Sinh ra trong gia đình thuần nông, lớn lên bằng hạt gạo do chính tay cha mẹ chăm sóc, trong ký ức của tôi, bữa cơm lúa mới đã quá gần gũi thân thương.
Nghề nông, một năm chỉ trông vào hai vụ lúa, vụ chiêm tháng năm và vụ mùa tháng mười. Chính vì thế bát cơm gạo mới trầng ngần, dẻo thơm, quyện mùi rơm óng trong ký ức của những đứa trẻ thôn quê như tôi không có gì xa lạ. Đó là khi tuổi thơ sống bên cha mẹ, mỗi năm hai mùa trông ngóng bát cơm lúa mới. Lớn lên, xa rời vòng tay cha mẹ, xa những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay để lên thành phố học, không phải lúc nào cũng có có thể ở nhà chờ bát cơm gạo mới song cứ đến vụ gặt lòng tôi lại háo hức, nao nao. Nhớ gia đình, nhớ cơm gạo mới một phần, phần khác tôi thèm không khí rộn ràng làng trên, ruộng dưới cô bác hăng say trong vui niềm vui được mùa.
Công việc nhà nông lam lũ, quanh năm vất vả, chỉ mong ngày thu hoạch, đó là lúc trông thấy kết quả của cả quá trình lao động. Chính vì vậy, vui nhất vẫn là bữa cơm trong những ngày mùa bội thu. Mặc dù công việc vất vả nhưng đâu đâu cũng râm ran tiếng nói, tiếng cười, khuôn mặt ai cũng hoan hỉ, thiếu phụ cười nghiêng vành nón, trai gái trêu đùa hát nghêu ngao khắp đồng…
Giống như bao nhà trong xóm, mặc dù công việc đồng áng còn nhiều bề bộn, ngày đầu gặt lúa về, bao giờ ba mẹ cũng dành thời gian đập, phơi, sàng sẩy nhanh nhất có thể để cả nhà có mẻ cơm mới. Xóm tôi khi đó vui lắm, nhà nhà như đua nhau, nhà nào có cơm gạo mới ăn trước tức là niềm vui về sớm, vụ lúa năm sau sẽ được mùa gấp bội.
Hương lúa mới lan tỏa khắp nơi, từ những vỏ trấu tróc ra, từ chiếc rá tre khi vo gạo, hương tỏa ngào ngạt khi cơm sôi lục sục trong nồi gang trên bếp, đặc quánh như sữa non. Khi cơm chín, chỉ mới bắc lên, một mùi hương thơm ngậy, lan tỏa, vị béo bùi, tinh khiết, ngòn ngọt. Mùi thơm từ bếp tỏa lên nhà trên, tỏa sang nhà hàng xóm khiến những cánh mũi phập phồng, những cái bụng sắp đến bữa ngọ nguậy, sôi lên ì èo…
Nấu cơm gạo mới cũng không đơn giản như nấu cơm thường ngày. Gạo mới dẻo, không ưa nước lại rất hao. Vì thế, ướm lượng nước sao cho cơm bông tơi, không ướt không phải là dễ. Ngày mùa, cả ngày quần quật ngoài đồng, cơm mới lại trắng dẻo, thơm ngon, ai cũng đánh bay vài bát dễ dàng.
Nếu ở nhiều vùng, đặc biệt tại các bản làng dân tộc có tục lễ đón cơm mới rất tưng bừng thì ở quê tôi nghi lễ đó vẫn tồn tại những giản đơn hơn nhiều. Cơm mới bắc lên, đơm một bát rồi thắp hương mời ông bà tổ tiên về thưởng thức, vừa để thông báo vụ mùa thắng lợi cũng là cầu mong vụ tới mùa màng bội thu.
Mùa này đang vụ thu hoạch, khắp các cánh đồng một màu vàng óng, ngân vang tiếng cười. Tôi trở về quê trong một ngày cuối tuần giữa cái nắng cháy da cháy thịt. Mới từ đầu làng, mùi rơm mới ngào ngạt như thôi thúc hơn về thật nhanh ăn bát cơm gạo mới của mẹ.
Theo MonngonHanoi.com
Nghề nông, một năm chỉ trông vào hai vụ lúa, vụ chiêm tháng năm và vụ mùa tháng mười. Chính vì thế bát cơm gạo mới trầng ngần, dẻo thơm, quyện mùi rơm óng trong ký ức của những đứa trẻ thôn quê như tôi không có gì xa lạ. Đó là khi tuổi thơ sống bên cha mẹ, mỗi năm hai mùa trông ngóng bát cơm lúa mới. Lớn lên, xa rời vòng tay cha mẹ, xa những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay để lên thành phố học, không phải lúc nào cũng có có thể ở nhà chờ bát cơm gạo mới song cứ đến vụ gặt lòng tôi lại háo hức, nao nao. Nhớ gia đình, nhớ cơm gạo mới một phần, phần khác tôi thèm không khí rộn ràng làng trên, ruộng dưới cô bác hăng say trong vui niềm vui được mùa.
Công việc nhà nông lam lũ, quanh năm vất vả, chỉ mong ngày thu hoạch, đó là lúc trông thấy kết quả của cả quá trình lao động. Chính vì vậy, vui nhất vẫn là bữa cơm trong những ngày mùa bội thu. Mặc dù công việc vất vả nhưng đâu đâu cũng râm ran tiếng nói, tiếng cười, khuôn mặt ai cũng hoan hỉ, thiếu phụ cười nghiêng vành nón, trai gái trêu đùa hát nghêu ngao khắp đồng…
Giống như bao nhà trong xóm, mặc dù công việc đồng áng còn nhiều bề bộn, ngày đầu gặt lúa về, bao giờ ba mẹ cũng dành thời gian đập, phơi, sàng sẩy nhanh nhất có thể để cả nhà có mẻ cơm mới. Xóm tôi khi đó vui lắm, nhà nhà như đua nhau, nhà nào có cơm gạo mới ăn trước tức là niềm vui về sớm, vụ lúa năm sau sẽ được mùa gấp bội.
Hương lúa mới lan tỏa khắp nơi, từ những vỏ trấu tróc ra, từ chiếc rá tre khi vo gạo, hương tỏa ngào ngạt khi cơm sôi lục sục trong nồi gang trên bếp, đặc quánh như sữa non. Khi cơm chín, chỉ mới bắc lên, một mùi hương thơm ngậy, lan tỏa, vị béo bùi, tinh khiết, ngòn ngọt. Mùi thơm từ bếp tỏa lên nhà trên, tỏa sang nhà hàng xóm khiến những cánh mũi phập phồng, những cái bụng sắp đến bữa ngọ nguậy, sôi lên ì èo…
Nấu cơm gạo mới cũng không đơn giản như nấu cơm thường ngày. Gạo mới dẻo, không ưa nước lại rất hao. Vì thế, ướm lượng nước sao cho cơm bông tơi, không ướt không phải là dễ. Ngày mùa, cả ngày quần quật ngoài đồng, cơm mới lại trắng dẻo, thơm ngon, ai cũng đánh bay vài bát dễ dàng.
Nếu ở nhiều vùng, đặc biệt tại các bản làng dân tộc có tục lễ đón cơm mới rất tưng bừng thì ở quê tôi nghi lễ đó vẫn tồn tại những giản đơn hơn nhiều. Cơm mới bắc lên, đơm một bát rồi thắp hương mời ông bà tổ tiên về thưởng thức, vừa để thông báo vụ mùa thắng lợi cũng là cầu mong vụ tới mùa màng bội thu.
Mùa này đang vụ thu hoạch, khắp các cánh đồng một màu vàng óng, ngân vang tiếng cười. Tôi trở về quê trong một ngày cuối tuần giữa cái nắng cháy da cháy thịt. Mới từ đầu làng, mùi rơm mới ngào ngạt như thôi thúc hơn về thật nhanh ăn bát cơm gạo mới của mẹ.
Theo MonngonHanoi.com