23 tháng 3, 2009

Thực phẩm cho mùa thi ( món chay dể kiếm )


Bên cạnh việc học và ôn thi, các "sĩ tử" sắp tham dự những kỳ thi quan trọng còn phải chú ý đến những thực phẩm giúp cho não bộ hoạt động tốt, sung sức và khỏe mạnh.

Các khoáng chất và sinh tố trong nước ép trái cây rất tốt và giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn

Từ món khoái khẩu...

Tế bào não "thích" nhất là đường, khi lượng đường trong cơ thể bị "dùng" hết, cơn "đói" của não sẽ khiến chúng ta cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn (hạ đường huyết). Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, đường "nhanh" mà tế bào não có thể "dùng" ngay được có trong đường cát, mật ong, trái cây. Còn các loại đường "chậm" có trong cơm, bánh mì... nếu não muốn "dùng" phải chờ... tiêu hóa.

Như vậy, ngoài bữa chính cần có 15g, 20g, chẳng hạn như viên kẹo, ly nước đường, trái cây, để não được "no đủ". Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là ly nước ép trái cây vì trong hoa quả có sinh tố, khoáng chất giúp cơ thể hấp thụ đường dễ dàng hơn.

Ngoài ra, những món ăn vặt của nữ sinh như: cóc, ổi, xoài, mận, me... có nhiều sinh tố C (sinh tố C tham gia trong quá trình sản xuất dopamine và adrenalin) giúp hưng phấn, học bài lâu mệt.

Về axít amin (đơn vị cấu tạo của chất đạm), não cần nhất là tryptophan và tyroxine để tổng hợp serotonin tạo cảm giác hưng phấn và dịu thần kinh. Cơ thể không thể tự tạo ra tryptophan, do đó cần tăng cường uống mỗi ngày một ly sữa, và "nhâm nhi" đậu phộng.

Thực phẩm dành cho trí thông minh còn có bí đỏ. Trong quả này có chứa chất acid glutamic có khả năng tăng cường phản ứng chuyển hóa giữa các tế bào thần kinh và não.

Người ta nhận thấy nếu thiếu axít omega 3 sẽ bị rối loạn trí nhớ, kém tập trung, chán nản và buồn ngủ. Song, cơ thể không tự tổng hợp được axít béo này nên phải dựa vào nguồn cung cấp từ thực phẩm.

Trong khẩu phần hàng ngày nên tăng cường ăn các loại dầu flax seed , rong biển... Mỗi tuần nên ăn trung bình ba lần. Bên cạnh đó, kali cũng cần cho sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh, giảm căng thẳng, chất này có trong cam, khoai tây, sữa.

Học và ghi nhớ là "công việc" mà não phải làm mỗi ngày. Các sinh tố tăng cường thêm khả năng nhớ là sinh tố nhóm B. Chẳng hạn như B6 giúp điều hòa sản sinh chất dẫn truyền thần kinh. Sinh tố B12 giúp duy trì hoạt động của tế bào thần kinh, vỏ bọc các sợi thần kinh.

Các sinh tố này có nhiều trong lòng đỏ trứng, phó mát, đậu nành, quả bơ... Rau xanh được mệnh danh là thuốc chống suy nhược, nhờ có chứa nhiều axit folic. Canxi không chỉ giúp xương răng chắc khỏe mà còn cần thiết cho sự thu nhận, dẫn truyền các tín hiệu thần kinh. Canxi có trong sữa, sữa chua, đậu nành...

Trà và cà phê... là những trợ thủ mà các bạn trẻ hay sử dụng để "kích thích" hoạt động của não. Điều này chỉ đúng vào lúc 4h sáng để tỉnh táo, không nên dùng sau 10g tối. Lạm dụng cà phê, trà để chống buồn ngủ, học thật nhiều sát ngày thi dễ khiến cơ thể kiệt quệ, não mất sáng suốt vào những ngày thi!

... Đến "sạc pin" cho não

Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp bạn tỉnh táo và có khả năng tiếp thu nhanh hơn

Tế bào nào cũng biết mệt. Và giấc ngủ được xem như "sạc" pin lại cho não và cơ thể. Bác sĩ Đặng Văn Mon - khoa Giấc ngủ - Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic TP.HCM, giải thích: "Một giấc ngủ tốt giúp não đưa những thông tin quan trọng vào "kho dữ liệu", để khi cần có thể lấy ra nhanh chóng và dễ dàng.

Trong giấc ngủ còn có những giai đoạn cơ thể tiết ra một số chất cần thiết bảo vệ não, chống lại một số căng thẳng hoặc stress làm tổn thương não.

Một giấc ngủ tốt phải thoả mãn các điều kiện: thời gian từ 6 -8 tiếng (tùy người), ngủ sâu, khi thức dậy cảm thấy thoải mái, sảng khoái, ham thích học tập, học đâu nhớ đấy. Cần nhớ, một tiếng học tập sau giấc ngủ có giá trị bằng 2 - 3 tiếng ráng học lúc đang mệt mỏi. Do đó không nên "ép" mình học dồn dập.

Não bộ - "tổng hành dinh" của cơ thể, điều hòa mọi hoạt động và suy nghĩ, vì vậy nó được hưởng "chế độ" ưu đãi đặc biệt - đó là sử dụng trên 20% thể tích ôxy phổi hít vào, mặc dù trọng lượng của nó chỉ bằng 2% trọng lượng cơ thể.

Nói cách khác, ôxy là "thức ăn" không thể thiếu của não. Do đó, muốn có bộ não khỏe mạnh thì tim phổi phải khỏe. Để có trái tim khỏe cần tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày. Theo TS Phạm Nguyễn Vinh - Viện Tim TP.HCM thì chỉ cần đi bộ mỗi ngày nửa tiếng là đã tốt cho cơ thể rồi.

Tuy nhiên, cần thư giãn 5 phút sau mỗi một tiếng học bài bằng những động tác thể dục, hít thở sâu để tăng cường lượng ôxy trong máu.

Theo TinTucOnLine.Com