ hội cũng như một thách thức lớn là làm sao phát triển ẩm thực chay Việt Nam thành một nghệ thuật thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam dịp này để thưởng thức món chay ...

9 tháng 2, 2009

Nhớ ao rau muống sau nhà ( Những ngọn " cỏ quê hương " )


Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica, là loài thực vật nhiệt đới bán thủy sinh, được trồng nhiều ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, chủ yếu để lấy rau.

Ở nước ta, rau muống rất phổ biến và có vị trí đặc biệt trong đời sống ẩm thực của mọi nhà:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Người miệt đồng thường ăn rau muống ruộng. Loại này có hai giống trắng và đỏ. Rau muống trắng được trồng trên liếp đất, thân trắng xanh, không chịu ngập. Rau muống đỏ trồng được cả trên cạn và nơi nước ngập, thân lớn, có màu đỏ mọng.

Người thành thị ăn rau muống được trồng từ hột, gieo trên các liếp rẫy vùng ngoại thành, hoặc trồng từ các bãi cạn ven sông rạch. Dù được trồng ở đâu, rau muống đều ngon, vấn đề còn lại là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rau muống có giá trị dinh dưỡng cao, theo các nghiên cứu khoa học, trong rau muống có nhiều protein, glucid, lipidl; các chất khoáng như calcium, phosphor, sắt, kali; các acid amin và các vitamin C, B1, B2, PP...

Theo Đông y, rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải độc. Vì vậy, dân gian dùng rau muống để phòng và chữa một số chứng bệnh thông thường với những hiệu quả nhất định: Nếu bị ngộ độc nấm hay thủy ngân, trong lúc chờ đi bệnh viện, tạm thời lấy rau muống tươi đâm nát, vắt lấy nước uống, sẽ có tác dụng giải độc tạm thời. Khi bị mụn nhọt, lở loét lõm sâu, ăn rau muống có thể làm cho kéo da non, vết thương mau lành.

Tuy nhiên, người bị rách da có sẹo lồi nên kiêng ăn rau muống trong quá trình liền sẹo. Người bị viêm lưỡi, miệng, môi do thiếu vitamin, nấu canh rau muống với hành tươi, ăn với cơm hằng ngày, nếu bị viêm nhẹ thì sau 3-5 ngày sẽ hết.

Nếu bị chảy máu cam, cọng rau muống đâm nát, thêm ít đường hoặc mật ong rồi hòa với nước ấm uống, một lát máu cam sẽ cầm. Trị chứng đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu, lấy lá hoặc cọng rau muống non đâm nát, uống với ít mật ong, rất công hiệu. Rau muống có tác dụng nhuận tràng, khi bị táo bón có thể uống nước rau muống luộc thay cho nước lọc...

Rau muống là là món rau thân thuộc hằng ngày trong bữa ăn của mọi nhà. Dùng rau muống chế biến nhiều món ăn ngon, như rau muống bào (cọng rau muống được chẻ nhỏ thành sợi) ; rau muống bóp dấm làm gỏi hoặc dùng như một thứ rau trụng ăn với các món lẩu, rau muống nấu canh chua hoặc nấu canh ngọt đều ngon; rau muống xào tỏi cũng là một món ngon đặc biệt được nhiều người ưa dùng.

Gần gũi nhất là món rau muống luộc chấm với nước chấm ngon làm với chanh, tỏi, ớt. Nước luộc rau còn được người dân cho chút bột nêm và nặn vào miếng chanh dùng làm canh ăn rất khác biệt.

Tuy mộc mạc, dân dã, nhưng rau muống lại xuất hiện trong đời sống tinh thần của mổi gia đình dân dã với niềm tự hào không cần giấu diếm:

Nhà em rau muống tương cà
Tuy không lịch sự nhưng mà sạch trong.



Hôm nay ăn rau muống
Những ngọn " cỏ quê hương "
Thơm lừng một chén tương
Đơn sơ ! ngon khôn tưởng

Trời chiều ngả sang thu
Ngọn rau muống xanh nhừ
Cơm gạo mới thơm ngát
Ăn no bụng ngất ngư

Nước rau muống làm canh
Vắt vào một chút chanh
Nước trở nên trong vắt
Chan cơm nuốt trôi nhanh

Hay nước còn đang nóng
Bỏ vào trái cà chua
Biết khen sao cho vừa
Làm vua chưa chắc có

Chớ ăn bụng quá no
Rồi lấy miếng cháy to
Chan nước rau đến ngập
Nhai thật chậm mà mơ

Đồng Văn

8 tháng 2, 2009

Cháo tàu hủ ki, mì căn & Cháo đậu đỏ

Cháo tàu hủ ki, mì căn
Nguyên liệu
- 1 cây mì căn.
- 50g tàu hủ ki chay.
- 1 muỗng súp tàu hủ ki chiên bẻ nhỏ.
- 100g nấm rơm.
- 1 nắm đậu xanh hột.
- Chanh, tiêu, muối, nước tương, 1 nhúm gạo.

Thực hiện
- Mì căn chiên giòn xé nhỏ, bóp với nước cốt chanh và tiêu, trộn đều với tàu hủ ki chiên bóp nhuyễn.
- Tàu hủ ki cây ngâm nước một đêm cho mềm, tước sợi. Nấm rơm cắt chân, ngâm nước muối loãng, rửa sạch, xắt đôi.
- Gạo và đậu xanh vo sạch, nấu cháo cho nhừ.
- Thả nấm rơm & tàu hủ ki tươi vào nồi cháo, nêm cho vừa ăn. Múc cháo ra tô, thêm mì căn đã trộn lên mặt, thêm ngò, tiêu.

Cháo đậu đỏ
Nguyên Liệu:

- 250gr gạo thơm.
- 500gr đậu đỏ
- muối.
- 10gr bột năng.
- 2 lon nước cốt dừa.

Cách Làm:

- Đậu đỏ rây sạch rửa sạch, ngâm nước nửa ngày.

- Cho gạo và đậu vào nồi nước bắc lên bếp thỉnh thoảng khuấy lên giúp cháo và đậu nở đều, cho ít muối vào.

- Tiếp đến cho nửa lon nước cốt nấu đến khi đậu thật mền, cháo đã nhừ cho lửa thật nhỏ giử nồi cháo được ấm .

- Thắng nước cốt dừa: bột năng khuấy tan trước với ít nước, bắc một nồi sạch cho 1+1/2 lon nước cốt dừa vào sôi nhẹ cho bột năng vào khuấy vừa sánh, bắc xuống để nguội.

-Cháo đậu đỏ ăn kèm với dưa mắm

7 tháng 2, 2009

Chúng ta thật sự sẽ tiết kiệm nhiều nước hơn ....

Cần 20.000-40.000 lít nước chỉ để sản xuất 1 kí-lô thịt bò

Các khoa học gia đã tính rằng chúng ta thật sự sẽ tiết kiệm nhiều nước hơn nếu bớt ăn 1 cân Anh thịt bò, hoặc 4 bánh ham-bơ-gơ, hơn là không tắm rửa trong ít nhất 6 tháng.

Tiến sĩ David Archer: Rõ ràng khi trồng ngũ cốc rồi cho gia súc ăn và sau đó ăn thịt chúng, quý vị mất đến 90% năng lượng từ số ngũ cốc ban đầu, và không những quý vị chỉ có thể nuôi ít người hơn dựa trên ngành nông nghiệp này mà theo như nghiên cứu thì việc này còn đòi hỏi thêm rất nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch để thực hiện.

Thượng nghị sĩ Andrew Bartlett - Thành viên Quốc hội Úc - Queensland, Người bênh vực phúc lợi thú vật & là người trường chay:

Hâm nóng toàn cầu hầu như là vấn đề quan trọng nhất mà tất cả chúng ta đang đối diện và về lâu dài chúng ta sẽ đối mặt với mối đe dọa thay đổi khí hậu vô cùng nghiêm trọng. Thành thật mà nói, nếu chúng ta cho phép sự sản xuất trong kỹ nghệ thịt hiện tại tiếp tục phát triển thì những điều khác mà chúng ta đang cố gắng thực hiện để thay đổi cách tạo năng lượng sẽ bị vô hiệu hóa.

Tiến sĩ Jonathan Patz, tác giả hàng đầu của các bài tường trình của HỘi đồng Liên chính phủ Thay đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Giáo sư Môi sinh và Sức khỏe Cộng đồng: "Đây là thử thách hết sức cấp bách. Việc này thật sự rất khẩn cấp, theo lời của các nhà khí hậu học. Chúng ta cần hành động sớm ngay bây giờ"

6 tháng 2, 2009

Phụ nữ và sắc đẹp : Sự kỳ diệu của quả bơ

Hầu hết người tiêu dùng ở Việt Nam chỉ biết sử dụng quả bơ cho việc làm sinh tố, chưa biết về giá trị dinh dưỡng tuyệt vời cũng như cách sử dụng rất phong phú của quả bơ.

Trên thế giới, tại các nước như Mỹ, Mexico, Úc…Trái bơ được đánh giá cao và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như ăn quả tươi, chế biến nhiều món ăn ngon, tinh chiết dầu ăn và đặc biệt bơ được sử dụng rất nhiều trong mỹ phẩm cho việc chăm sóc sắc đẹp.

Những công dụng nầy mang lại tiềm năng phát triễn lớn cho sản xuất và tiêu dùng Trái bơ của Việt Nam, nhất là hiện nay với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, Trái bơ Việt Nam còn rộng đường cho việc xuất khẩu, nhờ thời gian bảo quản đã được kéo dài đến 60 ngày.

Giá trị dinh dưỡng

Trái bơ có chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất bao gồm canxi, sắt, đồng, magiê, phốtpho, kali, natri, kẽm mangan và selen.

Trái bơ cũng rất giàu chất chống oxy hoá, có tác dụng ngăn ngừa hình thành các gốc tự do dẫn đến gây ung thư, đục thuỷ tinh thể, lão hóa da, giúp duy trì làn da săn chắc.

Trái bơ còn là nguồn Folate rất quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và đặc biệt quan trọng đối với thai kỳ ở những tuần đầu tiên vì 75% trẻ sơ sinh bị nứt đốt sống là do thiếu folate từ trong bụng mẹ.

Là một trong rất ít loại trái không có cholesterol, mà lại có chứa chất béo đơn không bảo hòa, đây là loại chất béo tốt cho cơ thể giúp làm giãm hàm lượng cholesterol.

Trái bơ có chứa hàm lượng protein cao nhất so với các loại quả khác, cao gần như tương đương với sữa.

Ngoài ra, Trái bơ còn có hàm lượng muối thấp, chất xơ cao, có hàm lượng lutein cao, có chất carotenoid tự nhiên giúp mắt sáng và duy trì một làn da đẹp.

Giá trị với sắc đẹp

Trái bơ được sử dụng vào việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe nhờ giàu vitamin A, E, D cùng với các khoáng chất kali, phốtpho, lưu huỳnh và clo, trong đó:

- Vitamin E có tác dụng bảo vệ các axit béo chống lại sự ôxy hóa, nhờ vậy làm chậm quá trình lão hóa của tế bào giúp làn da tươi trẻ và săn chắc.

- Vitamin A có tác dụng lột bỏ lớp da chết, thúc đẩy việc sản xuất chất collagen.

- Vitamin D giúp duy trì hàm lượng canxi trong máu nhờ đó xương và răng chắc khỏe.

- Kali và phốtpho có tác dụng làm đẹp da, tóc và giúp phát triễn cơ thể.

- Dầu trái bơ có rất nhiều giá trị trong việc tái tạo và giữ ẩm cho làn da. Dầu bơ bảo vệ làn da không bị khô và tăng khả năng đàn hồi của da.

Nguồn dinh dưỡng cho trẻ em

Trái bơ rất dễ chế biến làm thức ăn cho bé, với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, thì chỉ cần nghiền nhỏ phần thịt của Trái bơ, còn trẻ em lớn hơn thì có thể cắt thành từng miếng cho bé cắn.

Trái bơ rất có lợi cho sức khỏe của trẻ em, vì trong quả bơ có chứa protein, vitamin A, E, C cao. Protein là một thành phần dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triễn của trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Ngoài ra các chống ôxy hoá tác dụng bảo vệ các tế bào não, còn vitamin B tổng hợp trong Trái bơ có tác dụng tăng cường trí nhớ. Vì thế quả bơ là một nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho sự phát triễn trí não của trẻ em.

Giá trị với môi trường

Trồng bơ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường:

- Cây bơ không chỉ có tác dụng làm bóng mát mà còn giúp làm giãm nhiệt độ không khí do việc thoát hơi nước từ lá.

- Cây bơ còn là nguồn cung cấp ôxy đáng kể và giúp cho không khí có sự trong lành tươi mát. Vì theo các nghiên cứu cho thấy cứ 1 cây bơ sản xuất gần 118kg ôxy mỗi năm và cứ 1 ha vườn bơ trong 1 năm có thể giúp loại thải được 6,4 tấn CO2.

Vườn Bơ còn có thể làm giãm dòng chảy và lọc nước mưa nhờ đó làm giãm nguy cơ lũ lụt, nâng cao khối lượng và chất lượng nước. Rễ cây Bơ còn giúp chống lại sự xói mòn của đất.

Theo Dân trí

5 tháng 2, 2009

Teen Quảng Nam mê đồ chay

Một số đông teen Quảng Nam đang chờ đợi ngày rằm, mùng 1 với một niềm háo hức đặc biệt.
Đó là bởi trong những ngày ngày, teen lại có dịp “tái ngộ” với những món chay ngon tuyệt.

Chờ trong háo hức

“Rằm tháng rồi, tớ được dự một bữa tiệc chay ở nhà nhỏ bạn thân. Ăn một lần mê luôn, thế là thích ăn chay đến tận bây giờ”, Thúy An (12 THPT Trần Quý Cáp -TP Hội An) kể về kỉ niệm “bồ kết” đồ ăn chay của mình.

Còn Như Huyền (12B1 THPT Tiểu La) tuy nhà không theo đạo Phật nhưng vẫn mong chờ đến ngày rằm, mùng 1 để được...ăn chay. Cô bạn chia sẻ: “Món chay xứ Quảng mang một hương vị rất đặc biệt. Thực phẩm nấu chay hầu hết được chế biến từ đậu hũ và bột mì nhưng được tẩm ướp rất khéo, phù hợp với sở thích ăn mặn của người Quảng nên rất vừa miệng...”

Thực đơn các món chay cực phong phú: mì quảng, bún, phở, cháo, cao lầu...Ngay cả những món nghe cái tên hơi bị...mặn nhưng cũng là món chay: cơm đùi gà chiên, vịt xiêm quay, cá ngừ kho, tôm lăn bột, canh mướp đắng nhồi đậu hũ, bò quanh lửa hồng, mực ống chiên xù...Ngay cả những món ăn vặt ưa thích của teen cũng được làm chay: bánh căn, bánh xèo, bánh bao, bánh vạc, bánh tráng đập dập, bánh cuốn...

Hầu hết các quán chay chỉ bán vào ngày rằm, mùng 1 nên chuyện teen mong chờ đến ngày này là điều dễ hiểu. Vào một quán chay bất kì ở Quảng Nam, rất dễ dàng bắt gặp từng nhóm teen đang túm tụm “bày tiệc” chay.

Teen chọn đồ chay, bởi vì..

Ngoài lý do về tín ngưỡng thì món chay là lựa chọn số 1 của teen Quảng bởi hương vị quyến rũ “mới ngửi đã thèm”. Đồ chay được chế biến rất cầu kì và công phu, giá cũng nhích hơn món mặn từ 2-3k/món nhưng vẫn hút khách hàng teen cực kì, bởi lẽ: “Ăn chay, tớ thấy khỏe người hơn vì đồ chay hầu hết làm từ rau củ, đậu nành. Toàn những thực phẩm tốt và an toàn cho cái tuổi đang nhớn của tớ”, Minh Đức, một teenboy 12 THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tâm sự.

Còn bạn Hoàng Hạnh (lớp 12 TP. Hội An) lại ăn chay suốt tháng 7 âm lịch. Cô bạn bật mí: “Tháng 7 là tháng Vu lan, tớ ăn chay, thỉnh thoảng đi chùa với bà, nghe tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Áp lực bài vở năm cuối cấp cũng vơi bớt. Đôi lúc cũng thấy hơi nhạt miệng, nhưng ăn chay thế này giúp tớ cải thiện bớt cân nặng cho vừa với bộ áo dài đấy!”...

Ăn chay để giúp tâm trong sáng, thanh tịnh, ăn để giúp ích cho sức khỏe, ăn chay để điều hòa cơ thể, món chay phần nhiều là rau =">ăn" chay để đẹp da, giảm béo...Tóm lại, có rất nhiều lý do để teen Quảng kết đồ ăn chay.

Thêm nhiều lựa chọn cho teen

Những quán chay ngày rằm, mùng 1 đều bán không xuể bởi lượng khách hàng teen vô cùng đông đảo. Nhiều teen chen vào mua được đĩa cơm chay ra thì đã mướt mồ hôi, cảm giác ngon miệng cũng theo đó mà giảm đi đáng kể. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của teen, đã có nhiều quán chay bán tất cả các ngày trong tháng được ra đời. Được teen chuộng nhất phải kể đến quán Hương Sen (đường Trần Dư, TP.Tam Kỳ), quán Nhật Đa (đường Phan Châu Trinh), quán Tâm Quang Minh (đường Lý Thường Kiệt-TP.Hội An). Ngoài ra, tiệc buffet chay vào hai ngày 14, rằm ở siêu thị Coopmart (TP Tam Kỳ) cũng được teen hưởng ứng nhiệt liệt. Nhóm bạn của Huyền Như cất công đón xe buýt từ TT Hà Lam vào TP. Tam Kỳ thưởng thức tiệc buffet chay chia sẻ: “Chỉ với 25k, tụi tớ được thưởng thức trên 20 món chay tuyệt ngon, ăn trong không gian mát mẻ, độ sạch sẽ và lung linh thì miễn phải bàn. Cất công đi xa thế cũng xứng đáng!”...

Những ngày rằm lớn như rằm tháng 4 hoặc rằm tháng 7, rằm tháng 10 các chùa đều tổ chức bữa ăn chay miễn phí. Teen Quảng lại nhí nhoáy nhau rủ đi ăn cơm “chùa”. Có hai nghĩa nhé, thứ nhất là ăn cơm chay ngay tại chùa này, thứ hai là...free hoàn toàn này, ngoài ra được vãn cảnh chùa và tham gia các trò chơi ở trại chùa nữa cơ.

Ăn hàng quán hoài cũng không tiện, nhiều nhóm teen đã tập tành nấu thử các món chay. Những lần cùng bà đi chùa, cô bạn Hoàng Hạnh ở trên đã học được từ các ni cô cách nấu món canh mướp đắng nhồi ngon tuyệt đấy. Nhóm bạn của Minh Đức sau vài lần bị anh chàng rủ rê đi ăn đồ chay thì...ghiền luôn. Cả hội 5 chàng rủ nhau đi nhà sách lùng sục sách dạy nấu món chay, sau đó bày tiệc chay nhân dịp sinh nhật Đức, bố mẹ và bạn bè lại được một phen mắt chữ O, mồm chữ A trước món lẩu chay cực khéo của cả hội. “Bà và bố mẹ khen nức nở. Sướng!”, Minh Đức phổng mũi tự hào.

Không hài lòng với những thực đơn cũ, anh chàng còn kì công học chế biến những món chay mới: chả giò rau củ này, cơm trộn rau củ này. “Cực ngon và tốt cho sức khỏe nhé!”, anh bạn cười toe khoe.

Theo BaoVietNam

4 tháng 2, 2009

Giảm cân với khoai lang

Giầu dinh dưỡng nhưng khoai lang lại có tác dụng giảm cân hiệu quả. Đó là vì loại củ này chứa ít năng lượng, khi ăn nhanh tạo cảm giác no bụng…

Khoai lang chứa nhiều vitamin A, B, C, E, protein, tinh bột, chất nhựa, các axit amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khoẻ cơ thể như: canxi, kẽm, sắt, magie…Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đã gọi khoai lang là loại “thực phẩm cân bằng dinh dưỡng nhất”.

Ngoài giá trị dinh dưỡng nêu trên, khoai lang còn là sự lựa chọn số 1 cho những người muốn giảm cân. Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây.

Loại củ này không chứa chất béo và cholesterol, ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể.

Thành phần của khoai lang còn chứa các thành phần không dễ bị phân huỷ trong các dung môi hữu cơ vì vậy nhanh tạo cảm giác no bụng.

Ăn khoai lang trước bữa ăn chính sẽ làm bạn giảm được một lượng lớn thức ăn sẽ đưa vào cơ thể mà không hề gây ra cảm giác đói.

Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải (100gram/ngày) rất có lợi cho hệ tiêu hoá vì thành phần vitamin C và các axit amin giúp kích thích nhu động ruột, làm quá trình tiêu hoá thức ăn trở nên nhanh hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều khoai lang cũng sẽ gây ra đầy bụng, khó tiêu.

Nên chế biến khoai lang theo phương pháp nấu, luộc, nướng. Không giống như cơm và các thực phẩm khác, tinh bột có trong khoai lang khi rán, xào với dầu mỡ sẽ dễ tạo thành chất khó tiêu hoá. Còn khi ăn sống sẽ dễ bị đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy.

Nên ăn khoai lang vào bữa trưa vì lúc này khả năng hấp thụ canxi và các nguyên tố vi lượng khác của cơ thể ở mức cao nhất.

Theo Dân trí

Những người bị viêm, đau dạ dày , khi đói không nên ăn khoai lang vì khoai lang có thể kích thích dạ dày tiết ra nhiều chất chua, gây nên bị ợ nước chua để tránh tình trạng bệnh nặng hơn