31 tháng 1, 2009

Trẻ tinh khôn, lớn lên sẽ ăn chay


Chuyên viên nghiên cứu người Anh vừa phát hiện ra một hiện tượng độc đáo và lạ kỳ. Họ nghiệm thấy rằng những đứa bé tinh khôn, lớn lên có nhiều khả năng trở thành những người ăn chay.

Một công trình nghiên cứu đáng tin tưởng, căn cứ trên việc thử nghiệm với 8179 người nam nữ, tuổi khoảng ba mươi, mà thương số thông minh (QI) đã được trắc nghiệm hồi mười tuổi. Người ta thấy rằng trong số này có 4,5% ăn chay. Đặc biệt là những người có QI càng cao càng có triển vọng ít ăn thịt hơn.

Ngoài ra, họ còn nhận thấy rằng những người ăn chay thường có một trình độ học vấn cao hơn mức trung bình. Theo những chuyên viên nghiên cứu thì điều đó có thể giải thích tại sao những người có QI cao thường ít có nguy cơ bị những bịnh tim mạch. Lý do là chế độ ăn uống rau quả thường đa dạng và cân đối hài hòa hơn.

Quả thật, người ta đã biết rằng trình độ học vấn hay giai tầng xã hội thường làm cho người ta ít béo phì, chú ý đến chuyện ăn uống lành mạnh hơn và, nói chung là quan tâm nhiều hơn đến những chỉ dẫn về chuyện phòng ngừa vệ sinh. Nhưng, các chuyên viên cũng cho biết rằng dẫu cho căn cứ trên trình độ xã hội thì vẫn có tương quan trực tiếp giữa QI và chuyện ăn chay. Từ đó, có thể kết luận rằng không ăn thịt là giải pháp khôn ngoan nhứt, không còn chọn lựa nào khác. Chuyện ăn chay thường là một chọn lựa trước hết gắn liền với một sở thích nào đó, một nét đạo lý hay là một sự khấn hứa, chớ không phải là một sự chọn lựa duy lý.

Nhưng cũng có những nguyên do hợp lý để chọn lựa ăn uống bằng rau trái. Chẳng hạn như nước và diện tích canh tác thay vì để nuôi bò có thể nuôi được con người nhiều gấp hai hoặc ba lần, nếu đem sử dụng trực tiếp cho chuyện ăn uống của người ta. Dẫu sao đi nữa, nếu con cái các bạn không trở thành người ăn chay, không nhứt thiết là chúng thiếu thông minh. Trái lại, nếu muốn thành tựu trí tuệ của các cháu được ưu việt thì các cháu cần phải ăn rau và trái cây!

Trẻ em với thương số thông minh cao, lớn lên thường trở thành những người ăn chay, theo kết quả của một cuộc nghiên cứu được Báo Y Tế Anh đăng tải trên Internet. Công trình nghiên cứu này, được thực hiện với 8000 người nam nữ, tuổi 30, mà thương số thông minh (QI) đã được đo lường lúc lên 10, cho thấy rằng QI càng cao thì lớn lên có nhiều khả năng để trở thành hay tự cho là người ăn chay. Tài liệu nghiên cứu xác nhận rằng nếu QI gia tăng 15 điểm thì khả năng trở thành người ăn chay tăng lên 38%. Trên 33% đàn ông và đàn bà, trong chương trình nghiên cứu, tự cho là ăn chay nhưng nói rằng họ cũng ăn thịt trắng và cá. Chỉ có hơn 4% là ăn chay nghiêm chỉnh và 2,5% ăn chay một cách tuyệt đối, nghĩa là không ăn thứ gì xuất phát từ động vật, dù là trứng hoặc sữa. Kết quả của công trình nghiên cứu này, cũng tương tự như những cuộc nghiên cứu khác, cho thấy rằng những người thông minh hơn có khuynh hướng ăn uống lành mạnh hơn và tập luyện thể thao nhiều hơn.

Phan Quân phỏng dịch

30 tháng 1, 2009

Cách bày mâm ngũ quả

Mỗi vùng có cách bày mâm ngũ quả khác nhau. Người miền Nam chuộng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung, trong khi đó người miền Bắc lại thích chuối, bưởi, đào, hồng và quýt.

Ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng có mâm ngũ quả để chưng trên bàn thờ, bên cạnh bánh chưng xanh, lọ hoa, nến. Năm loại quả, mỗi quả một dáng vẻ và màu sắc riêng, hợp lại thành bức tranh sống động, vui mắt. Mỗi vùng, miền có cách trình bày mâm ngũ quả khác nhau.

Miền Nam

Với triết lý “cầu vừa đủ xài sung túc”, người miền Nam chuộng năm loại quả là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Nếu muốn bày một mâm ngũ quả kiểu Nam bộ, bạn cần chuẩn bị các loại quả này.

Người ta thường chọn ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp.

Miền Bắc


Chuẩn bị: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.

Trình bày: Cách trình bày truyền thống sẽ là nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt, đào bày đan xen vào nhau.

Ngoài ra, bạn cần tham khảo vài cách chọn quả sau đây:

- Chọn quả đang xanh hoặc chín cây để chưng được lâu.

- Không nên rửa quả vì khi dính nước, quả sẽ mau héo.

- Chọn quả chắc, không trầy, còn cuống và lá để mâm quả sum suê.

- Với dưa hấu, nếu muốn biết quả ngon hay không, bạn búng tay vào vỏ dưa. Âm thanh trầm, nghe bịch bịch tức quả chưa bị nẫu. Quả quýt lõm phía dưới thường ngọt hơn. Quả bưởi tươi, ngon thường chắc, nặng.

Theo Tiếp Thị & Gia Đình

29 tháng 1, 2009

Chao và cách làm Chao & cách làm xốt chấm từ Chao



Chao còn được gọi là đậu phụ nhự, là đậu phụ được làm từ đậu nành bình thường nhưng qua phương pháp ủ cho lên men, tạo thành các bánh chao mặn, béo ngậy, được ưa dùng trong việc chế biến các món ăn chay. Trong các cuốn sách về ăn chay dưỡng sinh có nói, sở dĩ Chao dầu dinh dưỡng hơn đậu phụ thường là do trong quá trình được ủ cho lên men, các protit có trong đậu nành được chuyển hóa thành các axit amin.

Để làm Chao, với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay ở một số nơi người ta có thể mua men mốc có sẵn về « cấy » lên đậu phụ để làm lên men. Hoặc người ăn chay cũng có thể tự làm Chao nếu muốn. Tuy nhiên Chao bây giờ khá sẵn, các bạn việc tìm mua ở các cửa hàng bán đồ ăn chay hoặc là đồ hộp Tầu. Ở Châu Âu chỉ cần vào bất cứ tiệm bán đồ khô Tầu, Nhật, Việt nào cũng sẽ có ngay, Chao được bán ở đây thường là Chao ngâm, có đủ loại Chao trắng và Chao đỏ.

Cách làm Chao dân gian như sau.

Đậu phụ mới làm ra, được đem ép cho hết sạch nước. Trước đây ngoài việc ép cho đậu phụ ra bớt người, người ta còn có thể lót vải xô lên một thúng tro bếp, xếp các miếng đậu phụ lên trên cho tro thấm hết nước từ đậu.

Bước tiếp theo là dung một miếng vải xô khô, sạch, phủ lên kín đậu phụ cho sạch mà thoáng, để đậu như vậy ở nhiệt độ thường từ 28 – 30°, ngày đem ra phơi nắng vài giờ, rồi lại mang vào nơi thoáng mát, sau vài ngày, sẽ thấy đậu phụ xuất hiện men mốc. Khi mốc mọc đều trên mặt đậu, thấy có mùi hơi chua thiu là được.

Dùng muối rang đã tán nhỏ, rắc hoặc lăn đậu phụ vào muối sao cho muối bám kín đều lên các mặt miếng đậu. Chuẩn bị một lọ sạch đã tiệt trùng, khô ráo, xếp các miếng đậu vào trong, giữ nguyên muối bám vào chúng.

Sau cùng, rót rượu trắng vào lọ, rượu phải đủ ngập đậu. Đậu được để ngâm như vậy trong khoảng 20 – 25 ngày là ăn được.

Thành phẩm Chao rất ngậy, béo, hơi mặn và thơm vị rượu. Miếng Chao mềm nhưng không bị nát khi đụng đũa. Chao có thể được dùng luôn với cơm hoặc đem chế biến cùng các món kho, xào, đem làm xốt… đều ngon cả.

Kinh nghiệm dân gian muốn chao thật ngon thì ngoài rượu nên cho thêm môht ít nước tương đậu (như tương Bần) vào, chao sẽ rất ngon.

Cách làm – nguyên liệu đủ cho một bát con xốt :

Hành tím một củ

Tỏi khô ba nhánh

Băm nhỏ.

Cà chua một quả, bỏ hạt, thái hạt lựu.

Một chút dầu ăn.

3 miếng Chao vuông ( nếu thích vị hơi mặn hơn thì cho 4 miếng )

Phi thơm hành tỏi khô với dầu ăn, bỏ cà chua vào đun lửa nhỏ vừa cho ra bột. Thêm một chút nước lã vào xốt cà chua. Nghiền nát ba miếng Chao, bỏ vào xào nhỏ lửa cùng xốt, quấy cho Chao nhuyễn sánh, nếm thử thấy vừa mặn, vừa đặc sánh thì lấy ra.

Xốt chao ngọt, rất ngậy, thơm ngon mà không cần phải cho thêm gia vị gì. Chấm với các loại rau luộc thật tuyệt

Theo Vườn Hương Vị

27 tháng 1, 2009

Xôi Gấc – sắc mầu của sự may mắn

Bánh Chưng mang theo hương của đất, sắc của thiên nhiên và vị của mùa màng. Bên cạnh bánh Chưng, người xứ Bắc còn rất mong muốn có một đĩa xôi Gấc với sắc đỏ tươi tắn, để cúng tổ tiên vào ngày Tết. Đĩa xôi Gấc nói lên mong muốn của con người, mong có có một năm mới nhiều may mắn và thành đạt.

Trái Gấc tròn trĩnh, khi chín đã mang mầu đỏ gạch ngay từ ngoài lớp vỏ xù xì, nhìn rất đẹp mắt. Người làm món xôi Gấc không khỏi thích thú khi bổ đôi quả Gấc, cẩn trọng cắt lớp vỏ mỏng rồi tới lớp cùi dầy mầu vàng mỡ ở bên trong, để không làm nát phần ruột Gấc đỏ tươi. Lớp cùi vàng bao lớp hột đỏ thắm, hai thứ mầu rất đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt ta, mà chỉ nhìn thôi, đã thấy sự may mắn trong đó.

Ở xứ lạnh, dù là nơi có nhiều người Việt sinh sống, trái Gấc không hề dễ kiếm, bởi chỉ có người xứ Bắc là hay dùng, mà cũng chỉ dùng vào dịp Tết là chính. Vào dịp này mỗi năm, nếu muốn có một quả Gấc thì mình phải đặt người bán hàng từ trước vài tuần. Có vẻ như chỉ có một mình mình mua, chị ấy chỉ lấy về có hai quả.

Nấu xôi Gấc không khó, cái chính là chọn cho được một quả gấc có ruột thật đỏ. Trung bình, người ta có thể dùng một quả Gấc cho hai đĩa xôi nhỏ vẫn để thờ cúng.

Ruột Gấc được bào và để riêng trong một bát lớn, người ta cũng lấy thêm một chút lớp cùi vàng mỡ óng ả, cho xôi thêm phần béo ngậy, song không lấy quá nhiều, vì phần cùi vàng sẽ làm lạt bớt mầu đỏ của đĩa xôi. Gấc sẽ thơm ngậy hơn nữa khi được trộn cùng một chút rượu gạo. Người làm xôi phải dùng tay mà trộn đều cho ruột Gấc thôi dần sắc đỏ, cho tới khi thấy ruột Gấc thật nhuyễn, đỏ và thơm.

Gạo nếp ngon được đem đãi sạch, ngâm nước trong khoảng 3 giờ, vớt ra cho ráo, xóc đều cùng muối trắng. Lúc này ruột gấc được đem trộn lẫn vào với gạo nếp, một lần nữa, người ta phải dùng hai tay mà trộn, để gạo không vỡ vụn còn mầu đỏ của ruột Gấc thì thấm đều vào hạt gạo. Có nhà thì đem bỏ hột Gấc, chỉ hấp xôi không, còn như nhà mình thì có thói quen hấp xôi lẫn với hột Gấc. Các cụ bảo, nên hấp cả hột Gấc vào xôi cho đẹp mắt.

Gạo được đem hấp trong khoảng 40 phút, xôi chín mềm, hạt xôi bóng mọng, dẻo, thì được.

Để món xôi Gấc có một mùi vị hấp dẫn riêng có nó, khi xôi còn đang nóng, mình có thể rưới đều vào đó vài thìa đường, vài thìa ăn phở dầu ăn hành phi , trộn đều cho đường và dầu tan, thấm đều vào xôi. Món xôi sẽ có vị ngọt nhẹ, béo ngậy.

Quả Gấc chưa được sự dụng thật nhiều trong việc chế biến các món ăn, nhưng bạn cũng có thể dùng nó trong các món hầm, xốt vang . Gấc góp phần làm nên những món ăn rất thơm, ngậy về mùi vị, hấp dẫn về mầu sắc.

Theo Vườn Hương Vị

26 tháng 1, 2009

Nên dùng tảo SPIRULINA như thế nào ?

Trong thời gian gần đây, do một số quảng cáo có nội dung nặng phần thương mại nên không ít người đã và đang dùng tảo Spirulina trên tinh thần cường điệu, thậm chí cả tin như đây là một loại thuốc trị bá bệnh! Đáng tiếc vì như thế chỉ dẫn đến nhiều trường hợp thất vọng sau thời gian áp dụng. Mặc dầu thành phần của Spirulina rõ ràng có tính ưu việt, tặng vật này, cũng như bất cứ hoạt chất sinh học nào khác, chỉ có thể triển khai tối đa tính hữu dụng nếu được dùng đúng cách, nghĩa là đúng chỉ định và đúng liều lượng.

Nói chung, nguyên tắc sử dụng Spirulina xoay quanh cách ứng dụng một cách chọn lọc toàn bộ acid amin chủ yếu cho nhu cầu kiến tạo sinh tố và khoáng tố để bổ sung nguồn dự trữ các chất kháng oxy-hóa để ngăn chặn tiến trình lão hóa biểu lộ qua triệu chứng xơ vữa và dấu hiệu thoái hóa.


Trên thực tế, liều lượng của tảo Spirulina tất nhiên thay đổi trong phác đồ và trong tiến trình điều trị tùy theo nhu cầu cá biệt của mỗi đối tượng, ngay cả cho mục tiêu phòng bệnh, nhưng không đến độ quá cao như liều lượng được đề nghị một cách thái quá trong nhiều tờ bướm. Thông thường có thể phân chia liều áp dụng của tảo Spirulina vào 3 nhóm: liều cao cho trường hợp suy nhược trầm trọng: từ 4 đến 6g tảo nguyên chất/ngày; liều trung bình cho bệnh nhân có nhu cầu hồi phục nhưng không quá khẩn cấp: từ 2 đến 4g tảo nguyên chất/ngày; liều thấp cho đối tượng đã ổn định về mặt sức khỏe nhưng cân duy trì tác dụng: từ 1 đến 2g tảo nguyên chất /ngày.

Tảo Spirulina khó gây ngộ độc do tích lũy vì hoạt chất trong tảo vừa dễ dung nạp, vừa dễ được đào thải nếu thặng dư. Tuy vậy, trong mọi trường hợp, không nên dùng tảo một lần với lượng quá cao. Trái lại, nên chia đều trong ngày để hoạt chất vừa dễ được hấp thu vừa không gây gánh nặng cho cơ quan biến dưỡng như gan thận. Cũng đừng áp dụng tảo Spirulina với định kiến càng nhiều càng tốt, cang thường càng hay. Cũng như với bất kỳ dược liệu nào khác, người dùng tảo Spirulina nên tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc để tùy theo cơ tạng, thể trạng và tình trạng bệnh lý mà linh động áp dụng như sau:

1. Người bệnh tim mạch: Để chia sẻ gánh nặng cho trục tiêu hóa không nên dùng tảo ngay sau bữa ăn chính, ngoại trừ trường hợp dùng tảo ở liều thấp. Tốt hơn nên uống tảo khoảng 1 giờ sau bữa điểm tâm để tận dụng công năng trợ tim của khoáng tố magnesium và calcium trong tảo, sau khi đã kiểm soát huyết áp. Để tránh tác dụng lợi tiểu ban đêm khiến bệnh nhân có thể mất ngủ do thành phần kalium trong tảo, không nên dùng tảo Spirulina vào buổi tối.

2. Người bệnh tiểu đường: Để vừa cung cấp dưỡng chất, vừa chống cảm giác đói bụng vốn là nỗi khổ của nhiều người bệnh tiểu đường, nên dùng tảo trước mỗi bữa ăn và nhất là vào buổi tối để người bệnh không bị dằn vặt vì cảm giác đói trong đêm rồi sinh mất ngủ. Bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc chống viêm đa thần kinh ngoại biên có thể yên tâm dùng chung với tảo vì thành phần sinh tố B và nhiều loại acid amin trong tảo có tác dụng cộng hưởng với thuốc đặc hiệu.

3. Người bệnh dạ dày: Nhằm tối ưu hóa công năng chống tác dụng xoi mòn của chất chua trong dạ dày, vừa cung cấp chất đạm để làm lành ổ loét, nạn nhân của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên dùng tảo theo kiểu hai mặt giáp công, uống trước mỗi bữa ăn khoảng 15 phút và sau bữa ăn khoảng nửa giờ, nghĩa là tối thiểu 3 lần trong ngày.

4. Người lao tâm: Với người căng thẳng thần kinh vì stress, việc dùng tảo trước bữa ăn sáng với ly nước khoáng lớn (300ml) là biện pháp nên được thực hiện mỗi ngày. Nhưng quan trọng không kém là thói quen dùng tảo khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ để cơ thể kịp thời biến tryptophan trong tảo thành serotonin, hoạt chất giữ vai tro quyết định cho giấc ngủ yên bình.

5. Người lao lực: Tùy theo mức độ suy nhược có thể dùng tảo sau mỗi bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Đừng bắt đầu với liều cao. Trái lại, nên bắt đầu với liều trung bình rồi tăng dần sau mỗi đợt dùng thuốc 5 ngày cho đến khi đạt được hiệu quả mong muốn thì trở lại liều thấp để ổn định tác dụng.

6. Người cao tuổi: Để cung cấp dưỡng chất một cách hòa hoãn theo đúng nhịp sinh học của cơ thể người cao tuổi chỉ nên dùng liều thấp và chia đều trong ngày. Cách này cũng có thể áp dụng cho người chay trường, chẳng hạn dưới hình thức sau mỗi bữa cơm và thêm một lần trước khi đi ngủ. Riêng với người tập dưỡng sinh hay vật lý trị liệu thì 500mg tảo Spirulina sau mỗi buổi tập là điều cần thiết.

7. Thai sản phụ: Bên cạnh chất đạm cần thiết cho sự tăng trưởng của thai nhi, trẻ sơ sinh, để cung cấp cho cơ thể acid folic, tiền sinh tố A, sắt ... nên dùng tảo Spirulina ở liều trung bình trong 6 tháng đầu của thai kỳ. Trong ba tháng cuối nên theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc. Trong suốt thời gian cho con bú, người mẹ có thể yên tâm dùng tảo với liều cao. Khéo hơn nữa là dùng tảo sớm hơn cho người muốn mang thai vì nhu cầu về acid folic bội tăng nhiều tuần trước khi thụ tinh.

8. Trẻ con: Tảo Spirulina trên nguyên tắc có thể áp dụng cho trẻ ở mọi lứa tuổi, nhất là ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ rối loạn tiêu hóa do lạm dụng thuốc kháng sinh, nhưng phải hỏi ý kiến thầy thuốc. Điểm bất lợi duy nhất là tảo có mùi vị không ngon khi pha vào sữa. Xin đừng quên liều trung bình mỗi ngày không được vượt quá 150mg/kg trọng lượng của trẻ/ngày.

9. Công nhân: Với người phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, người làm việc trong văn phòng cao ốc đóng kín, việc áp dụng tảo Spirulina thường xuyên với liều trung bình, hay cho dù định kỳ 7-10 ngày trong tháng, chẳng hạn dưới hình thức sau bữa trưa và chiều, là một trong các biện pháp cơ bản để bảo vệ sức khỏe. Khéo hơn nữa là dùng tảo trước và sau ca trực cũng như tăng liều sau mỗi lần nghỉ bệnh.

10. Vận động viên: Nên áp dụng tảo Spirulina dưới hình thức như sau dùng liều tối đa sau mỗi lần thi đấu liều trung bình sau buổi tập luyện và liều thấp sau mỗi bữa ăn để bảo tồn tác dụng trong suốt thời gian nghỉ ngơi.

11. Người béo phì: Nhằm tận dụng chất xơ để kéo theo chất béo trong thực phẩm xuống thẳng ruột già, thay vì được hấp thu qua niêm mạc ruột non, cũng như để ức chế cảm giác đói, người muốn giảm cân nên dùng tảo Spirulina với liều trung bình nhưng trước mỗi bữa ăn chính khoảng 30 phut.

12. Bệnh nhân sau đợt xạ trị, sau liệu trình chống lao: Để chống thiếu máu cũng như nhằm yểm trợ tiến trình tổng hợp kháng thể, nên dùng tảo Spirulina ở liều cao sau mỗi bữa ăn chính cho đến khi xét nghiệm huyết học trở về định mức bình thường. Sau đó có thể tiếp tục dùng tảo dài hạn ở liều trung bình.

Hoạt chất nào, dù là hóa chất tổng hợp hay nguyên liệu thiên nhiên, đều có thể trở thành độc chất nếu bị lạm dụng. Với tảo Spirulina cũng thế. Người tiêu dùng không nên tự ý áp dụng lâu dài nếu chưa tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc. Lại càng không nên áp dụng theo lời đồn hay rập theo cách người khác đã sử dụng. Có được thuốc tốt trong tay là điều may mắn. Nhưng muốn tảo Spirulina thực sự nên thuốc, nên nhớ mỗi người là một cá thể với khả năng cảm ứng hoàn toàn cá biệt. Cũng đừng quên vai trò không thể thay thế của thầy thuốc.

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG (Trung tâm Oxy Cao áp TP)

25 tháng 1, 2009

Tìm trong một cõi ăn chay : Nhà hàng Tịnh Tâm

Vài năm gần đây, khi mà các thống kê y học cho thấy tỷ lệ người máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, hàm lượng Cholesterol trong máu; tỷ lệ người bị bệnh tiểu đường… tăng cao, thì ở Thủ đô, không chỉ riêng Nàng Tấm, mà đã xuất hiện hàng loạt quán cơm chay mới như quán Thiên Nhiên bên đường Thái Hà, quán Trường Sinh ở Khu tập thể Trương Định, quán Thành Tâm bên đường Phó Đức Chính, quán An Lạc ở 15 Hàng Cót… để đáp ứng nhu cầu ăn chay thực dưỡng của khách. Từ những nguyên liệu thực vật bình dị và đơn giản, người làm thức ăn chay với trí tưởng tượng phong phú và tài nghệ đôi tay đã sáng tạo nên hàng trăm món ăn ngon, hấp dẫn với các tên gọi như giò, nem, ninh, mọc, cá, trứng, thịt bò… y như thật, món nào cũng ngào ngạt hương thơm, đậm đà gia vị, hài hòa màu sắc để ai đó dù chỉ một lần được thưởng thức cũng khó có thể quên, có người được ăn đôi ba lần mà trở thành “nghiện”. Nghe nói, sư cụ Đàm Anh, trụ trì tại chùa Phụng Thánh ở cuối ngõ Cổng Trắng đường Khâm Thiên, chỉ với rau, măng, dưa, đỗ mà có thể chế biến ra tới 400 món ăn ngon thì quả là tài nghệ. Các món chay chẳng những giàu chất dinh dưỡng, lợi cho sức khỏe, có thể chữa được một số bệnh, mà nó còn hàm chứa những giá trị nhân văn có gốc gác từ triết lý “tứ diệu đế”- bốn chân lý diệu kỳ - của nhà Phật, là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo; giúp người ta sống nhân bản và hướng thiện.

Theo quan niệm của tứ diệu đế, cuộc sống của chúng sinh chủ yếu là khổ (chân lý về khổ); nguyên nhân của khổ là do chúng sinh bị ràng buộc quá nhiều vào những ham muốn bình thường (chân lý về tập); do đó muốn khỏi khổ, chúng sinh phải diệt trừ tận gốc các ham muốn thái quá (chân lý về diệt); để diệt được các ham muốn, chúng sinh phải thực hành đạo (chân lý về đạo). Ăn chay cũng là một trong những phương thức để người đời thực hiện các “chân lý” của Phật giáo.

Chính vì đã từng được thưởng thức các món ăn nhà chùa, nên khi biết tin nhà hàng Tịnh Tâm ở tổ 18 phố Sông Thao, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì vừa khai trương, tôi có rủ một vài người bạn cùng đi. Nhưng có lẽ những người bạn giàu “tâm hồn ăn uống” của tôi liên tưởng Tịnh Tâm với những đồ ăn, thức uống thanh đạm của các bậc tu hành khổ hạnh, nên dù đã ngồi trên xe rồi nhưng nhìn qua nét mặt, tôi biết họ chưa mặn mà lắm với khoản cơm chay.

Nhà hàng Tịnh Tâm vốn trước đây cũng bán hàng ăn uống bình thường, không có tiếng tăm gì lắm so với các quán cá Bờ Sông, quán cá Hạc Trì hoành tráng ở ngay bên cạnh. Rồi từ một cơ duyên, chủ nhà hàng may mắn gặp được mấy vị tăng ni miền Nam xuất hành vãn cảnh miền Bắc và được gợi ý: Giữa chốn ồn ào tôm cá bờ sông như thế này thì nên mở hàng cơm chay, cũng là kinh doanh đặc sản, cũng là để chủ nhân tu tại gia, làm thêm điều thiện. Cơ sở vật chất thì đã có sẵn một nhà 4 tầng, trong đó có một phòng ăn rộng có thể sắp xếp đồng thời mấy chục bàn ăn và một số quán lá mát mẻ ven hồ. Quan trọng là đầu bếp thì các sư thầy cử phật tử từ Nam ra giúp. Hồi 8 giờ 8 phút ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch vừa qua, nhà hàng Tịnh Tâm treo đèn lồng khai trương. Ngay sau đó nhà hàng đã nhận được nhu cầu làm 300 xuất cơm chay phục vụ ngày lễ trọng của một chùa lớn trong vùng. Buổi đầu, dù vạn sự khởi đầu nan, nhưng cơm chay Tịnh Tâm đã được ngợi khen, hàng ngày lượng khách chưa nhiều nhưng vừa làm vừa học, công việc phục vụ cũng đủ để thầy trò truyền dạy nhau bí quyết làm các món ăn chay.

Bữa cơm chay của chúng tôi hôm ấy có nhiều món ngon, nào là ngô chiên, sườn non chua ngọt, giò lụa, chả quế, chả chìa; nào là ếch tẩm bột, xúc xích, sa-lat…thật ngon miệng. Chúng tôi phải cảm ơn cô Sen, người phụ trách nhà hàng vì đã mời được sư thầy Nguyên Dược trên đường thăm thú đất Tổ lưu chân tại đây đến trò chuyện với khách về những triết lý phật giáo, về ẩm thực dưỡng sinh. Thầy khuyên rằng, ngày nay kinh tế đã khá hơn, miếng ăn đã ngon hơn; nhưng cũng vì cái ăn, vì sự dư thừa mà sinh ra bao bệnh tật, nên câu “bệnh vào từ miệng” bây giờ thấy càng đúng. Ăn nhiều thịt là tự đầu độc, con người tự sát ngấm ngầm mà không hay. Thế nên, từ lâu, người Nhật Bản đã thực hiện phương pháp dưỡng sinh Ohsawa để đẩy lùi bệnh tật. Ngày nay khoa học hiện đại đã chứng minh, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, sống lâu, tránh được các chứng nan y. Hiện nay, ở Việt Nam đã có hàng vạn người thưc hiện chế độ ăn uống dưỡng sinh. Ngày rằm, mùng một có rất đông người, không chỉ bậc cao tuổi mà cả nam thanh nữ tú cũng đến cửa phật “ăn mày”… đôi bữa cơm chay.

Nhân câu chuyện của sư thầy Nguyên Dược, tôi nhớ đã từng đọc một bài báo nói về dưỡng sinh chữa bệnh. Bằng các công thức ăn uống, trong đó có công thức “gạo lứt, muối mè” mà nhiều người bị bệnh nặng ở Hà Nội đã có cơ được trở về từ cõi chết, như bà Nguyễn Thị Tuất trú tại P9, A7 khu tập thể Đại học kinh tế quốc dân; chị Vũ Xuân Oanh, trú tại P 115, A8 Khu tập thể Nam Đồng; anh Nguyễn Minh Tuấn ở tổ 9 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng… Như một nhà tư vấn, với chất giọng nhỏ nhẹ của người miền Trung, sư thầy Nguyên Dược khuyên rằng: Hàng ngày mọi người nên chú ý đến việc ăn uống, đừng qúa ham mê chốn rượu thịt ồn ào mà tổn hại sức khỏe. Đến Tịnh Tâm, từ chú “tiếp viên” áo nâu sồng đến cô chủ quán mau miệng đều cho thực khách những liên tưởng về chốn thiền môn, cho ta cảm giác bình yên khi mọi sự xô bồ như để lại phía sau. Trước lúc chúng tôi ra về, sư thầy Nguyên Dược còn cho nhà sư Thiện Hải viết tặng mỗi người một chữ: hoặc là Tâm, Đức, hoặc là Phúc, Nhẫn như là một lời chúc tốt lành. Thư pháp của sư Thiện Hải khá cừ khôi, nét chữ rắn rỏi mà uyển chuyển, mềm mại mà biến hóa. Tôi chợt nhìn lên tường, một bức thư pháp lớn có mấy câu thơ: Trăm năm trước ta còn chưa gặp/ Trăm năm sau biết gặp lại không?/ Cuộc đời sắc sắc không không/ Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau, càng thấy rằng cuộc đời này cần lắm những tấm lòng nhân hậu, vị tha để mỗi người bình tâm bước qua những ham muốn thái quá, mỗi người biết vì mọi người, vì cả chúng sinh, biết tu nhân, tích đức. Ngẫm ra, một cõi cơm chay mà khơi gợi bao điều.

Theo Bao Phu Tho

24 tháng 1, 2009

Tảo Spirulina có ích cho người ăn chay

Người ăn chay đừng quên một tặng vật độc đáo của thiên nhiên: Tảo Spirulina!

Spirulina tất nhiên không vô cớ trở thành thực phẩm chức năng quan trọng cho người chay trường. Spirulina sở dĩ độc đáo là do Spirulina hầu như không có chất đường nên là món ăn an toàn cho người sợ béo phì cũng như cho đối tượng có cơ tạng dễ bị tiểu đường.

Spirulina với lượng chất đạm không dưới 70% là nguồn chất đạm nhiều gấp 3 lần thịt bò (20-25%), hơn xa thịt gia cầm (22-30%), và vượt xa sữa tươi (3-4%).

Chất đạm trong Spirulina là tổng hợp của 20 loại acid amin vừa dễ được dung nạp, vừa rất cần thiết cho nhiều chức năng, từ hoạt động của hệ miễn nhiễm bước qua chức năng tư duy cho đến tiến trình tái tạo tế bào.

Spirulina là nguồn bổ sung các loại sinh tố thuộc nhóm kháng ung thư, như sinh tố A với hàm lượng cao hơn trong gan bò, sinh tố E nhiều hơn trong dầu thực vật, tiền sinh tố A với tỷ lệ cao hơn trong rau quả.

Sự hiện diện của tập thể sinh tố B1, B2, B6, B12, PP … trong Spirulina giúp cho các acid amin trong tảo được biến dưỡng một cách tối ưu.

Spirulina nhờ dồi dào về thành phần khoáng tố, như vôi, magnê, phốt-pho, kali, sắt, kẽm, selen, crôm, molybdan … với hàm lượng cao hơn trong sữa tươi, là biện pháp sinh học để kiện toàn hoạt động của hệ miễn nhiễm và ổn định quy trình biến dưỡng thông qua ảnh hưởng hài hòa trên trục thần kinh - nội tiết. Spirulina nhờ đó là đòn bẩy của nhiều chức năng, từ quy trình chống loãng xương bước qua biến dưỡng chất đường cho đến tiến trình tạo huyết.

Thành phần chất béo loại có cấu trúc hữu ích, như chất béo 3-Omega, là cơ sở để Spirulina triển khai tác dụng tương tranh với cholesterol nội sinh.

Nói một cách tóm lược, Spirulina không chỉ tốt do thành phần toàn diện mà nổi bật nhờ tỷ lệ phân bố lý tưởng giữa đạm, đường, béo, sinh tố, khoáng tố và chất kháng oxy-hóa. Spirulina nhờ đó là món ăn không gây gánh nặng cho đường tiêu hóa. Ngược lại, nhờ hoạt chất trong Spirulina mà các cơ quan giải độc như gan, thận, da hoạt động với hiệu năng tối đa. Không lạ gì nếu nhiều thầy thuốc đã xếp loại Spirulina vào nhóm dược liệu thiên nhiên với công năng kháng ung thư, chống xơ vữa mạch máu và phòng ngừa lão hóa.

Không chỉ có ích cho người ăn chay. Kết quả nghiên cứu gần đây ở Trung tâm Oxy Cao Áp TP HCM cho thấy tác dụng chống thiếu máu của Spirulina trên nhiều đối tượng có huyết áp thấp kinh niên vì hội chứng “văn phòng cao ốc”, căn bệnh hiện rất phổ biến ở nhiều người phải làm việc suốt ngày trong văn phòng ô nhiễm vì khói thuốc lá, bụi máy điều hòa không khí, máy in laser, máy photocopy, hóa chất gia dụng như thuốc lau nhà, thuốc lau kính ... Đáng tiếc vô cùng vì giải pháp lại tương đối đơn giản nếu đừng quên loài vi tảo mang tên Spirulina.

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG (Trung Tâm Oxy Cao Áp, TP HCM)

23 tháng 1, 2009

Món ngon Tây Ninh

Một trong những điểm đặc sắc của ẩm thực ở Tây Ninh là thức ăn chay. Cư dân Tây Ninh đa số là tín đồ đạo Phật, đạo Cao Đài nên người ăn chay khá đông. Trước đây, vào những “ngày chay” có chợ như chợ Long Hoa hầu như chỉ bán toàn thức ăn chay. Có những gia đình ở Tây Ninh nổi tiếng về nghế nấu ăn món chay gia truyền qua nhiều đời.

Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam Bộ, món ăn chay ở Tây Ninh được nấu bằng các loại rau quả, củ, đậu hủ, tàu hủ ky; nhưng về tên gọi và hình thức được thể hiện không khác các món ăn mặn như :

- “Vịt tiềm” được làm từ nấm rơm, tàu hủ ky, hành tỏi, mì căn được nặn, bó thành con vịt với chiếc cổ cong cong, đầu có gắn hai hạt tiêu làm mắt. “Vịt” được quay đến khi có màu vàng thì đem nấu tiềm với củ sen, táo tàu.
- “Heo quay” được làm bằng võ bánh mì (để làm da heo), bột gạo nhồi nước cốt dừa đánh nhuyễn cho đông đặc lại giả làm mở, tàu hủ ky trộn gia vị hấp làm thịt nạc. Gắn các phần lại với nhau thành món “heo quay” khi ăn cũng giòn, béo, thơm ngậy như thịt heo quay thật.
- “Chuột xào” gồm mì căn, củ sen, hành tây bằm nhỏ, đổ vào dầu xào chín, trộn thêm củ hành, sả, ớt, nấm hương, nấu xong để xúc ăn với bánh đa.
- “Cá chiên” dầm nước tương làm bằng bắp chuối luộc chín, lột bỏ các bệ già bên ngoài, xong tách bỏ trái non, tỉa đầu cùi giả làm đầu cá, còn phần thân để dẹp giả làm cá lòng tong, sau đó nhúng bột mì chiên vàng, xấp lên dĩa giống như cá thiệt.
- “Tôm kho tàu” nguyên liệu chính là tàu hủ, nắn thành hình dạng con tôm, lấy tàu hủy ky làm đầu râu và chân tôm, phết màu đỏ thực phẩm lên mình tôm rồi chiên vàng, sau đó kho. Ngoài ra còn có các món nem, gỏi, chả, bì …
- Về gỏi có gỏi sứa làm bằng củ cải mặn, tàu hủ, đậu phọng … Gỏi cá gồm đu đủ, củ cải, mì căn thái lát mỏng trắng tinh giả làm món cá, món này dùng chung với tương ngọt dầm ớt. Gỏi tôm càng thì lấy mì căn, đậu hủ giả làm tôm càng, dưa môn xé nhỏ trộn chung với hành tây, cà chua, tương ớt. Đặc biệt là gỏi rau chiếc, làm bằng sợi tàu hủ chiên vàng, nấm đông cô thái mỏng, củ hành tây xào chung rồi cuốn bánh tráng ăn với bún, giá, rau chiếc chấm tương ớt.
- Về chả có chả cua làm bằng tàu hủ ky, bún tàu, nắm mèo, nắm rơm.
- Về nem có nem chua làm bằng ruột võ bưởi thái mỏng bóp muối quết nhuyển, dừa nạo thái nhỏ giả làm mở, trộn bún tàu, thính rồi gói bằng lá chùm ruột non và lá chuối.
- Về bì làm bằng mì căn thái sợi chiên vàng giả làm thịt trộn chung với củ sắn, hành tây, tỏi, riềng, thính. Bì nầy làm thành các món bì cuốn, bánh tằm bì, bì bún, bánh mì bì chay … Đặc biệt, tuy là đồ chay nhưng cũng đáp ứng được tập quán và nhu cầu thích ăn mắm của người dân Nam Bộ. Món chay ở Tây Ninh có đủ loại “mắm” : mắm kho, mắm thái, mắm chưng, dưa mắm …

Bánh kẹo
- Bánh ú lá tre : làm bằng nếp, nhân đậu xanh gói bằng lá tre, được gói vào dịp tết đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 ÂL), xuất xứ từ vùng Trảng Bàng.
- Kẹo đậu phộng : được làm bằng đậu phộng lựa hạt to nấu với đường tán hoặc đường thẻ rồi trộn chung với nước cốt dừa cho dặc lại, sau đó lót bánh tráng ở dưới rồi đổ kẹo đậu phộng đều lên mặt bánh, xong rắc mè đã rang lên trên, để nguội, miếng kẹo được cắt thành 8 miếng hình tam giác để vào bao ny long. Kẹo đậu phọng Tây Ninh rất ngon, có vị ngọt, béo, mùi thơm quyện vào nhau, đây là món quà quê hương mà dân Tây Ninh thường dành tặng cho người thân, bạn bè ở nơi khác.
- Kẹo hạt điều : cách làm cũng giống như kẹo đậu phộng nhưng lót bằng bánh phồng chứ không lót bằng bánh tráng, có mùi vị thơm ngon.

Muối ớt Tây Ninh
Xuất hiện trên thị trường sau các đặc sản như mãng cầu, bánh tráng Tây Ninh nhưng đặc sản muối ớt Tây Ninh cũng nhanh chóng khẳng định ''tên tuổi” không kém phần nổi tiếng. Chị Ngọc Anh, chủ một cơ sở bán muối ớt ở Thị xã cho biết: ''Tôi không biết muối ớt Tây Ninh bắt đầu xuất hiện tự lúc nào. Nhưng khoảng 10 năm gần đây, món muối ớt chay Tây Ninh đã trở thành món quà không thể thiếu đối với khách du lịch đến với Tây Ninh. Để làm món muối ớt ngon không phải dễ. Người làm không chỉ biết kết hợp liều lượng muối, và bột nêm sao cho vừa ăn, mà còn biết cách rang muối sao cho vừa độ chín, biết phơi muối sao cho đúng thời gian, đúng nắng. Muối ngon là muối không dùng những phẩm màu, có độ cay, mặn, thơm vừa ăn. . .''.

Khách du lịch đến Tây Ninh có thể tìm mua muối ớt tại các điểm du lịch ở núi Bà đen, trung tâm thương mại Long Hoa, đến tận Gò Dầu, Trảng Bàng. . . Có người tìm đến tận các cơ sở chế biến muối để đảm bảo mua được loại ngon nhất.

Muối ớt Tây Ninh thường được dùng làm món chấm trên bàn ăn, để ăn trái cây… Ngoài ra, món muối ớt trộn với bánh tráng được cắt nhỏ đã trở thành món ăn chơi vừa ngon vừa vui miệng ưa thích của các cô, các bà, nhưng có lẽ cả các ông, các anh gặp dịp cũng không chê…

Bánh tráng Trảng Bàng (thị trấn Trảng Bàng) Bánh tráng Trảng Bàng được làm rất công phu bằng bột xay ra từ gạo ngon, tráng hai lớp, hai lần. Phơi khô xong bánh tráng được nướng trên các nồi tròn kín như cái cà om bằng võ đậu phọng khô; nướng xong, bánh tráng được đem phơi sương vào tờ mờ sáng cho bánh dịu lại và đem bọc kín trong lá chuối tươi, để giữ cho bánh được mềm, dẻo. Bánh tráng cuốn chung với rau sống, rau sông (loại rau mọc ở trên bờ sông, rạch), dưa leo, đỗ chùa, giá, tỏi chua …

22 tháng 1, 2009

Cách nấu xôi gấc

Năm nay hụt mất món xôi Gấc, thật đáng ghét, cái ẻm bán hàng, mình đặt gấc từ hai tuần mà tới hôm mò đến lấy thì có một quả cũ, đã hỏng, thế là không lấy nữa. Thực ra thì tớ cũng không thích ăn đồ nếp, muốn nấu vào dịp Tết cho đúng hương vị, theo thói quen trong gia đình thôi.

Cách nấu xôi Gấc cho Linh nữa đây nhé. Ở Anh cũng có gấc hả ?

Nguyên liệu :

- 1 quả gấc đỏ

- 1 kg gạo nếp, ( nếu nấu ít thì dùng 500 gr, gấc nhiều quá thì bớt gấc, tùy quả to nhỏ, tính sao xôi đủ ngấm mầu đỏ )

- Hai thìa con rượu gạo

- Muối, đường, dầu thường phi hành thơm.... hoặc dùng nước cốt dừa

Cách làm :

- Gạo nếp nếu là gạo hạt dài nhỏ của Thái, đãi sạch cho nước trong, chỉ ngâm nước lã khoảng 3 giờ là đủ mềm.

- Gạo lấy ra để ráo nước, trộn vào đó một ít muối cho vừa, xóc nhẹ cho muối đều vào gạo để gạo không bị gẫy nát.

- Lấy thìa bào lấy phần ruột đỏ của gấc, lẫn cả hột, bỏ vào một tô lớn, cho hai thìa con rượu gạo, dùng tay bóp nhẹ cho gấc đều, nhuyễn.

- Trộn bát gấc đều vào với gạo ( nhà mình để lẫn hột gấc )

- Dùng nồi hoặc trõ hấp xôi, nếu nồi có lỗ thông hơi quá to thì lót tạm lá chuối hay lá gì khác ( miễn loại lá đó đừng ảnh hường đến màu và mùi vị của xôi gấc ), để nước xôi, đặt trõ lên nồi hấp, hấp lửa nhỏ vừa trong vòng 35 - 40', tùy nhiều hay ít gạo.

- Phi dầu thường với hành cho thơm

- Khi xôi chín, còn đang nóng, trộn vào đó vài thìa đường, rồi đến khoảng ba thìa phở dầu phi với hành , vị ngọt nổi, đủ ngậy.

- Lấy xôi bỏ vào bát, hoặc khuôn bánh, nén nhẹ rồi úp sang một đĩa sạch, xếp cho hột gấc điểm lộ ra ngoài cho đẹp.

Theo Vườn Hương Vị



Gấc Việt Nam, loại dược phẩm quý

Nguyễn Kim Khánh

Trong hội nghị này, người báo cáo công trình nghiên cứu về quả gấc là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt. Tiến sĩ Dinh dưỡng học Vương Thuý Lệ - hiện công tác tại Trường đại học Davis California. Điều gì đã khiến chị "mê" quả gấc đến thế? Chị cho biết: Trước năm 1994, chị đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu về tình trạng thiếu vitamine A ở trẻ em nông thôn Việt Nam từ những năm 1950 đến những năm đầu thập kỷ 90. Dù tình trạng sức khoẻ trẻ em Việt Nam đã được cải thiện đáng kể do sự tăng trưởng của nền kinh tế và những cố gắng của Chính phủ, nhưng trẻ em ở các vùng nông thôn vẫn thiếu vitamine A theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Thành phần Beta Carotene (tiền vitamine A) có nhiều trong các loại quả có mầu vàng, da cam, đỏ và các loại rau xạnh. Những loại rau, quả này rất sẵn có ở Việt Nạm Gấc vẫn là đại diện số 1 về hàm lượng Beta Carotene (trong 100 g màng đỏ hạt gấc có tới 38 mg Beta Carotenee tương đương với 50.000 đơn vị vitamine A). Ngay cả so với cà-rốt một trong những loại thực phẩm vẫn được coi là giàu tiền vitamine A nhất, hàm lượng Beta Carotene trong quả gấc vẫn cao gấp 14 lần. Để đánh giá chính xác hơn kết quả nghiên cứu cuối năm 1997, Vương Thuý Lệ đã thực hiện một cuộc thử nghiệm ở hai xã Tân Trào và Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dượng Trong thời gian 30 ngày, 193 trẻ từ 31 đến 70 tháng tuổi được chia thành 3 nhóm: nhóm ăn dầu gấc, nhóm ăn Beta Carotene tổng hợp, nhóm ăn xôi có nhuộm thực phẩm mầu giống gấc. Kết quả thu được cho thấy: trẻ ở nhóm 1 ăn xôi gấc, lượng hồng cầu, Beta Carotene, vitamine A trong máu tăng lên rõ rệt so với 2 nhóm trẻ không ăn xôi gấc. Phấn khởi với những kết quả thu được, trở về Mỹ, Lệ đã viết các báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và chị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Không dừng lại ở những kết quả đó, chị tiếp tục tìm kiếm nguồn tài trợ với mong muốn thực hiện một dự án nghiên cứu làm thế nào để người dân Việt Nam có thói quen dùng dầu gấc trong các bữa ăn hằng ngày. Quả gấc mang tính thời vụ, chỉ có từ trước Tết đến sau Tết Nguyên đán. Làm thế nào đề quanh năm người dân có được dầu gấc để ăn?

Không phải bây giờ gấc Việt Nam mới được quan tâm đến thế. Cách đây 200 năm, nhà thực vật học người Bồ Đào Nha J.Lourciso đến nước ta đã phát hiện ra cây gấc và đặt tên khoa học cho nó là Momordica Cochinchincuris. Các lương y Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã biết đến tác dụng chữa bệnh của cây gấc: rễ cây chữa ung nhọt, nhọt đầu đinh, viêm tuyến hạch; màng đỏ hạt gấc chữa bệnh trẻ em chậm lớn, khô mắt, quáng gà, kém ăn, mệt mỏi; hạt gấc chữa quai bị, trĩ, làm tan khối tụ máu do chấn thương... Ruột quả và màng đỏ hạt gấc cũng là nguyên liệu tuyệt vời để làm thành món xôi gấc cổ truyền của dân tộc. Từ vài chục năm nay, nhiều nhà khoa học Việt Nam như Bùi Đình Sang, Nguyễn Văn Đàn, Phạm Kim Ma~n...dda~ tích cực nghiên cứu và chiết được một lượng dầu gấc từ màng đỏ cùi gấc. Gần đây Đinh Ngọc Lâm và Hà Văn Mạo tiến hành đã nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước tạo ra chế phẩm Gacavit từ màng đỏ cùi gấc - có tác dụng khắc phục tác hại của dioxin đối với cơ thể con người; phòng, chữa xơ gan và ung thư gan nguyên phát, giảm tác hại của những bệnh nhân ung thư phải điều trị bằng hoá chất và tia xạ.

Lần này, được sự ủng hộ của quỹ Tầm nhìn thế giới, tháng 12-2000, Vương Thuý Lệ đã trở lại Việt Nạm Hành trang của chị lần này là hai giàn máy ép dầu gấc và những kiến thức đã thu lượm được trong quá trình nghiên cứu về gấc ở Việt Nam trước đậy Tại hai xã Tân Minh và Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn, cùng với các cộng sự Việt Nam, chị tư vấn cho bà con nông dân tác dụng và cách sử dụng dầu gấc trong các bữa ăn hằng ngày. 20 gia đình ở Tân Minh có trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng, mỗi gia đình được nhận 1 lít dầu gấc để dùng theo hướng dẫn. Kết quả thu được sau hai tháng khiến chị và các cán bộ y tế Việt Nam cùng tham gia quá trình thực hiện dự án hết sức vui mừng: hầu hết các bà mẹ đã cho con mình sử dụng dầu gấc đúng cách: nấu xôi, xào nấu với thức ăn, trộn với cơm nóng... Có chị còn dùng dầu gấc bôi vào vết thương do bị bỏng, ngã. Tuy nhiên, việc biến dầu gấc thành thực phẩm có thể sử dụng thường xuyên cho bữa ăn hằng ngày mới là cái đích nghiên cứu của chị Lệ lần này. Cây gấc dễ trồng, có thể để gấc leo quanh bờ rào hay làm giàn cho gấc ở cổng, sân nhà, vừa tạo cảnh quan, lấy bóng mát, vừa cho thu hoạch quả gấc. Trung bình một giàn có thể cho từ 50 đến 200 quản tuỳ theo mức độ chăm sóc. Gấc vừa dễ trồng, vừa tận dụng được đất... nếu có "đầu ra" chắc chắn và ổn định, gấc cũng sẽ là thu nhập đáng kể cho người nông dận Ai bảo gấc không đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo? Gấc Việt Nam cũng đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới chú ý, bởi ngoài tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khoẻ, gấc còn có hàm lượng đáng kể lycopene - chất thường được dùng để chế biến các sản phẩm kem dưỡng da, son môi làm đẹp. Nếu được sự quan tâm thích đáng của ngành chế biến thực phẩm và ngành công nghiệp dược Việt Nam, việc chế biến và xuất khẩu dầu gấc sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

21 tháng 1, 2009

Miso và cách làm Miso


Miso là gì ?

Ngày trước N.H.A đã hỏi về cách làm tương cổ truyền của Ta, hỏi để biết thôi rồi cuối cùng N.H.A lại không làm nữa vì thú thật cũng hơi lười biếng, với lại, thấy về cơ bản, nó cũng như Miso của Nhật, trong khi Miso của Nhật ở đây lại rất sẵn, tiện lợi.

Miso là tương làm từ đậu nành của người Nhật, cũng bằng phương pháp ủ cơm và đậu nành cho lên men, tuy nhiên người ta thường thấy nó ở dạng bột tương dẻo, nhuyễn, mầu nâu nhạt hoặc sẫm chứ không còn lợn cợn hạt như ta vẫn thấy ở các món tương làm nước chấm cổ truyền.

Miso Nhật có vì đậm đà, ngọt, nên được dùng nhiều trong các món canh thay luôn cho bột nêm mặn, ngọt. Miso cũng sử dụng để nêm mặn cho các món xào, kho.

Người ăn chay ưa thích Miso, bởi Miso cung cấp đầy đủ các axit min, các vitamins, protein, đặc biệt là các chất béo này dễ tiêu, không giống như chất béo từ thức ăn có nguồn gốc từ động vật.

Cách làm Miso về cơ bản như sau.

( để các bạn tham khảo, còn thực sự muốn làm thì chắc phải nghiên cứu kỹ, và thử trước với số lượng nhỏ )

Tỉ lệ nguyên liệu thường như sau :

4 phần đậu nành
1 phần gạo lứt
2 phần muối
2 phần nước.

Gạo được đem ngâm, nấu chín, để nguội và để cho đến khi lên mốc, hoặc người ta có thể có mốc giống sẵn và cấy vào cơm nguội cho nhanh.

Đậu nành đãi rửa sạch, ngâm và nấu chín, để nguội, trộn muối.

Cuối cùng đậu nành và cơm đã lên men sẽ được đem trộn chung, ủ như vậy ở nơi thoáng mát trong khoảng 8 tháng cho ngấu mềm, thì đem dùng được.

Miso càng để lâu càng quí, người ăn chay dưỡng sinh quan niệm, Miso để ba năm có thể chữa bệnh cho người ốm.

Trong các gói, hộp Miso Nhât được bán trên thi trường nước ngoài, đôi khi ta bắt gặp nhưng gói có mầu nâu nhạt, hoặc sẫm hơn những gói khác, đó là do loại đậu nành dùng để làm tương có thể hơi khác nhau về mầu sắc của vỏ, và tùy « thâm niên » của gói tương đã được ủ.

Để sử dụng một cách có hiệu quả tương Miso này, khi chế biến các món ăn, ví dụ như các món canh, thì nên nấu chín nguyên liệu rồi khi gần được mới hòa Miso vào đó, lấy ra dùng ngay, nếu đun lâu, Miso sẽ mất đi các chất dinh dưỡng dồi dào có trong nó.

Khi nào ốm mệt, các bác thử uống một bát canh Miso mà xem, không cần ăn gì thêm nhưng thấy người tỉnh táo, khỏe khoắn trở lại.

Lưu ý : Khi đi mua Miso, nếu bạn muốn ăn chay thì nên hỏi kỹ để không nhầm với loại Miso đã có trộn sẵn bột cá ( như trên hình ), thứ nguyên liệu để làm các món canh Miso bình thường. Màu sắc của Miso có trộn cá cũng như Miso thường, không khác nhau lắm.

Theo Vườn Hương Vị

20 tháng 1, 2009

Thực phẩm màu đen có lợi cho sức khỏe


Bạn đã nghe đến những loại thực phẩm màu vàng như: cam, cà rốt, khoai lang, đu đủ; thực phẩm màu đỏ như: cà chua, đậu đỏ, củ cải đỏ, anh đào; rồi thực phẩm màu tím như: nho tím, bắp cải tím, lựu. Chúng đều rất tốt cho sức khỏe của con người, thế còn thực phẩm màu đen, bạn đã nghe đến tác dụng của nó. Dưới đây là những thực phẩm được gọi là "đen" và bạn hãy xem công dụng của nó thế nào nhé.

Đậu đen: hàm lượng protein đạt 33%, vitamin, dầu thực vật, canxi, sắt, phốt pho, nguyên tố vi lượng tương đối phong phú, là một nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt.

Nó có nhiều công dụng như phòng và kháng lại quá trình lão hóa của cơ thể, đen tóc, nhuận da, tiêu viêm, giải độc, tráng dương, bổ thận... có thể phòng và trị các bệnh cho người trung niên và người già như: bệnh cao huyết áp, tim, tiểu đường, bệnh thận, chứng béo phì, xơ cứng động mạch vành, ung thư...

Đậu đen có rất nhiều công dụng như phòng và kháng lại quá trình lão hóa của cơ thể, đen tóc, nhuận da, tiêu viêm, giải độc, tráng dương, bổ thận...

Gạo nếp cẩm: Là loại gạo nếp có vỏ màu đen, chứa hàm lượng chất protein, dầu thô, sắt cao hơn rất nhiều so với gạo nếp thường. Có tác dụng bổ huyết, ích khí, bổ não, kiện thận, đặc biệt nó rất hữu hiệu đối với những người mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Vừng đen: Còn có tên gọi là hồ ma, nó là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, trong đó hàm lượng Protein chiếm 21,9%, hàm lượng dầu thực vật chiếm 61,7%, ngoài ra còn chứa nhiều canxi, phốt pho, sắt, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng khác, có tác dụng làm đẹp da, tóc, chống lão hóa rất hiệu quả.

Gạo đen: Còn gọi là trân châu đen có hàm lượng protein đạt đến 11,5% trong khi hàm lượng đó gạo thường chỉ đạt 7%. Gạo đen chứa vitamin B, sắt cao hơn rất nhiều so với gạo thường,

Mộc nhĩ đen: Là đặc sản núi rừng có giá trị dinh dưỡng rất cao, nó được gọi là sơn hào mà nhiều người yêu thích. Trong 100g mộc nhĩ chứa 0,6g protein, 0,2g dầu thực vật, 6,5g cacbon, 7g chất xơ, 5,8g khoáng chất. Ngoài ra còn là loại thực phẩm giàu canxi, phốt pho, sắt, carotin và các nguyên tố vi lượng... Là loại thực phẩm rất tốt cho việc phòng chống chứng xơ cứng động mạch vành, các bệnh liên quan đến tim, và các bệnh phù thũng.

Rau câu: Trong 500g rau câu chứa 4, 1g Protein, 64,5g muối vô cơ, vitamin tương đương với rau chân vịt và rau cải dầu, nhưng hàm lượng đường, canxi, phốt pho, sắt lại cao hơn rất nhiều. Nó có tác dụng hữu hiệu đối với những người bị cao huyết áp, các bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Theo 247

19 tháng 1, 2009

CHÈ KHOAI MÔN


Khoai môn cao là từ tiếng Việt chỉ cho loại khoai môn có thân củ lớn, nạc khoai sau khi nấu chín ở dạng bột; còn khoai môn sọ thân củ tròn nhỏ, nạc khoai dẻo hơn. Khoai môn sọ khi còn tươi thì phần vỏ rễ bao chung quanh thân củ dễ gây ngứa cho tay lúc tiếp xúc trực tiếp với khoai để rửa sạch nhằm sơ chế khoai. Nếu dùng khoai sọ tươi mà nấu món ăn, không ngâm khoai trong nước lạnh một thời ngắn trước khi nấu thì có thể gây ngứa nhẹ ở miệng cho một số người khi ăn vào dù đã nấu chín.

Nhiều người cho rằng khoai môn sọ, nạc khoai dẻo, dùng để nấu canh... sẽ cho nước canh lềnh lại, rất ngon. Còn như nấu chè thì nên dùng khoai môn cao, có bột nhiều, vì chè khoai môn phải dùng nếp để nấu, mà nếp thì vốn đã rất dẻo rồi cho nên nếu dùng khoai sọ nữa thì món chè rất dễ bị ngấy. Dầu sau thì đây cũng là quan niệm khẩu vị riêng của mỗi người. Nếu có cả hai loại khoai thì tùy các bạn nấu thử để chọn lựa vị chè mình thích nhất.

Lưu ý là nếu có khoai sọ tươi thì khi sơ chế, nên mang găng tay cao su và dùng bàn chải cứng để chùi cọ bên ngoài củ khoai cho thật sạch.

CHÈ KHOAI MÔN

VẬT LIỆU

- 0,5kg khoai môn nhỏ củ. Tùy chọn khoai môn cao hay khoai sọ. Nếu khoai tươi, làm sạch bên ngoài rồi gọt vỏ; nếu khoai giữ lạnh hãy để rã đông tự nhiên.

- 250gr nếp.

- 350gr đường.

- 300gr dừa nạo.

- 10 lá dứa (pandanus) nếu có.

- Muối. Bột năng. Xửng hấp hoặc hấp khoai trong một nồi nước mà vật chứa kê cao hơn mặt nước cũng được.

THỰC HÀNH

1. Làm chín khoai: Khoai gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng cỡ nửa ngón tay cái, làm đến đâu thả ngâm trong chậu nước sạch đến đó trong khoảng 2 giờ, vớt ra để ráo. Hấp chín khoai.

2. Vắt nước dừa: Cho vào dừa nạo 4 chén nước ấm ( tương đương 200cc), vắt lấy nước cốt, để riêng. Cho lại vào dừa nạo khoảng 1, 5 lít nước ấm nữa, vắt lấy nước dảo.

3. Nấu nước cốt dừa: Pha 1 muỗng súp bột năng với 2/3 chén nuớc lạnh. Bắc nước cốt dừa lên bếp, nuớc dừa sôi, nêm vào khoảng nửa muỗng cà phê muối, châm nước bột năng vào từ từ, khuấy đều cho vừa sệt là được.

4. Nấu chè: Lá dứa rửa sạch, cuốn tròn rồi cột thắt lại. Nếp vo sạch. Cho nước dừa dảo + lá dứa vào nồi, nấu sôi nhỏ lửa, cho nếp vào. Để nếp vừa nở, cho đường + ½ muỗng cà phê muối vào, không đậy nắp nồi chè mà luôn quan sát chè trong khi nấu, thăm chừng lượng nước theo nếp ngon dở, nếu cần châm thêm nước sôi vào cho nước luôn sấp mặt nếp, thấy tan đường, gắp bỏ lá dứa ra, luôn lưu ý nhỏ lửa kẻo cháy. Khi nước cạn dưới mặt nếp thì cho khoai vào, đảo đều nhẹ tay, vẫn để sôi thật nhỏ lửa trong khoảng 10
- 15 phút nữa cho khoai thấm đường. Ở ngang khâu này, tùy thích nấu chè ở dạng sệt như hồ đặc hay thật đặc ở dạng vón cục lại thì để nước chè cạn đi nhiều hay ít. Dù nấu thế nào cũng lưu ý luôn để lửa thật nhỏ và đảo chè đều tay để nếp không sít nồi.

* Đa số người miền Bắc, miền Trung VN không dùng nước cốt dừa cho nên hay nấu chè khoai môn ở dạng sệt. Người miền Nam thường nấu dặc vón cục lại để khi châm nước cốt dừa vào là chè vừa ăn.
Múc chè ra chén. Chan nước cốt dừa lên mặt chè.

5. Nói thêm:

- Cách hấp khoai cho chín riêng rồi mới cho vào nếp là để miếng khoai trong nồi cho còn nguyên miếng, sẽ đẹp mắt và ngon hơn, nếu nấu khoai sống cùng lúc với nếp khoai sẽ bị bấy.

- Tùy khẩu vị, có người không dùng nước cốt dừa để nấu chè mà chỉ nấu bằng nước thường hoặc nấu bằng nước hầm khoai như sau: Ngoài số khoai dùng để hấp, sử dụng thêm một lượng khoai tương đương, nấu lượng khoai này cho mềm rục với một hoặc hai lít nước, lược qua rây bỏ xác khoai dùng nước nấu khoai này để nấu nếp chín rồi cho đường, khoai hấp vào nấu như trên. Cách nấu này cho chè rất thơm mùi khoai mà không cần sử dụng đến lá dứa như cách nấu với nước dừa tuy nhiên chè lại không có vị béo của dừa.

- Ở nước ngoài nếu thích dùng nước cốt dừa đóng hộp của Thái Lan hay Indonesia thì nên pha loãng ra để nấu, nếu nấu với nước cốt dừa đặc quá, nhất là nước cốt dừa đóng hộp, món chè sẽ có mùi dầu dừa.

- Tùy thích ăn ngọt lạt để gia giảm lượng đường.

CHUYÊN VIÊN GIA CHÁNH CẨM TUYẾT

18 tháng 1, 2009

Bánh tằm bì chay , Bánh tráng xúc gỏi ngó sen , Bò ngũ vị hương , Bông cải chiên giòn , Bún Huế chay , Chả giò chay ,Cháo thập cẩm , Khô An Lạc


Bánh tằm bì chay

Vật Liệu:
- Carrot gọt vỏ, xắt chỉ để bỏ vào nước tương
- Đậu hũ loại cứng
- Ham chay loại " chicken flavor"
- 1 bịch jam noodle(Tìm mua loại sợi dẹp ở chợ Nhật, nếu hổng có thì cũng có thể dùng loại tròn hoặc miến dai có bán ở chợ VN cũng được
- Thính (Có thể mua ngoài chợ, nhưng nếu thích thơm ngon bổ khỏe thì nên tự làm ở nhà để dành khi cần thì dùng. Lấy 1 cup gạo lức, vo nước sơ cho sạch bụi, đổ ra rổ cho ráo, bắc chảo lên bếp, bỏ gạo lức vô rang vàng, sau đó bỏ vô máy xay cafe xay cho nhuyễn là xong phần thính)
- Nước cốt dừa
- Bánh tằm
- Đậu phụng rang vàng đập dập
- Bột năng
- Dầu hào chay + tiêu + bột ngọt nấm
- Rau thơm đủ loại lặt rửa sạch, xắt nhỏ trộn với gía để đó
Cách làm:
A. Phần bì chay:
- Jam noodle(Nếu hổng tìm đươc. jam noodle thì mua loại miến dai cũng được). Nếu là jam thì xả cho tan đá, rửa sơ qua nước ấm, lấy kéo cắt khúc ngắn, để ra rổ cho ráo nước. Nếu là miến thì ngâm nước ấm cho mềm, rồi cũng cắt khúc nhỏ . Nêm tí dầu hào chay + tí tiêu. Xào sơ qua rồi đổ ra tô.
- Đậu hũ cắt lát mỏng chiên hơi vàng rồi xắt sợi cỡ que tăm. Ướp sơ qua môt. tí dầu hào chay + tí bột ngọt nấm + tí tiêu.
- Ham cắt khoanh tròn mỏng, xắt sợi cùng cỡ với đậu hũ.
- Bằm nhỏ củ hành đỏ/leek.
- Bắc chảo cho tí dầu olive lên bếp cho nóng, sau đó bỏ ham đã xắt sợi vô đảo qua lại cho hơi vàng vàng, rồi bỏ đậu hũ ướp sẵn vào xào qua lại.
- Trộn tất cả phần trên với thính (ít nhiều tùy theo ý muốn), nêm nếm lại cho vừa ăn.
B. Phần nước cốt dừa:
- Đổ lon nước côt' dừa vào nồi. Cho một tí bột năng vào quậy cho tan, rồi cho 2 tsp đường + tí muối(Tí thôi nhen, coi chừng bị mặn đó)
- Bắc nồi nước cốt dừa lên bếp, quậy liền tay cho đến khi thấy sôi hơi sền sệt là được rồi
C. Phần nước tương:
- Đổ một cup nước dừa tươi vô nồi nấu sôi với nước tương + tí bột ngọt + tí muối, nêm nếm theo khẩu vị riêng của mỗi người , đợi sôi nhắc xuống đổ ra tô để nguội hãy vắt chanh vào (Cũng tùy theo khẩu vị luôn). Bằm nhỏ ớt chín đỏ, rồi cho vào tô nước tương cùng với carrot đã xắt chỉ.
*Khi ăn sắp rau giá ở dưới tô, cho bánh tằm lên trên, gắp bì bỏ lên trên, rải đậu phụng , rồi chan nước cốt dừa cùng nước tương vào

Bánh tráng xúc gỏi ngó sen

Vật Liệu:
Chuẩn bị:
- Dưa leo (loại English cucumber thì ngon hơn, nếu hông dưa chuột cũng được) .
- Cà rốt .
- Ớt Đà Lạt loại chín đỏ .
- Ngó sen (trong lọ thủy tinh, có bán ngoài chợ VN, có loại tươi thì càng tốt)
- Jam noodle (có bán ở chợ Nhật hoặc chợ VN) .
- Mì căn (nếu muốn ngon thì thay bằng "gà chay", nếu sợ mang tiếng tơ tưởng thì khỏi hén) .
- Đậu phộng hoặc hột điều rang bán sẵn .
- Đậu hũ chiên .
- Rau răm, ngò, rau thơm đủ loại .- Đường, ớt, chanh, muối, ngò, mè.
- Bánh tráng nướng.
Cách Làm:
- Cà rốt, ớt đỏ Đà Lạt : Xắt nhỏ như cọng giá.
- Dưa leo: Xẻ dọc làm 2, xắt mỏng vừa phải, bỏ vào thau vài muỗng đường và tí muối, đợi khoảng 5' dưa leo xìu, vắt ráo để qua một bên.
- Mì căn hoặc "gà chay" : xé nhỏ, chiên vàng.
- Mè, đậu phộng hoặc hột điều đâm nhỏ.
- Đậu hũ chiên: xắt nhỏ như cọng giá, ướp gia vị, xào sơ quạ
- Jam noodle : Rửa sạch, trụng sơ qua nước sôị
- Ngó sen : Bỏ cọng gìa, tước sợi, bỏ vô thau nước một tí dấm, tí muối, tí đường, tước tới đâu, thì ngâm tới đó . Ngâm khoảng 10 - 15', vớt ra vắt cho ráọ
- Rau răm, ngò, rau thơm đủ loại rửa sạch, xắt vừa phảị (2/3 trộn gỏi, 1 phần còn lại thì dùng để rắc lên mặt gỏi lúc dọn rạ)
- Vắt chanh vô chén, cho tí đường, tí muối, tí natural MSG (nếu muốn) hòa cho tan, nếm cho vừa ăn , và bỏ tí ớt vào (nếu muốn ăn cay). Nhớ là chua chua ngọt ngọt hơi mẳn mẳn là được rồi.
- Trộn chung các thứ trên lại và đổ chén chanh gia vị vào, trộn đều.
- Cho gỏi vào dĩa, rãi đậu phộng/hột điều, và phần rau xắt còn lại lên trên. Dọn lên bàn chung với bánh tráng nướng dòn.

Bò ngũ vị hương

Nguyên Liệu:
- 600g mì căn
- 1 muỗng canh dầu mè
- 4 quả hồi hương
- 1 miếng vỏ quế
- 3/4 muỗng càphê muối
- 1 muỗng canh đường
- 1 muỗng canh đường mạch nha
- 1 muỗng cà phê bột ngọt
- 1 ½ muỗng canh xì dầu
- 1 ½ tách nước
Cách Làm:
- Thả mì căn vào nước đang sôi trong vòng 5 phút, vớt ra chờ bột nguội, xắt thành từng lát dầy, chiên vàng trong dầu nóng, để ráo.
- Xào gia vị trong 2 muỗng canh dầu.
- Cho mì căn, hồi hương, vỏ quế vào đảo thường xuyên ở nhiệt độ thấp.
- Khi nước gần cạn, chế dầu mè, trộn đều và múc ra, xắt bột thành từng miếng lúc dọn lên bàn ăn.

Bông cải chiên giòn

Vật Liệu:
- 200 g bông cải trắng (hoặc bông cải xanh).
- 1 miếng cơm cháy.
- 50g bột mì.
- 1 lòng trắng trứng gà.
- Muối, bột ngọt, tiêu.
- 300g dầu ăn.
Cách Làm:
- Cắt bông cải thành từng miếng nhỏ. Nấu nước sôi cho bông cải vào luột chín, vớt ra để ráo.
- Cho bột mì, lòng trắng trứng gà, nước sạch vào tô trộn đều cho hỗn hợp sánh lại. Nêm muối, bột ngọt, tiêu vào bông cải rồi trộn đều. Nhúng từng miếng bông cải vào bột mì. Cho dầu vào chảo, đợi dầu nóng, cho bông cải vào chiên đến khi vàng đều thì vớt ra, xếp vào đĩa.
- Chia cơm cháy thành từng miếng nhỏ, cho vào chảo dầu nóng chiên giòn, vớt ra bày bên dưới bông cải.

Bún Huế chay

Vật Liệu: Bốn khẩu phần nguyên liệu
- 5 cups nước súp chay (xem cách làm)
- 1 gói bún sợi lớn
- 14 oz đậu hũ
- 16 oz. nấm rơm tươi
- 1 cây giò lụa (xem cách làm)
- 1 cây mì căn (xem cách làm)
- 5 tép sả lớn
- Rau răm, ngò, chanh, giá, ớt tươi
- Ơùt miếng loại khô và ớt bột mầu
- Tương ớt, dầu ăn Canola, boa-rô
- Gia vị: muối, đường, bột nêm chay
- 1 tablespoon ớt miếng
- 1 tablespoon ớt mầu
- 1 củ boa-rô phần trắng
Cách Làm:
Giai Đoạn Một: Sửa Soạn
- Đậu hũ để ráo nước, cắt miếng vừa ăn, ướp tiêu, muối, boa rô, bột nêm chay, cho thấm rồi chiên vàng.
- Nấm rơm tươi : rửa sạch, cắt làm ba
- Bún khô: luộc nước sôi, để ráo
- Mì căn: cắt miếng vừa ăn, ướp nước tương, bột nêm, đường cho thấm
- Giò lụa: cắt lát
- Rau răm và ngò: mỗi thứ một bó, rửa sạch, cắt nhỏ
- Sả: ba tép cắt khúc, thả vào nồi nước súp, hai tép còn lại lấy phần củ cắt nhỏ rồi xay nhuyễn
- Boa-rô: bầm nhỏ
Giai Đoạn Hai: Cách Nấu
Cách làm ớt mầu cay: Để 2 tablespoons dầu, boa-rô thái nhỏ, và một ít sả bầm nhỏ vào chảo nóng. Khi thấy sả có mầu vàng và thơm, cho ớt miếng khô và ớt bột mầu vào, tắt lửa ngay, đổ ra lọc lấy dung dịch lỏng (bỏ xác) dùng để đổ vào nồi nước súp.
Cách làm nhân: cho 2 tablespoons dầu và boa-rô vào chảo nóng khử vàng, cho mì căn. Khi thấy mì căn vừa vàng thì cho đậu hũ và nấm rơm vào. Khi nấm vừa chín thì tắt lửa.
Cách làm nước súp: cho nước súp đã nấu sẵn vào nồi vừa đủ số lượng người ăn (5 cup cho năm người ăn), cho sả cắt khúc vào, nêm chút đường, bột nêm chay, muối.
- Nấu sôi nước súp khoảng 15 phút, nêm nếm vừa miệng. Khi sả chín, và nước súp có mùi thơm thì vớt bỏ sả khúc ra.
- Đổ dung dịch ớt mầu nói ở đoạn trên vào.
Giai Đoạn Ba: Trình Bày
- Cho bún vào tô, sắp giò lụa, nấm, đậu hũ, mì căn, ham chay (optional), khi nào dùng sẽ chế nước súp đang sôi vào tô bún, (vớt một ít nước mầu rưới lên tô bún), cho rau răm, ngò, chanh và tiêu.
Nguyên Tắc: Nước súp phải trong, ngọt, phảng phất mùi sả, và thật cay mới đúng hương vị Huế. Ngoài ra phải cần có mùi vị rau răm khi ăn mới phù hợp món ăn miền Trung này.
Ghi Chú: Có thể dùng thực phẩm biến chế như ham chay thái lát, để cho thêm vào làm nhân.

Cách làm

Ray bột kỹ rồi trộn bột với vani, 100g đường, 6 lòng đỏ và 2 lòng trắng của quả trứng gà, một chút sữa tươi. Đánh bột thật nhuyễn và mượt tay. Trải một miếng giấy bạc lên khuôn nướng rồi dùng bơ phết đều khắp lượt tiếp đó đổ bột vào và dàn bột cho thật mỏng đều rồi cho vào lò nướng. Khi miếng bánh đã nở đều và xốp là được.

Cam gọt bỏ vỏ tách múi sao cho phần tép vẫn còn nguyên khối, ướp cam với 50g đường trong khoảng 10 phút cho ngấm đều. Dùng 10 lòng trắng trứng, bơ, đường, một chút kem tươi rồi đánh cho tới lúc chúng nổi cứng lên là được.

Trải vỏ bánh đã nướng ra rồi phết nhân kem vào giữa, tiếp đó xếp cam dàn đều khắp mặt chiếc bánh rồi cuộn tròn chiếc bánh lại. Nếu chưa ăn ngay thì đặt bánh vào ngăn mát của tủ lạnh để phần nhân kem đông cứng lại

Cơm chiên Dương Châu

Vật Liệu:
- 200 g nấm rơm
- 2 Củ Cà Rốt
- 2 lon gạo thơm
- 200g chả lụa chay
- 2 miếng tàu hũ ky trắng
- 50g nấm đông cô Trung quốc
- Dầu ăn – muối – tiêu – bột nêm – ngò rí
Cách Làm:
- Nấm rơm gọt rửa sạch – trụng nước sôi có tí muối - Xắt hột lựu
- Cà rốt : gọt vỏ – rửa sạch – Xắt hột lựu-
- Tàu hủ ky – ngâm nước rửa sạch – luộc sơ – xắt hột lựu
- Ướp gia vị – chiên sơ
- Chả lụa – Xắt hột lựu
- Gạo vo sạch nấu chin – hơi khô – đổ cơm ra mâm – banh cho ráo.
Chế biến:
- Bắc Chảo – cho dầu vào – đun sôi – cho Baro xào cho đến
- Khi có mùi Thơm - Cho nấm rơm, Nấm đông cô, Chả lụa, tàu hũ ky,cà rốt vào xào cho đến khi toả mùi thơm ngào ngạt
- Nhắc xuống : Trộn cơm vào – cho bột nêm tiêu
- Chiên độ 20 phút – Nhớ đậy nắp chảo để lửa rêu rêu
- Dở nắp trộn cơm lên rồi nhắc xuống .
Cách dùng:
- Cách dùng : Múc ra dĩa – trên có rắc thêm tiêu – rải ngò rí lên cho
- Thơm rồi ăn tuỳ thích .
- Dùng cơm Dương Châu Khẩu vị thơm ngon dễ tiêu hoá – tăng lực- Vì hàm lượng dinh dương rất cao.

Chả giò chay

Nguyên Liệu:
- 450g bánh tráng (loại dùng cuốn nem)
- 40g nấm hương
- 300g bắp cải
- 40g ngò xắt khúc
- 2 miếng đậu hũ xắt nhỏ
- 1 nhúm tiêu
- 1 ít dầu mè
- 1 muỗng canh dầu hào
- 1/2 muỗng canh nước tương
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 1/2 muỗng cà phê đường
- 2 muỗng canh nước dùng (hoặc nước)
Bột nhào:
- 2 muỗng canh bột mì
- 1 ½ muỗng canh nước
Cách Làm:
- Nấm hương ngâm nước, cắt bỏ chân, để ráo, hấp 15 phút và xắt nhỏ.
- Bắp cải rửa sạch, để ráo nước, xắt nhỏ.
- Xào đậu hũ với 2 muỗng canh dầu, cho lần lượt, bắp cải, nấm hương và gia vị vào, xào cho tới khi nước sánh lại, rắc ngò vào, đảo đều, vớt hết cái ra, để ráo nước dùng làm nhân.
- Để 1 ít nhân vào bánh tráng cuộn lại hình chữ nhật, dùng bột nhào gắn bên ngoài.
- Chiên nem trong dầu nóng, trở đều cho cả 2 mặt đều vàng.

Cháo thập cẩm

Vật Liệu:
- Gạo
- Cà-rốt, Khoai tây, Củ dền
- Chả lụa
- Nấm rơm, nấm đông cô
- Giò cháo quẩy
- Chanh, ớt, bột ngọt, muối, đường, ngò thơm
Cách Làm:
- Gạo vo sạch để ráo nước, rang gạo với dầu cho hơi vàng
- Cà-rốt gọt và rữa sạch, xắt hình vuông nhỏ
- Khoai tây gọt và rữa sạch, xắt hình vuông nhỏ
- Củ dền cũng làm giống như cà-rốt và khoai tây
- Chả lụa xắt hình vuông nhỏ
- Nấm rơm và Nấm đông cô gọt và rữa sạch có pha chút muối, xắt hình vuông nhỏ , nêm chút tiêu, bột ngọt, muối
Cách Nấu:
- Cho gạo và nước nấu thành cháo, khi cháo đã nhừ cho Cà-rốt, Khoai tây, Củ dền, Chả lụa, - - Nấm rơm và Nấm đông cô, nêm bột ngọt, muối, tiêu, một ít đường cho cháo được vừa ăn nhắc xuống.
Cách trình bày:
- Múc cháo ra tô, rắc thêm tiêu, ngò cho thơm, dùng nóng.

-Thành phần hoá học của Cà-rốt : trong Cà-rốt có rất nhiều Vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B, sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành vitamin A. Bồi dưỡng cơ thể, giúp kích thích tiêu hoá, giải cảm cúm, cảm giác êm dịu cơ thể.
-Tánh vị, tác dụng của Cà-rốt : vị ngọt cay, tính sưởi ấm, có tác dụng hạ khí bổ trung, yên ngũ tạng, tăng tiêu hoá, lọc máu, nhuận tràng.
- Công dụng củ Cà-rốt : trị suy nhược, bệnh phổi, lao hạch....
- Thành phần hoá học của Khoai tây : trong củ khoai tây có nhiều chất dinh dưởng với hàm lượng cao so với các loại ngũ cốc và cây thực phẩm khác. Có chứa Vitamin B1 và B2.
- Công dụng của Khoai tây : khoai khi được luộc chín ăn vào trị được bệnh đau tim, nước ép của khoai tây có tác dụng chửa bệnh cường toan axid dạ dày và làm co bóp nhu động của ruột, bột khoai tây được dùng trong bệnh viêm dạ dày, tá tràng và chống nhiễm độc, khoai tây còn sống thái mỏng làm thuốc cao dán trên các vết thương bị phỏng.
- Thành phần hoá học của Củ dền : trong củ dền có các Vitamin a, b, c, PP
- Tánh vị, tác dụng của Củ dền : củ dền có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, có tác dụng thông tâm, khai vị, mạnh tỳ, hạ khí, bổ nội tạng, làm mát máu.
- Công dụng của Củ dền : củ dền là loại thuốc tốt cho những người mất ngũ, bệnh thần kinh, bệnh lao. bệnh ung thư, cũng rất có ích khi có dịch cúm, không dùng cho người bệnh tháo đường. Lá dền dùng để đắp trị các vết phỏng và thâm tím.

Khô An Lạc

Nguyên liệu:
- 1lb thịt khô chay loại dầy
-1 ½ Bơ thảo mộc để mềm
- 1 muỗng canh bột ngũ vị hương
- 2 muỗng canh bột nêm
- 1tép xã bầm nhuyễn
- 1 muỗng canh vun bột cà ri
- 2 muỗng canh dầu hào chay

- 3 muỗng canh nước tương

- 1 muỗng cafe muối - 1/2 Chén đường

1 cục gừng nhỏ giã nhuyễn - Bột ớt tùy ý

Cách làm

Thịt khô ngâm nước vắt 1 trái chanh vào nước, ngâm cho mềm. Khi thấy mềm vớt ra rổ,xã lại vài lần ,rồi vắt cho ráo.

Xé ra miếng nhỏ cở ngón tay (tùy ý) để vào cái thau

Ướp hết các thứ gia vị kể trên, có thể tùy ý khẩu vị mà thêm bớt mặn hay ngọt

Lấy cái chảo lớn để bơ vào rồi cho thịt đạ ướp vào chảo vặn lử đừng cao quá xào dể bị khét.Khi thấy đã khô,tắt lò chờ nguội một lát.

Gắp ra cái vĩ đồ xấy điện có nhiều tầng. Xấy khoảng 2 giờ. Dở ra coi thử và trở khô từ trong ra ngoài(vì vành ngoài khô trước). Chừng 1/2 giờ dở ra xem miếng nào khô thì lấy ra, đừng để khô qúa, khô sẽ bị cứng, khô này có thể ăn chơi hay ăn với đu đủ bào làm gỏi trộn với lá quế và khô

Trên đây là cách ướp xã và cary,nếu quí Đaọ hữu không thích gia vị này, thì thay vào đó ướp màu đỏ và 3 muỗng mè giả dập ướp vào giống như màu đỏ của khô còn các vật liệu khác giống nhau

Sở dĩ tôi không dùng các loại bột ướp bán ở chợ vì trong đó có trộn bột tỏi hay hành. đây là cách của người ăn chay thuần túy.

Thân Tâm Thí - Longbeach kính chia xẻ

17 tháng 1, 2009

Những món chay 3 miền : Giò Lụa , Đậu Hũ Xào Lá Lốt , Cơm Tấm Bì Chả , Cách làm nước mắm chay, Cách làm Chao, Chả Chay Chiên/Hấp ...


Canh chua chay

Vật Liệu

• 5 miếng đậu hủ non trắng
• Nữa trái thôm
• 2 trái cà chua vừa chín
• 2 lít me chín
• 200g giá, ớt, rau ôm, ngò tây
• Bột ngọt, đường, muối
• 200g nấm rơm

Cách Làm:

1. Đậu hủ non: xẻ dọc ra làm tư, xong lấy mỗi miếng cắt ra làm đôi.
2. Thơm: xắt lát mỏng theo chiều của mắt thơm
3. Cà chua: Xắt theo chiều dọc của trái cà, xắt ra làm 8 miếng.
4. Nấm rơm: rửa sạch sắt ra làm 3
5. Nấu nước sôi độ 1 lít nước, cho me vào, me mềm, vớt ra, cho thơm, đậu hủ non, nấm rơm,

sau đó cho cà chua và giá vào.
6. Dầm me, chế vào nồi canh, nêm vừa chua là được. Nêm muối, đường, bột ngọt cho vừa ăn.

Nhắc xuống, cho các thứ rau ớt xắt nhỏ vào.
7. Món canh này ăn kèm với bún rất ngon.

CANH CHUA THƠM

Vật Liệu:
Ðồ dùng: cải mặn, nấm rơm, đậu, rau om, ngò tây

Cách Làm: Cách nấu: Nấm rơm rửa sạch chẻ nhỏ, đậu hũ chiên vàng xắt mỏng, thơm gọt vỏ xắt nhỏ.
Bắc nước nấu cải mặn, sôi lâu vớt cải ra lấy nước.
Nắm rơm xào dầu để vô nấu sôi để thơm vào, để sôi vài dạo để đậu hủ, nêm muối, chút đường,

nước tương, nhắc xuống rồi rải rau thơm lên.



Chả Chay Chiên/Hấp

Vật Liệu

- 2 chén bột wheat gluten(Có thể tìm mua ở Natural Health Food stores)
- Leek(Bằm nhỏ phần trắng, phi cho vàng)
- 2 muỗng lớn dầu olive
- 2 muỗng cafe bột nêm(Natural MSG)
- 1/2 muỗng cafe bột nổi(Baking powder)
- 2 muỗng lớn dầu hào chay
- 1/2 muỗng cafe tiêu
- 2 muỗng cafe nước tương
- 2 muỗng cafe muối
- 1 muỗng cafe đường

Cách Làm:

Bỏ tất cả các gia vị như leek bằm nhỏ phi vàng, dầu hào chay, tiêu, đường, bột nêm,

nước tương, muối vào 2 cup nước nóng ấm ấm(khoảng 50-60 độ C là được), quậy cho đềụ Kế

cho bột wheat gluten vào từ từ, quậy liên tục cho đến khi đặc thì thôị Nhồi bột cho dính lại,

trải ra khay(Dày mỏng tùy theo sở thích), lấy khăn vải trắng sạch bao kín lại, đem đi ủ khoảng

5-6 tiếng là có thể dùng để chiên hoặc hấp. Nếu muốn dai ít thì ủ lâu một tí, còn nếu muốn

dai nhiều thì ủ it' thôi, nhưng nếu dai quá thì sợ ...cắn một miếng dính luôn hàm răng giả thì sẽ phiền to .

..hi hi hi ...

A. Chả chiên

- Cắt miếng bột đã ủ thành từng miếng tròn hay vuông tuỳ ý, vặn lửa trung bình, bỏ dầu vào chảo

không dính chiên vàng đều chín hai mặt, nhớ để những miếng chả rời nhau, vì khi chiên chả sẽ nở lớn.

- Để nguội cắt lát mỏng. Có thể dùng chả này trong những món khác nhau như đồ xào, canh, gỏi,

cháo, cơm chiên Dương Châu(Có thể ướp bột ủ này với bột xá xíu, tí xíu nước tương, và dầu mè,

để độ 2 tiếng. Sau đó đem chiên vàng đều hai mặt, đổ tí xíu nước vào cho đến khi nước rút cạn thì

sẽ thấm rất ngon, để nguội xắt hột lựu chiên cơm là tuyệt cú mèo cú chuột lun á ...[;)]...).

B. Chả hấp

- Chia phần bột ủ ở trên ra làm nhiều phần, dùng giấy plastic hoặc lá chuối cuốn thành từng đòn nhỏ

rồi cột lại, đem hấp khoảng 20-25 phút là chín.

*** Chả chiên và chả hấp có thể giữ được lâu nếu bỏ vào freezer để dành dùng nhiều lần mà hổng

phải mua ham chay, chả chay chế biến chi cho tốn tiền, mà lại hổng bổ dưỡng bằng mình tự làm***

Note: Có thể chế biến nhiều cách như dùng sushi hoặc tàu hủ ky gói lại rồi hấp hoặc chiên tùy

theo muốn nấu món gì mà phăng ra hỉ ...[;)]...Sẽ gõ tiếp các món khác sau, bi giờ thì chẩu đây nhen...

Chúc tất cả an lành dzui dzẻ,

Chả Giò Chay

Vật Liệu

450g bánh tráng chả giò
40g nấm hương
300g bắp cải
40g ngò xắt khúc
2 miếng đậu hũ xắt nhỏ
1 nhúm tiêu
1 ít dầu mè
1 muỗng canh dầu hào
1/2 muỗng canh nước tương
1/2 muỗng cà phê muối
1/2 muỗng cà phê đường
2 muỗng canh nước
2 muỗng canh bột mì
Cách Làm

Nấm hương ngâm nước, cắt bỏ chân, để ráo, hấp 15 phút và xắt nhỏ.

Bắp cải rửa sạch, để ráo nước, xắt nhỏ.

Xào đậu hũ với 2 muỗng canh dầu, cho lần lượt, bắp cải, nấm hương và gia vị vào, xào cho tới khi nước
sánh lại, rắc ngò vào, đảo đều, vớt hết cái ra, để ráo nước dùng làm nhân.

Để 1 ít nhân vào bánh tráng cuộn lại hình chữ nhật, dùng bột nhào gắn bên ngoài.

Chiên trong dầu nóng, cho vàng đều.


Chả Giò (chay) 2

Vật Liệu: - 1 hộp đậu hũ loại regular 14 oz
- 4 củ cà rốt loại medium
- 1 pack of 20 or 25 spring roll skins (roll wrappers)
- 4 ounces nấm đông cô
- 1 gói miến nhỏ
- 1 củ boa-rô, cắt nhỏ
- 2 ounces nấm mèo
- 6 củ khoai môn nhỏ hay 1 củ khoai tây
- 1 củ sắn tươi
- 1 củ boa-rô
- 4 ounces đậu xanh chà vỏ (peeled split mung bean)
- 1 1/2 teaspoons muối
- 2 teaspoons bột nêm chay
- 1 teaspoon tiêu
- 1 teaspoon đường
- 4 cups dầu canola để chiên

Cách Làm: - Củ sắn và cà rốt: thái chỉ, vắt thật ráo nước
- Nấm đông cô: ngâm nước ấm, rửa sạch, cắt thành sợi nhỏ.
- Nấm mèo: ngâm nước lạnh, rửa sạch, cắt thành sợi nhỏ
- Đậu hũ: cắt thành lát mỏng, chiên vàng, sau đó cắt thành sợi nhỏ
- Khoai môn hoặc khoai tây: bào vỏ, rửa sạch, cắt thành sợi nhỏ
- Miến: ngâm nước lạnh, cắt ngắn
- Đậu xanh: ngâm nước lạnh cho mềm, hấp vừa chín, chà nhuyễn
- Boa-rô: cắt nhỏ
Giai Đoạn Hai: Trộn Nhân
- Trộn tất cả nấm đông cô, nấm mèo, đậu hũ, củ sắn, cà rốt, đậu xanh, khoai môn, miến,

boa-rô và gia vị vào. Nêm nếm cho vừa miệng. (Có thể ướp riêng mỗi thứ cho thấm trước khi trộn chung )
Giai Đoạn Ba: Gói và Chiên
- Phân thành từng phần nhỏ mỗi phần khoảng hai tablespoons nhân, gói trong roll wrapper,

thành dạng hình tròn ống. Dán lại bằng hỗn hợp nước bột mì.
- Làm nóng chảo dầu khoảng 350 độ F (177 độ C). Chiên ngập trong dầu sôi cho đến khi có mầu vàng là được.
+++

Xốt chua ngọt
- Kiệu: xắt mỏng
- Gừng: Xắt sợi
- Hành tây: xắt miếng vuông to cạnh độ 2cm.
- Cho vào soong: 1 chén dấm +1 chút muối + xì dầu + bột ngọt + đường, trộn đều, bắt soong giấm lên bếp nấu,

bột năng hòa với nước lạnh cho hơi loãng, cho vào nồi giấm cho nước xốt được sanh sánh, cho kiệu +

gừng + hành tây vào, nêm lại cho vừa ăn, thấy xốt chua chua, ngọt ngọt là được, nhắc xuống.

Chả Tôm Chiên Chay

Vật Liệu

3 củ khoai tây
1 muỗng canh cà rốt bào nhỏ
4 củ năng( gọt vỏ và nghiền nát)
1/3 muỗng cà phê đường
1/3 muỗng cà phê muối
1 ít dầu mè
1 nhúm tiêu
1 muỗng cà phê nước gừng
1 muỗng cà phê bột mì
1 muỗng cà phê bột năng
1/2 muỗng canh dầu
Cách Làm

Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, xắt lát, hấp 20 phút cho khoai chín mềm, nghiền nhuyễn trong khi còn nóng.

Trộn bột khoai nghiền với cà rốt, củ năng và gia vị, nặn thành hình những miếng chả nhỏ.

Đun nóng, cho dầu vào, thả chả vào tới khi cả hai mặt đều chín vàng, dọn lên chung với nước sốt cà chua.

Chao

Vật Liệu: - 100 g đậu hủ
- 20g muối
- 5g ớt bột
- 2g mốc chao (hoặc 4 viên cơm rượu)
- rượu 15 độ (200cc)


Cách Làm:
Ðậu luộc trong nước muối cỡ 5 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Vớt ráo cắt từng miếng vuông nhỏ.

Men cà nhuyễn, xong trộn men vào đậu. Ðể đậu vào một nồi đã khử trùng kỹ(khô ráo)

phía dưới đậu có một khăn thưa để hút ẩm. Ðậu để cách nhau 1 khoảng nhỏ để lên men đều 5 mặt.

Ðậy nắp kín để nơi mát ủ 1 ngày đến 2 ngày. Nếu thấy đậu vàng đều và thơm mùi chao thì lấy ra cân

100g đậu thì 20g muối, 5g ớt bột. Lăn muối đều miếng chao xếp vào lọ đã khử trùng bằng cồn 90 độ,

xếp đậu 2/3 ủ kín một ngày. Chế rượu đầy lọ chao đậy kín đem phơi nắng hoặc để nơi thoáng mát 20 ngày

là ăn được.
Chúc thành công, chao thơm, mềm và béo, vừa ăn là đạt kỹ thuật

Cháo Chay

Vật Liệu: - Rau câu(mứt), loại dùng làm sushi của Nhật
- Phù chúc(tàu hủ ky) tươi .
- Oyster mushroom
- Hành tây
- Nước rau cải nấu và lọc sẵn, hoặc dùng vegetable broth.
- Tiêưnatural MSG+muối+nước tương hiệu healthy boy, mushroom flavor .
Cách Làm: - Rau câu cắt nhỏ, rửa sạch, để ra rổ cho ráọ
- Tàu hủ ky tươi cắt nhỏ, ngâm nước nóng cho mềm, vớt ra để cho ráọ
- Oyster mushroom và hành tây xắt hột lựu
- Gạo vo sạch để ra rổ cho ráo nước, bắt chảo dầu nóng, bỏ hành tây vào phi cho vàng,

kế cho gạo vô đảo qua đảo lại cho gại hơi vàng vàng thơm thơm. Đổ gạo vào nồi nước rau cảị
- Nấu cho nhừ, bỏ rau câu vào và xào tàu hủ ky và oyster mushroom bỏ vô sau cùng.

Nêm nếm cho vừa ăn, nhắc xuống múc ra tô thêm tiêu, và ngò lên trên cho thơm. Món cháo này ăn rất mát

CƠM TẤM BÌ CHẢ

VẬT LIỆU:
- cà rốt và củ cải bào mỏng (xắt sợi hay hình hoa tuỳ ý thích)
- Bột mì căn non nếu hổng có và làm biếng làm thì chắc chỉ còn có cơm tấm bì hong có Chả :)
- Bún tàu
- Nấm rơm
- Nấm hộp (Champignon)
- Gạo tấm
- Tàu hũ
- cải mặn (củ cải xắt sợi ở trong bịch của người Hoa)
- 3 củ khoai tây
- 5 miếng tàu hủ chiên
- 50g bún tàu
- rau thì là
- 4 muỗng thính
- Muối, đường, bột ngọt...

CÁCH LÀM:

- Bún tàu khô chiên vàng (nó phồng lên mau lắm lấy ra để ráo dầu & bóp cho nhỏ lại vừa ăn) .

Nhớ chiên đầu tiên cho cọng bún được trắng đẹp .

- Khoai tây gọt vỏ, xắt sợi nhỏ như cọng giá, chiên vàng hơi hơi vớt ra để cho ráo dầu.

Khi chiên nhớ đừng để gần chúng sẽ dính với nhau .(khoai tây không cần chiên quá vàng khi ăn sẽ bị khô)

- Tàu hủ chiên vàng xong rồi xắt sợi nhỏ như cọng giá .

- Cải mặn mua trong bịch nylon đêm về rửa nước cho sạch cát & bớt ngọt. Vắt ráo,

cắt khúc vừa ăn bỏ lên chảo xào chín. Nêm nếm chút xíu.

- Nấm hộp & nấm rơm xắt cọng, vắt khô xào như cải mặn nêm nếm chút xíu.

(đừng nêm "quá đà" vì nấm rất hút mặn :))

Trộn các thứ trên khoai tây, tàu hủ chiên, bún tàu, thính, Nấm, cải mặn, bột ngọt (tùy ý)

và nêm muối, đường cho vừa ăn.


Cách làm chả:

- Bột mì căn loại để làm mì căn. Quậy với nước thành bột đặc, nêm nếm đường mưới bột ngot.

- Bún tàu ngâm nước ấm cho mềm, vớt ra để ráo, xắt nhỏ. Rau thì là rửa sạch, xắt nhỏ,

trộn tất cả chung với hỗn hợp trên. Bỏ chút dầu vô chảo, dầu nóng, cho bột vào, tém cho khéo,

cho tròn, cho đều, cho mịn, để khi chín cắt ra, miếng chả sẽ đẹp, bắt con mắt :).

Trở hai mặt cho vàng đều, bỏ ra dĩa để nguộị, cắt theo hình thoi.

(** Nếu hong mua được bột mì căn thì có thể tự làm bằng cách sau:
Bột mì loại bình thuờng để làm bánh mì, nhồi với nước lạnh giống như nhồi bánh bao vậy.

(nhồi càng nhiều thì càng tốt.... coi bộ mệt dữ để ăn được miếng chả này đây :))

sau đó ủ bột khoảng 1 tiếng đồng hồ. Lấy bột ra rửa trong nước lạnh.... cứ xả nước lạnh hoài

cho đến khi nước bột mì trong, hết bị đục trắng, chúng ta đã có tinh bột mì... màu hơi sậm và dai dai =>

đó chính là bột mì căn non. Dùng bột này sau khi nêm nếm vừa ăn, cuốn tròn như đòn bánh tét,

hấp lên làm chả lụa, hay chiên vàng (như cách làm chả bên trên) làm chả chiên ăn vô là ngon nhức chưn răng :))


Cách làm nước mắm chay:

- 1 trái dừa xiêm hay 1 lon nước dừa tươi hay lon soda nước dừa (hoặc là nước thường),

nấu sôi với chút muối, đường để nguội.
- Nước tương (loại mushroom, healthy boy)
- Ớt bằm
- Chanh gọt vỏ, vừa vắt lấy nước vừa lấy bựa chanh luôn.
- 1 củ cà rốt bào cọng nhỏ.
- 1 củ cải trắng xắt cọng nhỏ.
Chua ngọt theo sở thích.

Ăn kèm với đồ chua (cà rồt & củ cải trắng ngâm dấm)

Cơm Tấm Bì Chả Chay

Vật Liệu: Chuẩn bị:
- Dưa leo
- Cà chua chín
- Xà lách
- Thì là
- 1 cây ham trắng hiệu VEGE FARM, nếu hổng có thì chắc chỉ còn có cơm tấm bì thui hà ......
- Bún tàu
- Bột bắp hoặc bột năng .
- Gạo tấm

Phần làm bì chay, MV chôm đỡ của người ta như vầy nè(gõ mệt quá hà, nên chôm đạị)......

Vật liệu cho bì:
- 3 củ khoai tây
- 2 củ sắn (củ đậu)
- 5 miếng tàu hủ chiên
- 50g bún tàu (1 gói bún tàu nhỏ)
- 4 muỗng thính
- 1/2 muỗng cafe natural MSG(tùy ý)
- Muối

Cách Làm bì:

- Khoai tây gọt vỏ, xắt sợi nhỏ như nửa cọng giá, chiên vàng vớt ra để cho ráo dầụ Khi chiên

nhớ đừng để gần chúng sẽ dính với nhau .
- Củ sắn gọt vỏ, xắt sợi nhỏ như nửa cọng giá. Chiên vàng. Vớt ra để cho ráo dầu .
- Tàu hủ chiên xong rồi xắt sợi nhỏ như nửa cọng giá .
- Bún tàu khô chiên vàng. Nhớ chiên sau cùng vì nó phồng lên mau lắm và bóp cho nhỏ lại .
Trộn các thứ trên khoai tây, củ sắn, tàu hủ chiên, bún tàu, thính, tỏi (tùy ý), bột ngọt (tùy ý)

và nêm muối cho vừa ăn.

Cách làm chả:
- Ham để ra ngoài cho mềm, cho vào vài muỗng bột bắp hoặc bột năng, bóp nhuyễn.

Bún tàu ngâm nước ấm cho mềm, vớt ra để ráo, xắt nhỏ. Rau thì là rửa sạch, xắt nhỏ,

trộn tất cả chung với ham, nêm 1 tí đường, tiêụ Hổng cần nêm muối hay bột ngọt nữa,

vì ham đã làm sẵn vừa ăn rồị Bỏ tí dầu vô nồi (nhớ dùng cái nồi nhỏ cho nó có hình tròn đẹp),

dầu nóng, cho ham trộn sẵn vào, tém cho khéo, cho tròn, cho đều, cho mịn, để tí nữa cắt ra,

miếng chả sẽ đẹp, bắt mắt đó nhen. Trở hai mặt cho vàng đều, bỏ ra dĩa để nguộị, cắt theo hình thoi.

Cách pha nước chấm:

- 1 trái dừa xiêm hay 1 lon nước dừa tươi hay lon soda nước dừa, nấu sôi để nguộị
- Nước tương (loại mushroom, healthy boy)
- Ớt bầm
- Chanh gọt vỏ, vừa vắt lấy nước vừa lấy bựa chanh luôn.
- 1 củ cà rốt bào cọng nhỏ.
- 1 củ cải trắng xắt cọng nhỏ.
Mặn ngọt theo sở thích.

Dưa leo, cà chua rửa sạch, xắt khoanh tròn, xà lách để nguyên lá, rửa sạch để ráọ

Cơm tấm nấu cho vừa ăn, nhớ đừng nấu nhão nhen!!!

Để lá xà lách lên dĩa, bới cơm tấm nóng lên trên, sau đó cho chả xắt sẵn, dưa leo, cà chua,

bì lên trên, dọn ra bàn, kèm theo chén nước chấm nhỏ.


Dưa Leo Nhồi

Vật Liệu

450g dưa leo
300g củ năng
4 nấm hương
3 muỗng canh cà rốt nấu chín thái hạt lựu
2 muỗng canh bột gạo nếp
1 ít dầu mè
1/4 muỗng cà phê đường
1/3 muỗng và phê muối
1 ít dầu mè
1 nhúm tiêu
1/4 muỗng cà phê muối
1/3 muỗng cà phê đường
1 muỗng cà phê bột năng
3/4 cup nước dùng
Cách Làm

Dưa leo rửa sạch, xắt từng khoanh dầy 1 inch, khoét hết ruột và trụng nước sôi 1 phút,
rửa lại bằng nước lạnh để ráo, rắc bột năng vào mặt trong trái dưa.

Nấm rơm ngâm nước, cắt bỏ chân, để ráo xắt nhỏ.

Củ năng bào nhỏ, trộn với gia vị, cà rốt, nấm hương, nhồi vào trong ruột dưa leo, hấp trên đĩa khoảng 15phút.

Đun sôi 2 muỗng canh dầu hoà với nước xốt, rót lên đĩa dưa leo.

Đậu Hũ Ăn Chơi (Việt Nuggets)

Vật Liệu:
- 1 hộp đậu hũ loại soft, pasteurized.
- 1 gói bread flakes hay bread crumbs bóp nhỏ
- 1/4 muỗng cà phê muối
- vài muỗng bột năng (nếu dùng thì trộn muối vào bột, không dùng bột cũng được).
Cách Làm:


Đậu hũ để lạnh cắt miếng vuông độ 3/4 inches (đừng cắt mỏng hay dầy quá khi ăn sẽ mất tính dòn

hay mất tính mềm và mùi đậu nành đặc biệt của nó), đem nhúng vào nước bột năng quấy lỏng rồi lăn

vào bread crumbs hay bread flakes đã bóp cho mịn hơn (không dùng bột năng thì ấn

nhẹ miếng đậu hũ vào hai mặt).

Chảo để dầu ăn khoảng 1/4 bề dầy miếng đậu hũ (3/16 inches). Chờ chảo sôi (lớn lửa) cứ từ từ dùng tay gỡ

những miếng đậu cắt sẵn, nhúng bột lăn vào crumbs hay ấn hai mặt đậu hũ vào rồi thả vào chảo,

chiên từng mẻ, trong khi chờ đợi làm mẻ mới, khi vàng thì trở bên (làm được một mặt đậm mặt nhạt thì tốt).
Khi chín nếu chảo có vỉ gạn mỡ thì để lên đó rồi bỏ vào rổ có lót khăn giấy, khi ăn să'p ra đĩa,

lười thì ăn tại chỗ.

Đồ chấm nếu dùng để ăn với cơm:

Hai muổng canh hoisin sauce, ba muỗng canh xì dầu, 1/2 cà phê đường, ba muỗng nước,

vài lát gừng giã nát đem trộn đều.

Nhà đông người thì có lẽ mua vài hộp đậu hũ mới đủ, thấy vừa miệng hết nhanh lắm.

Đậu Hũ Kho Với Dưa Cải

Vật Liệu: (món này dễ làm, dễ ăn)

-1 vĩ đậu hủ chiên sẵn (mua đậu hủ sống về cắt ra chiên cũng được )
-1 bịch dưa cải
-Nấm (nếu muốn)
-xì dầu, muối, tiêu, đường, dầu ăn, ớt, ba rô tỏi
Cách Làm: Đậu hủ cắt miếng vuông chừng hai ngón tay
Dưa cải ngâm nước nóng, rữa kỹ (bớt chua và mặn)

Bắt chảo lên bếp nóng, bỏ dầu ăn vô, ba rô tỏi xắt mõng bỏ vô + dzí ơ't bột tao lên, bỏ đậu hủ +

nấm + dưa cải lên xào tới xào lui chút xíu, nhớ xào cho khéo, đừng để nát miếng đậu uổng lém hihihi :)
nêm muối tiêu đường, xì dầu vừa ăn, cho chút nước vô, bớt lửa kho từ từ cho tới lúc hơi cạn .

Đậu hủ dưa cải phải chua chua ngọt ngọt mặn mặn, ăn dzí cơm nóng

Đậu hủ kho xả ớt

Vật liệu :

- 2 miếng đậu hủ chiên sẳn (cắt nhỏ )
(hay đậu hủ đã cắt nhỏ trước rồi chiên )
- 1 hộp xả ớt bằm sẳn (frozen, có bán tại mí chợ VN)
- xì dầu
- muối
- đường
- 1 table spoon dầu olive

Cách Làm:

Khi dầu đã nóng cho xả ớt vào xào khoảng 3 phút . Cho đậu hủ chiên vô , đảo đều .
Cho xì dầu, 1 tí ti muối , đường và chút nước vô nồi (nhớ nêm lai cho vừa ),

đậy nắp nồi và để lửa riu riu cho gia vị thấm vô đậu hủ (khỏang 10 phút ) là xong .

Món nì ăn với cơm nóng và rau luộc

Đậu Hủ Sốt Cà

Vật Liệu

5 miếng đậu hủ trắng
2 trái cà chua
1 hộp nấm rơm búp loại lớn
1 cup nước lạnh
1 muỗng hành phi hoặc leek phi
1 muỗng xì dầu
1 tsp đường, muối, tiêu và ngò
Cách làm

1. Đậu hủ cắt miếng vuông, chiên vàng

2. Cà chua bỏ hột bầm nhỏ

3. Nấm rửa sạch, để ráo

4. Cho dầu ăn vào nồi, cho nấm rơm vào xào với hành phi và gia vị: xì dầu, đường, muối,tiêu cho thấm

5. Cho cà chua bầm vào xào chung. Xào cho cà chín mềm rồi cho nước lạnh vào nấu sôi rồi cho đậu hủ đã chiên vào.

6. Nêm lại cho vừa ăn. Múc ra dĩa, cho tiêu và ngò lên trên.

Đậu hủ xào chua ngọt

Vật Liệu: Bạn của chị HC mới chỉ HC món này, thấy cũng dể, mà nhanh nữa.

Lâu lâu đổi món thấy cũng ngon á.

Vật Liệu: đậu hủ chiên, bell pepper (xanh, vàng, đỏ gì tuỳ ý, cho đẹp:), cà chua
Nước xốt: nước, giấm trắng, đường, muối, corn starch, ketchup trộn chung

(mỗi thứ 1 ít sao cho vừa ăn chua chua ngọt ngọt...HC làm đại hong có đo :)

Cách Làm: Bell pepper cắt miếng vừa ăn, xào xơ với dầu ăn, lấy ra dĩa.

Cà chua xắt miếng xào với dầu ặn Cho nước xốt vô, nấu cho sôi, rồi bỏ đậu hủ chiên

với bell pepper vô, trộn đều Xong rồi thì...múc ra, ăn với cơm :)

Đậu Hũ Xào Lá Lốt

Vật Liệu: - Đậu hũ: 3 bìa.

- Lá lốt, gia vị, dầu ăn.

Cách Làm: Đậu hũ thái con chì để ráo nước.

Lá lốt rửa sạch, thái chỉ.

Mỡ đun nóng già cho đậu vào rán đều, vớt hết đậu đã rán, để ráo mỡ rồi cho vào một nồi khác

đun tiếp đảo đều tay. Cho tiếp lá lốt vào, nêm gia vị cho vừa là được.

Có thể ăn nóng hay ăn nguội tuỳ theo khẩu vị với mỗi gia đình.

Đậu ve xào nấm

Vật Liệu
1 lb đậu ve
1 lb nấm tươi
1 cup dầu ăn
2 miếng hamburger chay bằm nhỏ
2 muỗng Tbsp hành lá xắt nhỏ
1 muỗng tsp dầu mè
1 muỗng Tbsp nước tương (Soy sauce)
2 muỗng Tbsp nước
1 muỗng tsp đường

Cách Làm:
Lặt đuôi các đậu ve. Cắt đậu ra từng khúc dài khoảng 3-phân. Rửa đậu sạch và

để ra rổ cho ráo nước. Rửa nấm tươi và để ra rổ cho ráo nước.Rửa nấm tươi và

để ra rổ cho ráo nước. Cho vật liệu số 7, 8 và 9 vào trong một cái chén. Bắc chảo lên,

khi chảo nóng cho cup dầu ăn vào. Cho đậu ve, nấm vào chảo và vặn lửa nhỏ lại.

Xào khoảng 5 phút thì cho đậu ve và nấm vô rổ để cho ráo dầu. Bắc chảo lên lò lại với

1 muỗng tsp dầu ăn. Cho 2 miếng hamburger chay bầm nhỏ vào và xào lên cho đến khi

dòn bên ngoài. Cho đậu ve, nấm và chén có vật liệu 7, 8 và 9 vào chảo. Vặn lửa lớn lên

và trộn đều. Cho hành lá đã xắt nhỏ và dầu mè vào. Xào lên khoảng một phút là sẽ có được

một dĩa Ðậu Ve Xào Nấm thật ngon cho cả gia đình thưởng thức.

Giò Lụa (chay)

Vật Liệu: - Một liếp tầu hũ ky lá (dried soy-bean sheet) 16 ounces
- Một củ boa-rô (leek) phần củ, thái nhỏ
- 3/4 teaspoon muối
- 1/2 teaspoon bột nêm
- 1/4 teaspoon đường
- Một ít tiêu bột hay tiêu hột tùy ý
- Lá chuối và dây để gói

Cách Làm: - Ngâm tầu hũ ky lá trong nước ấm khoảng hai mươi phút cho mềm,

vớt ra xả sạch.
- Luộc tầu hũ ky trong nước sôi khoảng 20 phút. Khi nào thấy mềm thì vớt ra, để ráo nước.

Có thể cho 1/2 teaspoon baking soda vào nước sôi để luộc cho mau mềm, nhưng đừng để mềm quá)
- Cho muối và đường vào tầu hũ ky, để khoảng 15 phút cho thấm, sau đó vắt thật khô,

xong cho tiêu, bột nêm và boa-rô đã phi thơm vào trộn đều. Nêm nếm vừa miệng.
- Để tầu hũ ky đã trộn lên lá chuối, bó tròn như đòn bánh tét, lấy dây buộc xung quanh.

Nếu cần, bọc thêm một lớp giấy nhôm ở ngoài. (Phải gói thật chặt)
- Để giò lụa vừa gói xong vào nồi nước sôi, luộc khoảng một tiếng đồng hồ, vớt ra để nguội, cất tủ lạnh.
- Chả để nguội mới cắt thì mặt chả mới mịn

Gỏi Bưởi Chay

Vật Liệu:
- 1 trái bưởi(Lựa loại ngon, múi bự)
- 2 cây mì căn
- Tỏi/kiệu
- 1 miếng tàu hũ ky tươi
- 2/3 cup đậu phụng rang dòn
- Dầu hào chay
- Chanh, ớt, nước tương, bột ngọt nấm
- Rau răm + rau thơm


Cách Làm:

- Lột bưởi, bỏ hột, tách múi bưởi ra từng tép nhỏ
- Mì căn xé sợi nhỏ như que tăm, đem chiên vàng, xào với tí dầu hào + tí tiêu cho thấm
- Bắc dầu Olive lên cho nóng, thả tàu hủ ky tươi vào, chiên vàng dòn, vớt ra để đó
- Vắt một trái chanh lấy nước cốt + 3 tsp đường + tí bột ngọt nấm + tí muối +

1/2 cup nước lạnh(đổ tí nước nóng quậy cho mau tan hỗn hợp rồi mới đổ nước lạnh vô sau)

+ 3 Tbsp nước tương, quậy đều dùng để trộn bưởi
- Cho bưởi vào thau sạch + mì căn xé sợi + bóp vụn tàu hủ ky đã chiên vàng vào thau bưởi

+ đậu phụng rang dòn + tô nước gia vị ở trên. Trộn đều tất cả, nêm nếm lại cho vừa ăn .

Rau răm + rau thơm rửa sạch, xắt nhỏ rải lên trên
- Múc bưởi trộn ra dĩa, ăn kèm với bánh phồng tôm chay hoặc bánh tráng mè đen nướng

Sưu Tầm Từ Các Trang Web Bạn