Câu trả lời là có. Calcium được hàm chứa trong rau xanh, hạt và ngũ cốc. Nghĩa là nó có rất dồi dào trong các thức ăn có nguồn gốc thực vật.
Mặc dầu chúng ta thường được khuyến cáo nên uống chất calcium thêm để bồi bổ. Nhưng thực ra những người trọng tuổi mắc phải bệnh xương xốp không phải vì lý do không ăn đầy đủ chất calcium mà vì họ ăn quá nhiều chất Protein hàm chứa trong thịt động vật. Khi Protein được hấp thụ quá nhiều sẽ phá vỡ trữ lượng calcium trong cơ thể và làm giảm độ pH trong máu. Cơ thể của chúng ta phải lấy Calcium dự trữ từ trong xương đem vào máu để quân bình lượng pH trở lại nên xương bị giòn và xốp. Lượng calcium bị hủy hoại sẽ được bài tiết ra ngoài bằng đường tiểu. Nhiều cuộc thí nghiệm cho thấy lượng Protein mà con người ăn vào sẽ giảm thiểu lượng calcium trong cơ thể nhiều hơn lượng calcium mà chúng ta hấp thụ vào bằng đường ăn uống.
Dân tộc Bantu ở Phi Châu chỉ ăn toàn rau quả. Lượng Calcium mà họ hấp thụ vào chỉ bằng 1/3 lượng calcium tiêu chuẩn được ấn định bởi cơ quan dinh dưỡng Hoa Kỳ. Tuy nhiên không hề nghe nói dân chúng Bantu bị bệnh xương xốp. Ngược lại dân Eskimo ăn rất nhiều thịt động vật hàng ngày vì đất đai vùng họ ở rất lạnh không thể trồng trọt được nên chỉ sống nhờ vào sự săn bắn. Họ là những người hấp thụ nhiều chất Protein động vật nhất trên thế giới và lượng calcium mà họ tiếp thu vào cơ thể bằng đường ăn uống cũng gấp đôi tiêu chuẩn ấn định, nhưng họ lại là sắc dân bị bệnh xương xốp có tỷ lệ cao nhất thế giới.
- Á Châu rất ít người bị bệnh xương xớp vì họ tiêu thụ rất ít thịt động vật, sữa và các sản phẩm của sữa. Trong khẩu phần hàng ngày của người Á Châu, rau cải là chính yếu. Theo thống kê của Cơ Quan Nghiên Cứu Bệnh Xương Xốp, so với Á Châu, Hoa Kỳ hiện nay là quốc gia đang bị hăm dọa nghiêm trọng về tỷ số dân chúng mắc phải chứng bệnh này.
Theo Ăn Chay và Sức Khỏe ( Trần Anh Kiệt )