24 tháng 7, 2009

Chuối lát nướng quà quê dân dã


Chuối lát nướng là một thức quà bình dân, thường được bày bán chung với các loại bánh kép, bánh tráng mạch nha, bánh bông lan, bò bía ngọt... mà các mẹ, các chị gánh đi khắp nơi trên những con đường Sài Gòn.

Việt Nam là nước nhiệt đới nên được thiên nhiên ưu đãi một thế giới trái cây cực kỳ phong phú. Trong đó, riêng chuối đã có hơn chục giống khác nhau. Nào chuối sim, chuối sứ, chuối ngự, chuối cao... tuy tên gọi và hình dáng khác nhau nhưng đều là những loại trái cây rất lành và bổ dưỡng. Vì vậy, người Việt Nam từ lâu đã sáng tạo ra nhiều món ăn ngon từ chuối để thưởng thức hết hương vị ngọt ngào của loại trái cây này đồng thời bảo quản chúng được lâu hơn. Nhìn chung, có thể kể ra những món ăn ngay như chè chuối, bánh chuối hấp, chuối chiên, chuối đập... và những món dự trữ được lâu như chuối khô, chuối ngào đường, chuối xào gừng và không thể không kể đến chuối lát nướng.

Chọn chuối cũng lắm công phu

Nếu chỉ nghe tên gọi, chuối lát nướng thường bị nhầm với món chuối đập chấm nước cốt dừa. Chuối sim sắp chín, vỏ còn xanh nhưng một phần ruột hơi ửng hồng được bổ làm đôi, đập cho dẹp, nướng lên chấm với nước cốt dừa pha mỡ hành béo ngậy và thơm phức, đó là món chuối đập. Chuối lát nướng cũng dùng chuối sim, nhưng là loại vừa chín tới để có độ dẻo và dính. Vì vậy, chọn chuối cũng lắm công phu, chuối xanh quá làm bánh sẽ bị cứng và có vị chát, chuối chín quá sẽ cho ra những miếng bánh mềm nhũn và hơi chua.

Ngoài ra, những người thợ bánh khéo tay phải biết cách xắt chuối vừa đủ mỏng để khi nướng lên bánh có độ giòn, ăn không thấy ngán, vừa phải đủ dày để không bị rách khi kết thành từng miếng bánh lớn. Chuối vốn thơm và ngọt nên không cần phải thêm bất cứ một loại gia vị nào. Sau đó, những miếng chuối tươi này được đem phơi "sương sương" ngoài nắng cho khô ráo. Thời gian phơi bao lâu còn tuỳ thuộc vào thời tiết của từng ngày, khi nào xếp các miếng chuối chồng lên nhau mà không bị bết dính là mẻ chuối đã đạt chất lượng. Chuối đã khô được cất nơi khô ráo, khi nào ăn mới lấy ra nướng cho dậy mùi thơm. Gọi là nướng nhưng chỉ cần lật qua, trở lại vài lần trên bếp than nóng là có thể dùng được. Do miếng chuối khá mỏng, nên phải trở đều và nhanh tay để bánh lên màu vàng ngả nâu tự nhiên, nhìn "đã con mắt"! Cũng do đặc điểm này mà bánh chuối lát chỉ có thể nướng trên bếp than hồng chứ không thể nướng bằng ngọn lửa "hỗn" của bếp ga.

Thức quà giản dị

Do được bày bán ở các gánh quà nho nhỏ nơi góc phố, trước cổng trường, vỉa hè... nên có nhiều người nướng chuối lát sẵn rồi để trong túi ni lông như bánh tráng, bánh kẹp, bông lan. Thế nhưng, nhiều người vẫn thích cái thú được ngồi ghế con, vừa tán gẫu cùng bạn bè, vừa đợi cô bán hàng nhanh tay trở bánh trên bếp than hồng. Nhờ được nướng tại chỗ nên miếng bánh bao giờ cũng nóng hôi hổi, đúng kiểu "vừa thổi vừa ăn". Chuối lát sau khi nướng lên vừa dẻo vừa giòn, cắn vào một miếng nghe vị ngọt thanh tao tan dần nơi đầu lưỡi. Món ăn giản dị này vì thế mà được nhiều người ưa thích, không riêng gì học trò mà các bà nội trợ, nhân viên văn phòng cũng thường tranh thủ lúc đi ăn trưa, tạt qua gánh hàng mua dăm ba miếng chuối lát nướng mang về cả phòng cùng ăn.

Chuối lát nướng có thể giữ được lâu nếu bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát. Vì thế, có nhiều người mua chuối lát nướng sẵn đem về nhà, cất trong keo sành hoặc keo nhựa, để dành mỗi sáng đem ra nhâm nhi với tách trà, hay ngày cuối tuần ngồi nhà xem phim ăn cho vui miệng. Thỉnh thoảng, có khách đến chơi nhà, pha bình trà ngon, mời dùng miếng chuối lát nướng thơm phức, giản dị mà thân mật.

Theo tintuconline