16 tháng 2, 2009

MÓN ĂN THÔN DÃ : Canh rau tập tàng, muối sả


Cái vị muối sả mằn mặn, the the cay nhẹ khi lua với từng miếng cơm gạo quê, nghe cứ ngọt lừ trong miệng, nhai càng kỹ thì càng có cơ hội để thưởng thức hương vị ngạt ngào thấm vào tận chân răng, đầu lưỡi...

Có một buổi nào đó, với cái vốn “văn hóa ẩm thực”, ta bỗng chợt hồi tưởng một món nồng nàn, bản sắc mà không kém hiện đại, ấy là một bữa cơm “rằng chay thì hẳn là chay”: Chả cần đến vị nước mắm thường ngày mà lại cảm thấy ngon hơn hẳn thịt thà mỹ vị. Bữa ăn chỉ đơn giản thế này: cơm - muối sả hoặc muối é - canh tập tàng, không thêm không bớt. Vườn nhà quê, vài bụi sả và các loại rau tập tàng linh tinh thì lúc nào cũng sẵn, chỉ cần làm siêng xách rổ vơ túi bụi một lát là có thể nấu một bung canh ngút khói và đâm được một tô muối sả nức mũi.

Nói về cơm, nếu là gạo lúa rẫy, lúa mới thì càng tuyệt. Nấu bếp ga, nồi điện cũng chả sao nhưng nếu nấu bằng nồi đất hoặc gang chụm bằng củi, vần than có một lớp cháy ở đáy nồi thì đúng là... thơm phức. Riêng cơm vừa chín tới mà ăn với muối sả thì cũng đủ thấy đời... lên hương. Người nhà quê ăn uống ít tưởng chừng qua quýt nhưng không kém ý vị, lắm khi làm nhiều kẻ giàu sang thị thành phải phát thèm. Có người hẳn sẽ cho tôi là hoài cổ nhưng quả thật, chuyện ăn uống mà càng thủ công theo truyền thống ông bà và nguyên vật liệu càng sinh thái thì ăn càng ngon miệng.

Nói về muối sả, muối é thì lại càng dễ. Chỉ việc dùng muối hột hoặc muối hầm giã nhuyễn chung với củ sả, lá é trắng thế là xong! Sả phải chọn củ tươi, vừa ra vườn nhổ vào, lá é cũng vậy, lột lấy phần củ sả rồi cắt lát mỏng theo chiều ngang để giã chung mau quyện với muối, ai ăn cay thì thêm trái ớt xanh (loại ớt sim, ớt rừng thì càng nồng đượm). Dù còn đang giã nhưng bụng nghe đã cồn cào. Chén muối sả giã xong có màu tím nhạt, thoảng một mùi hương của đất vườn, có thể làm tứa nước bọt bất cứ ai đã quá quen với thức ăn nhà hàng... có “sao”!

Nói về canh tập tàng thì lại quá đơn sơ. Bởi đây chỉ là canh rau suông nấu với muối hay có thể cho thêm chút bột ngọt. Rau tập tàng tức là rau lộn xộn các thứ như: rau má, muống, dền, bát, sam, mồng tơi, cải xanh, cải rổ, đọt khổ qua... Tất tần tật thứ rau gì ăn được và tùy mùa, tùy vùng, chẳng câu nệ phải đầy phải đủ. Nhưng phải là rau tươi, rau sạch (không phun thuốc trừ sâu). Rau tập tàng đã lặt bằng tay nguyên từng khúc thân, chiếc lá rửa sạch, sau đó chỉ việc bắc nồi nước đun sôi rồi bỏ vào nêm nếm vừa ăn là nhắc nồi bày ra mâm. Cái ngon của canh rau tập tàng thì chắc nhiều người cũng đã ghiền, đây lại là rau nấu mộc với muối nên cái thơm ngon của hương vị trời đất rau vườn lại càng được tôn triệt để, “canh tập tàng ngon, con tập tàng khôn” mà lị!

Đôi khi, cơm nóng gạo lúa mới mà ăn với muối sả, canh tập tàng bốc khói thì cảm thấy như... tiên ở trên trời! Cái vị muối sả mằn mặn, the the cay nhẹ lùa với từng miếng cơm gạo quê, nghe cứ ngọt lừ trong miệng, nhai càng kỹ thì càng có cơ hội để thưởng thức hương vị ngạt ngào thấm vào tận chân răng, đầu lưỡi, lâng lâng đến từng lỗ chân lông, thớ thịt... Chưa kịp lịm đi vì muối sả, ta “chơi” tiếp một bát canh tập tàng đầy mập, húp xì soạt cho mồ hôi chảy lòng ròng thì mới tan nổi cái nóng giữa hạ, bớt đi cái lạnh mùa đông... Phải nói, lâu lâu mà ăn thứ cơm muối-canh suông kiểu thế này, nếu… “quá chén” thì có thể kềnh bụng đến tức thở đấy!

(Theo VOV)